Chị Nguyễn Thị Thanh Hải đã cùng gia đình lên kế hoạch tổ chức nghỉ lễ 30/4 và 1/5 ở Phú Quốc. Thay vì đi theo tour, chị Hải lựa chọn mua combo du lịch Phú Quốc giá rẻ từ một đại lý trên mạng xã hội với giá 2 triệu đồng/người. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền đặt cọc 5 triệu cho công ty du lịch này, thì chị không thể liên lạc với người bán. “Khi tôi gọi người bán, đối tượng này lập tức chặn liên lạc khiến tôi không thể gọi điện hay nhắn tin được nữa”, chị Thanh Hải nói.
Ông Lê Mạnh Hà, Phó Phòng tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, qua nắm bắt thông tin sơ bộ, một số công ty du lịch đang rao bán các tour trên mạng với mức giảm giá đến 40 - 50%, sau khi người dân đăng kí mua tour du lịch này và chuyển khoản thành công thì các công ty du lịch cũng mất liên lạc. Đây là một thủ đoạn chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng bằng hình thức bán tour du lịch giảm giá. Để tránh sập bẫy, người dân cần cảnh giác khi mua tour du lịch giá rẻ trên mạng.
Theo các công ty du lịch, hiện nay trên các mạng xã hội không khó để tìm thấy những cộng đồng bán voucher, combo du lịch giá rẻ. Để thu hút người mua, các cá nhân, đơn vị này tung ra các gói khuyến mại sâu đến 50 - 70% và đây là những mức giá rẻ đến khó tin. Tuy nhiên, chỉ cần người mua các sản phẩm này chuyển tiền thành công, các công ty du lịch giá rẻ này cũng "biến mất".
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông và Marketing Công ty TST tourist cho biết, trong bối cảnh chi phí xăng dầu và các chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay, việc giữ giá tour ổn định hoặc tăng nhẹ đã là một nỗ lực của doanh nghiệp nên không có chuyện giảm giá quá nhiều để kích cầu du lịch như trước. "Các tour du lịch không thể có giá thật rẻ như các công ty rao bán trên mạng", ông Mẫn khẳng định.
Ngoài ra, cũng vì chi phí giá tour nhích lên theo giá xăng dầu, giá vé máy bay... nên khách có xu hướng đi tự túc, nhưng trong lúc điểm đến nào cũng đông thì việc đi tự túc sẽ khá rủi ro cho du khách vì nguy cơ đến nơi nhưng không đặt được dịch vụ hoặc có thể bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngay khi mua tour trên mạng.
Tuy nhiên, theo chị Hoàng Thị Mỹ Anh, Phó giám đốc công ty Hải Đăng travel, thực tế combo du lịch giá rẻ không đồng nghĩa với lừa đảo, bởi đây là sự kết hợp của hai hay nhiều dịch vụ du lịch, phổ biến nhất là vận chuyển (vé máy bay) và lưu trú (khách sạn, resort). Giá của combo cũng thấp hơn tour vì dịch vụ hạn chế. Tuy nhiên, khách hàng dễ bị người bán "bẫy" bằng những thông tin mập mờ.
"Nhiều năm gần đây, combo du lịch đã trở thành sản phẩm kinh doanh chủ đạo của các đơn vị lữ hành vì tính hiệu quả cao, giúp du khách tiết kiệm công sức, thời gian và lựa chọn được lịch trình di chuyển hợp lý. Tuy nhiên, combo du lịch cũng giống như nhiều mặt hàng, sản phẩm khác, có loại tốt, có loại không tốt nên khách hàng cần tỉnh táo, cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn", chị Hoàng Thị Mỹ Anh cho biết.
TS Trương Hoài Phương, thành viên Ban Nghiên cứu sản phẩm du lịch, Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng cho hay, hiện nay các ứng dụng đặt phòng khách sạn online đang ngày càng được ưa chuộng. Với sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin, đặc biệt là các phần mềm ứng dụng trực tuyến thì chỉ cần vài cú click chuột, vài cú pháp gõ bàn phím trên website đặt phòng khách sạn, khách hàng sẽ biết trước được tất cả thông tin về khách sạn từ địa điểm, chất lượng dịch vụ, chất lượng cơ sở vật chất, giá cả đến đánh giá từ những người từng ở tại đây... Đây là điều mà việc đặt phòng theo kiểu truyền thống chưa thể đáp ứng được.
Tuy nhiên, với đặc tính của dịch vụ này là khi đặt phòng khách sạn online, khách hàng phải thanh toán tiền trước khi sử dụng phòng mà chưa trực tiếp đến khách sạn xem phòng, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ lâm vào cảnh dở khóc, dở cười trước chiêu thức “treo đầu dê bán thịt chó”. Theo ông Phương, phần lớn các đối tượng lừa đảo thường sử dụng chung các chiêu thức như đăng tải hình ảnh siêu đẹp từ nội thất căn phòng, phong cảnh, tiện ích ngoại vi của khách sạn. Hàng loạt bức ảnh đã được phù phép nhờ bàn tay người thiết kế. Tinh vi hơn, đối tượng lừa đảo lập ra các tài khoản giả danh khách hàng để tự đánh giá chất lượng bốn sao, năm sao cho khách sạn của mình trên các website đặt phòng online hoặc đưa những bình luận hết lời khen ngợi về chất lượng phòng. Hơn hết là những lời quảng cáo “siêu rẻ, siêu hấp dẫn”, “giá trẻ bất ngờ”, “siêu ưu đãi”… đã đánh lừa sự tỉnh táo, cảnh giác của du khách.
"Vì thế, khi mua tour du lịch, người dân có thể đến trụ sở các công ty để kiểm tra thông tin công ty du lịch, mua tour trực tiếp hoặc có thể kiểm tra thông tin pháp nhân của các công ty du lịch xem có trụ sở đăng kí hay không, có tư cách pháp nhân kinh doanh bán tour du lịch hay không...", ông Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch công ty TNHH Du lịch Lửa Việt, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cũng khuyến cáo, du khách cần phải tỉnh táo để tránh các chiêu trò của đối tượng lừa đảo trên các ứng dụng đặt phòng. Khi đặt phòng trực tuyến, khách hàng cần tìm hiểu kỹ càng các thông tin như số lượng người/phòng, loại phòng, địa chỉ khách sạn, đơn vị đặt phòng… Du khách nên trực tiếp truy cập vào website hoặc gọi điện thoại đến khách sạn mình lựa chọn để kiểm tra lại các thông tin được khách sạn cung cấp có trùng khớp với thông tin trên ứng dụng trung gian. Mặt khác, du khách nên tra cứu tên, địa chỉ của khách sạn trên ứng dụng tìm kiếm để xác thực khách sạn mình chọn ở có thực hay không nếu có hoài nghi là khách sạn "ma". Đặc biệt, du khách nên chọn các ứng dụng đặt phòng online uy tín với các thương hiệu đã có tên tuổi từ lâu.