Du lịch đường sắt vẫn thiếu tính cạnh tranh?

Hoạt động vận chuyển là một trong ba nhân tố chính của kinh doanh du lịch, bên cạnh dịch vụ nghỉ ngơi, ăn uống. Trong các loại hình vận tải du lịch hiện nay, loại hình đường sắt tuy có rất nhiều lợi thế, nhưng do hạn chế về hạ tầng, dịch vụ nên sản phẩm du lịch đường sắt khá nghèo nàn. Đó cũng là lý do vì sao tỷ trọng khách du lịch sử dụng loại hình vận tải này hiện vẫn rất thấp.

Đối mặt với cạnh tranh

Hệ thống đường sắt tại Việt Nam có chiều dài toàn tuyến trên 2.600 km, nối liền các khu dân cư. Đường sắt Việt Nam nối liền với đường sắt Trung Quốc qua 2 hướng: Vân Nam qua tỉnh Lào Cai và Quảng Tây qua tỉnh Lạng Sơn; đồng thời có khả năng khép kín tuyến đường sắt xuyên Á. Đây là tiềm năng lớn cho việc khai thác khách du lịch quốc tế bằng loại hình vận chuyển này.

Du lịch đường sắt của Việt Nam cũng có những lợi thế rất lớn như: Độ an toàn, thân thiện môi trường, thuận tiện cho việc quan sát dọc tuyến đường đi, tìm hiểu lịch sử dọc tuyến kết hợp với sự trải nghiệm khám phá dọc tuyến đường.


Tuy nhiên, hiện nay hạ tầng đường sắt nhiều nơi xuống cấp, lạc hậu như nền đường yếu, khổ đường sắt bé (1m) làm ảnh hưởng tới tốc độ chạy tàu, tăng thời gian vận chuyển bằng đường sắt so với các phương tiện vận tải khác.


Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ trên các đoàn tàu hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch, nhất là khách quốc tế. Điều này dẫn đến chất lượng sản phẩm du lịch đường sắt còn thấp, và ngành đường sắt không có những nỗ lực để “vươn lên” thì khó có thể cạnh tranh với các loại phương tiện vận tải khác.

Ngay trên tuyến đường sắt có ưu thế là Hà Nội - Lào Cai cũng đang có sự cạnh tranh quyết liệt của đường bộ. Ông Hoàng Văn Tuyên, Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế Lào Cai cho biết, hiện nay vận tải đường bộ cũng có 16 chuyến xe chất lượng cao khởi hành song song với hành trình chạy tàu, cũng với giá 150.000 đồng/người.


Đó là chưa tính đến việc tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai theo kế hoạch đến năm 2013 đưa vào sử dụng, sẽ rút ngắn thời gian xuống còn 4 tiếng. Khi đó, du lịch bằng đường sắt tuyến Hà Nội - Lào Cai sẽ bị cạnh tranh rất lớn.

Đoàn tàu khách du lịch tốc độ cao Halong Express tại ga Gia Lâm trước lúc khởi hành. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN


Bên cạnh đó là sự cạnh tranh của hàng không. Bà Trần Quỳnh Anh, Trưởng phòng Du lịch của Công ty Vận tải Liên Việt thừa nhận, giá vé tàu du lịch mà đơn vị đang bán ra tuyến Hà Nội - Đà Nẵng khoảng 800.000 đồng/vé; trong khi giá vé máy bay nếu đặt chỗ sớm có khi chỉ có 500.000-600.000 đồng/vé thì đương nhiên du khách sẽ chọn loại hình vận tải có giá rẻ hơn.


Còn ông Trần Thành Công, Phó giám đốc Hanoitourist cho biết: Vận chuyển bằng đường sắt trong hoạt động du lịch của công ty chiếm khoảng 30%. Trong đó, cự ly vận chuyển tầm trên 400 km thường sử dụng nhiều bằng đường sắt. Nhưng hai năm trở lại đây, với cự ly hơn 400 km, du khách sử dụng đường hàng không tăng mạnh mẽ.

Không cải thiện nhanh sẽ khó cạnh tranh

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thẳng thắn: So với các lĩnh vực khác, vận tải đường sắt còn chậm đổi mới so với nhu cầu ngày càng cao của du khách cũng như doanh nghiệp lữ hành.


Đồng thời, sự phối hợp giữa ngành đường sắt và du lịch thời gian qua còn hạn chế, những quy định pháp luật và chính sách phát triển ngành chưa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp 2 ngành phối hợp triển khai kinh doanh hiệu quả sản phẩm du lịch đường sắt. Vì vậy, sản phẩm du lịch đường sắt chưa thực sự tạo ấn tượng tốt với khách du lịch.

Bà Đặng Bích Thọ, Giám đốc Công ty Du lịch Phượng Hoàng tại Hà Nội cho biết, các đơn vị lữ hành có nhu cầu mua vé phục vụ cho khách du lịch và gắn kết với ngành đường sắt từ 20 năm nay.


Tuy nhiên, ngành đường sắt vẫn tồn tại việc kinh doanh theo kiểu bao cấp, nhiều thủ tục hành chính. Đơn cử như việc xuất vé, hãng tàu du lịch như Liên Việt đã xuất vé trước cả tháng, nhưng ngành đường sắt vẫn yêu cầu xuất “vé con” trước 2-3 ngày khởi hành, làm mất thời gian của khách. Bên cạnh đó, nhu cầu của khách với đường sắt nhiều, nhưng không mua được vé. Một đoàn khách không thể mua cùng toa. “Ngành đường sắt nên bớt độc quyền 1 chút, lắng nghe yêu cầu của khách du lịch để có những cải thiện trong dịch vụ mới có thể cùng phát triển”, bà Thọ cho biết.

Ông Hoàng Văn Tuyên cho biết thêm: Mới đây, ngành đường sắt tăng 15% giá vé, nhưng chất lượng dịch vụ lại chưa tăng. Mấy năm gần đây, ngành đường sắt có chính sách thu hút đầu tư vào toa tàu, trang thiết bị, tuy nhiên, chính sách vẫn chưa thân thiện với nhà đầu tư như việc tăng giá thường đột ngột và việc tăng giá không nằm trong kế hoạch của các nhà đầu tư dài hạn nên gây rất nhiều khó khăn.


Ông Trần Thành Công cho rằng: “Nếu không thay đổi mạnh mẽ thì với cự ly dưới 300 km, khách du lịch sẽ sử dụng đường hàng không như tuyến hàng không Hà Nội - Vinh. Nhất là đường bay Hà Nội - Huế, Sài Gòn - Nha Trang, tỷ lệ khách chuyển từ sử dụng đường sắt sang hàng không tăng rõ rệt. Giá cả có chênh lệch nhưng khách vẫn chấp nhận bỏ ra nhiều tiền hơn để hưởng dịch vụ tốt hơn.


Hàng không thay đổi liên tục nhưng ngành đường sắt chưa thay đổi là bao”. Đại diện này cũng cho biết, nhu cầu của khách du lịch rất lớn, đòi hỏi dịch vụ ngày càng cao. Do vậy, nếu ngành đường sắt không thay đổi chất lượng dịch vụ, khách du lịch sẽ chuyển sang loại hình vận chuyển khác thuận tiện hơn.

Ông Nguyễn Tiến Thịnh, đại diện Cục Đường sắt VN: Cơ sở hạ tầng đường sắt còn nhiều hạn chế do đã xây dựng từ lâu. Hiện ngành đường sắt mới chỉ duy trì các tuyến đang hoạt động, chứ chưa đầu tư nâng cấp và phát triển thêm các tuyến mới. Thị phần vận tải hành khách hiện cũng mới chiếm khoảng 7% thị phần vận tải. Trong quy hoạch, ngành đường sắt sẽ tập trung cải thiện hạ tầng những tuyến ngắn, trung bình; trong đó có những tuyến thu hút khách du lịch như Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Vinh, Sài Gòn - Nha Trang.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Nghệ An:
Để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đường sắt, cần quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và nhất là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của du lịch đường sắt. Bên cạnh đó, việc xếp hạng sao cho các toa tàu du lịch và các mức giá cả tương ứng cũng là vấn đề nên lưu tâm nghiên cứu.

Ông Vũ Duy Vũ, Phó Giám đốc Công ty lữ hành Saigontourist: Với khách du lịch quốc tế, việc xác nhận chỗ đã thực hiện trước đó cả 1 năm, trong khi ngành đường sắt chưa có hình thức xác nhận chỗ trước nên rất khó đặt loại hình vận chuyển này cho khách. Bên cạnh đó, giá phải ổn định. Nhưng thực tế, việc điều chỉnh tăng giá của đường sắt còn bất cập. Ngành đường sắt cần nghiên cứu việc lấy vé thuận lợi như việc lấy vé của hàng không. Việc bán vé của ngành đường sắt vào mùa cao điểm, nhất là mùa hè cũng chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp lữ hành.



Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN