Du lịch Huế chú trọng tái hiện các hoạt động lễ hội trong cung vua

Để tạo điểm nhấn cho du lịch Cố đô Huế, từ ngày 26/3, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế sẽ tái hiện phiên lễ đổi gác dưới cung vua diễn ra từ 9h đến 9h30 sáng hàng ngày. Nhiều hoạt động nghệ thuật biểu diễn khác cũng diễn ra đồng thời tại các điểm di tích.

Tại sân Đại triều điện Thái Hòa có hoạt động trình tấu Nhã nhạc. Đại nhạc cũng được biểu diễn cùng thời gian này tài Hiển Lâm Các - Thế Miếu. Bên cạnh đó, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế còn tổ chức nhiều hoạt động trưng bày chuyên đề tại Tả Vu, điện Thái Hòa, Tây Khuyết đài, Thái bình lâu, điện Thọ Ninh, Trường lang Tử Cấm thành.

Dàn Nhã nhạc đang trình tấu ở sân điện Thái Hòa những năm 1920. Ảnh tư liệu của nhà nghiên cứu Phan Thuận An (theo thuathienhue.gov.vn).


Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: Địa điểm diễn ra lễ đổi gác từ Kỳ Đài đến Ngọ Môn, sau đó từ Ngọ Môn đến Duyệt Thị Đường. Khách đến tham quan Đại Nội, ngoài việc được chiêm ngưỡng vẻ đồ sộ của thành quách cố đô, còn được chứng kiến các nghệ sỹ Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế tổ chức buổi lễ đổi gác, tái hiện một đám rước nhỏ gồm quan và lính ngự đi từ cửa Hiển Nhơn ra cửa Ngọ Môn thực hiện nghi thức phiên đổi gác.

Trung tâm hiện đã thành công trong việc phục chế một số trang phục quan, lính để thực hiện một phiên lễ đổi gác, hoặc trang phục áo, mão Trấn thủ Bát dật Võ; và áo, mão Giao lĩnh Bát dật Văn để biểu diễn Nhã nhạc phục vụ cho công tác nghiên cứu, biểu diễn tại nhà hát Duyệt Thị Đường - Đại Nội Huế. Ngoài ý nghĩa tái hiện các hoạt động trong cung cấm của triều Nguyễn xưa, hoạt động này còn góp phần vào việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của hệ thống di tích Cố đô Huế.


Tết Nguyên đán Quý Tỵ là lần đầu tiên Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức nhiều hoạt động mới như lễ dựng cây Nêu (lễ Thướng Tiêu dưới triều Nguyễn) được tái hiện tại cửa Hiển Nhơn đến Thế Miếu. Đội rước Nêu bao gồm 6 quân lính cầm cờ cảnh, lồng đèn; 4 lính cầm cờ tứ phương; tiếp đến là 1 quan cầm lỗ bộ ghi chữ "Thướng Tiêu"; 1 lính bưng tráp cau, trầu, rượu, phướn; kế đến là 9 nhạc công tiểu nhạc; giữa đội rước là 10 lính đội nón, mặc áo màu vàng, vác cây Nêu; theo sau là 8 lính cầm lỗ bộ và cuối cùng là thành phần tham dự trong trang phục truyền thống. Lễ dựng Nêu còn kết hợp giữa Đại nhạc và Tiểu nhạc, gồm song tấu trống kèn và các nghi lễ của lễ phẩm, hương án mang đậm màu sắc trong chốn cung đình, nhằm tạo nên một sinh hoạt có tính điểm nhấn, được khách du lịch đón nhận một cách thích thú.


Quốc Việt
Ngày Xuân xuống thuyền nghe ca Huế trên sông Hương
Ngày Xuân xuống thuyền nghe ca Huế trên sông Hương

Đêm ca Huế trên sông Hương thường được bắt đầu từ 7 giờ tối, khi ánh điện muôn màu của phố xá hắt xuống làm cho mặt sông càng lung linh. Du khách tựa lưng mạn thuyền thả hồn theo nhịp phách, tiền… dìu dặt thật không có gì thú vị bằng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN