Đã chục năm nay, sản phẩm du lịch Hà Nội vẫn chỉ là dừng lại đi thăm phố cổ, xem múa rối nước, viếng Lăng Bác, thăm Bảo tàng Dân tộc học. Bởi vậy, rất thiếu sức hấp dẫn. Theo ước tính, có tới 40% số du khách xuống sân bay chỉ ghé qua Hà Nội rồi đến các điểm du lịch khác, không lưu trú tại Hà Nội.
“Ăn tối, rối nước”
Nhắc đến những hoạt động giải trí tại Hà Nội, những người làm du lịch nói một cách đầy hình ảnh: “Ăn tối, rối nước” rồi về ngủ, hôm sau di chuyển tới điểm du lịch khác. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Vụ phó Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết: Khách đến Hà Nội không ở quá 2 ngày vì ở đến ngày thứ 3 thì không biết vui chơi tại đâu? Hoạt động du lịch Hà Nội có phần chững lại sau khi đợt kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội. Nguyên nhân chính là Hà Nội vẫn chưa tạo dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn. Khu vui chơi, giải trí cho du khách ở Hà Nội còn ít. Đó là chưa kể người làm du lịch tại Hà Nội chưa chuyên nghiệp. Vào khoảng tháng 7 vừa qua, một đoàn khách nước ngoài vào điểm du lịch Bát Tràng bị ném đá vào xe vì du khách không mua hàng tại cửa hàng đã vào xem. Thông tin này khiến cư dân mạng rất bất bình.
Du khách nước ngoài thăm Bảo tàng Dân tộc học. |
Cùng quan điểm này, ông Phạm Trung Lương, Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Việt Nam cho rằng: Hiệu quả kinh doanh du lịch Hà Nội so với tiềm năng còn thấp. Ngay Cổ Loa – từng được quy hoạch là một khu du lịch quốc gia nhưng suốt hơn 10 năm không phát triển là mấy. Nguyên nhân là do Hà Nội chưa có cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Và xa hơn là chưa có chiến lược cho phát triển du lịch Hà Nội. Trong định hướng quy hoạch du lịch cả nước, thì Hà Nội- TP Hồ Chí Minh-Huế và Đà Nẵng là trung tâm du lịch từng vùng. Hà Nội là “cửa ngõ” ở khu vực phía Bắc do thuận lợi về đường không, đường bộ. Dễ nhận thấy là các trung tâm du lịch khác khá phát triển; trong khi đó thì du lịch Hà Nội “ỳ ạch” nhất. Vai trò của du lịch trong quy hoạch chung của Hà Nội rất lờ mờ, chưa tập trung tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù, việc liên kết với các địa phương khác trong lĩnh vực này chưa hiệu quả. Vì thiếu định hướng cụ thể nên Hà Nội mới chỉ là trung tâm trung chuyển khách du lịch, chứ chưa là đầu tàu phát triển du lịch của cả nước như mong muốn.
“Hà Nội luôn tự hào có hơn 5.000 điểm di tích lịch sử, nhưng thực sự có bao nhiêu di tích phục vụ cho hoạt động du lịch đúng nghĩa? Hà Nội chỉ giàu tài nguyên chứ chưa thực sự giàu sản phẩm du lịch, những hàng hóa có thể bán được cho du khách? Việc đầu tư khu vui chơi giải trí tại Hà Nội trước hết cho chính người Hà Nội”, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam cho biết.
Cần bước đột phá mới
Sản phẩm du lịch của Hà Nội thời gian qua chủ yếu dựa vào các yếu tố tự nhiên, khai thác những cái có sẵn chứ chưa được đầu tư đúng mức. Hà Nội hội tụ đầy đủ điều kiện phát triển du lịch, nếu được tận dụng hợp lý các nguồn lực cho phát triển du lịch sẽ mang lại hiệu quả hơn rất nhiều so với hiện nay.
“Muốn trở thành trung tâm du lịch của cả nước, Hà Nội phải tổ chức được sự kiện du lịch xứng tầm. Hà Nội đã tổ chức nhiều sự kiện, nhưng lại chưa tổ chức được sự kiện du lịch mang tính chất quốc tế, thiếu hội chợ quốc tế để thu hút các hãng lữ hành trên thế giới. Cần sớm xây dựng những sự kiện du lịch để gắn thương hiệu cho du lịch Hà Nội. Không thể “hát” mãi bài hát cũ là Thành phố 1.000 năm tuổi, nghìn năm văn hiến. Chúng ta phải có sản phẩm mới để chào bán, du khách phải được thưởng thức, phải được mua sắm”, ông Vũ Thế Bình đánh giá.
“Hà Nội có thể hình thành du lịch nghỉ dưỡng, khu giải trí gắn liền với làng quê Việt Nam, các làng nghề. Nếu các làng nghề được quy hoạch phát triển du lịch và được đầu tư tạo ra sản phẩm nổi bật phù hợp nhu cầu của du khách sẽ thu hút khách ở lại Hà Nội lâu hơn. Đối với du lịch MICE, Hà Nội rất có lợi thế về đường giao thông, các trung tâm tổ chức hội thảo”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Vụ phó Vụ Lữ hành nhận định.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: “Hà Nội cần sự đột phá, trước hết có quyết tâm phát triển du lịch, thể hiện ở ý chí của các cấp lãnh đạo Hà Nội, từ đó có chính sách thu hút phát triển, nguồn nhân lực... Sản phẩm du lịch Hà Nội phải mang đặc trưng riêng, phù hợp với 3 đối tượng khách: Khách nước ngoài đến Hà Nội, khách nước ngoài sinh sống tại Hà Nội và khách nội địa. Mỗi một sản phẩm phù hợp với từng đối tượng khách. Chúng ta có di tích Hoàng Thành, nhưng phải biến nó thành sản phẩm du lịch thu hút du khách. Từ tài nguyên, chúng ta phải đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức dịch vụ và chào bán sản phẩm. Với tiềm năng như hiện nay, Hà Nội cần đưa ra mục tiêu đón 2 triệu lượt khách du lịch quốc tế ngay trong năm 2012, chứ không phải chờ đến năm 2015”.
Tại buổi làm việc với ngành du lịch mới đây, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội thẳng thắn: Để phát huy có hiệu quả tiềm năng, trong chiến lược phát triển du lịch, ngành du lịch Hà Nội cần có cơ chế chính sách hợp lý, đặc biệt cần xác định những khâu đột phá để Hà Nội trở thành trung tâm du lịch lớn của quốc gia. Trong quy hoạch tổng thể, phải có quy hoạch chi tiết cụ thể từng địa danh. Trên cơ sở quy hoạch, phải xây dựng cơ chế chính sách, thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách đến và ở lại Hà Nội lâu hơn.
Bài và ảnh: Xuân Cường