Cùng với đó, ngành du lịch cũng đang nỗ lực triển khai các hoạt động xúc tiến để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu đề ra của năm 2015.
Hấp dẫn cung đường Tây Bắc
Thấy trên diễn đàn cộng đồng mạng chia sẻ hình ảnh hùng vĩ của Cao nguyên Đá Hà Giang và mùa hoa tam giác mạch, nên chị Phạm Thu Thủy và những người bạn cùng công ty quyết tâm đi Hà Giang. Cuối tuần, họ hòa vào dòng người lên Cao nguyên Đá nườm nượp để cùng ngắm cảnh và chụp ảnh tại các ruộng hoa tam giác mạch.
Du khách nườm nượp lên Hà Giang trải nghiệm hoa tam giác mạch. |
Các địa phương miền núi phía Bắc lâu nay đã biết khai thác lợi thế cảnh quan hùng vĩ, bản sắc văn hóa dân tộc, nhưng gần đây, họ còn đa dạng hóa sản phẩm, tập trung khai thác lợi thế về các loài hoa nở theo mùa. “Tháng 11 và tháng 12 là thời điểm nở rộng hoa dã quỳ ở Mộc Châu (Sơn La) và hoa tam giác mạch ở Hà Giang, thu hút du khách đổ về chụp hình và ngắm hoa. Tại Hà Giang, đã có quy hoạch rõ ràng từng khu vực trồng hoa tam giác mạch phục vụ du khách. Có gia đình trồng thửa hoa tam giác mạch rộng hơn nửa ha, thu về hơn 70 triệu đồng trong tháng qua. Điều này đã mang lại nguồn thu không nhỏ cho người dân”, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết.
Nắm bắt nhu cầu này của du khách, các doanh nghiệp lữ hành tại cũng đã tổ chức tour hàng tuần đi Hà Giang, Mộc Châu (Sơn La) như Hanoi Redtour, APT travel, Vietranstour.
Ông Nguyễn Hồng Đài, Giám đốc APT cho biết: “Với tuyến Hà Giang, đơn vị đã phải đặt dịch vụ đến hết năm 2016. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ tiến hành khảo sát tuyến mới để mở tour định kỳ hàng tuần Hà Nội - Hồ Ba Bể - Thác Bản Giốc. Tuyến này trước đây doanh nghiệp chỉ làm khách đoàn khi có yêu cầu, nay sẽ tìm những điểm nhấn để có thể mở tuyến thăm quan định kỳ hơn”.
“Với lượng khách tăng đều đến với vùng miền núi phía Bắc trong thời gian qua, sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp, cá nhân và cả chính quyền địa phương có động lực đầu tư hạ tầng, dịch vụ du lịch để nâng cao chất lượng phục vụ, phát triển du lịch bền vững”, ông Nguyễn Quý Phương cho biết.
Tăng cường xúc tiến quảng bá.
Các hoạt động của năm Du lịch quốc gia đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 2016 với chủ để “Khám phá đất phương Nam” đang được các tỉnh trong vùng chuẩn bị. Ông Phạm Thế Triều, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh An Giang cho biết: Để quảng bá cho du lịch đồng bằng sông Cửu Long, Tuần Văn hóa - Du lịch đồng bằng sông Cửu Long 2015 sẽ được tổ chức tại Hà Nội từ 16 - 19/11. Tại tuần lễ văn hóa này, các tỉnh ĐBSCL tập trung giới thiệu sản phẩm đặc trưng của vùng du lịch miệt vườn sông nước gắn với nét sinh hoạt đặc trưng của vùng hạ lưu sông Mê Kông. Bên cạnh đó là điểm đến Phú Quốc với lợi thế du lịch biển đảo. Sự liên kết vùng sẽ là động lực thu hút khách và kéo dài thời gian lưu trú, từ đó tăng doanh thu. An Giang với thế mạnh du lịch tâm linh sẽ mở rộng thu hút khách tới các điểm du lịch sinh thái, miệt vườn như thăm rừng trăm Trà Sư, hồ Soài So và Châu Đốc -thành phố ngã ba sông.
Cùng với thu hút nội địa, công tác xúc tiến thu hút khách quốc tế đang được tăng cường. Chính sách miễn thị thực (visa) với 5 thị trường Tây Âu đang hấp dẫn khách từ các thị trường này đến từ các điểm trung chuyển trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore kết nối tour sang Việt Nam. Do đó, trong thời gian qua, ngành du lịch tham gia xúc tiến quảng bá tại Hội chợ ITB-Asia tại Singapore (21-23/10). Ngành cũng vừa triển khai xúc tiến tại Hội chợ du lịch thế giới (WTM) tại Anh (2-5/11) và tổ chức phát động thị trường du lịch Việt Nam tại các thị trường Pháp, Đức, Tây Ban Nha. “Bên cạnh các điểm đến truyền thống như Huế, Hạ Long thì nhiều điểm đến mới của Việt Nam cũng được giới thiệu tới du khách 3 nước Tây Âu như: cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), đảo Phú Quốc (Kiên Giang), đồng bằng sông Cửu Long…”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch cho biết.