Những địa điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh Bạc Liêu như: Quảng trường Hùng Vương, Vườn nhãn, Chùa Xiêm Cán, Quán âm Phật đài, nhà Công tử Bạc Liêu, cùng các điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái… thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham quan.
Tại Quảng trường Hùng Vương - Quảng trường rộng nhất miền Tây Nam Bộ, cũng là điểm du lịch tiêu biểu tại Đồng bằng sông Cửu Long, là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn bởi có cảnh quan đẹp mắt, nhiều điểm "check-in".
Chị Trần Thị Minh Thu, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Đến Bạc Liêu nhiều lần, lần nào tôi cũng ghé qua Quảng trường Hùng Vương để chụp ảnh. Năm nay những tiểu cảnh ở đây rất đẹp, được trang trí công phu. Ngoài linh vật rồng, những tiểu cảnh truyền thống như: cây tình yêu, dưa hấu, bánh chưng, bánh tét, mai vàng, hoa sen, cá chép vượt vũ môn...; đặc biệt là hình ảnh thiêng liêng của cờ Đảng, cờ Tổ quốc tung bay phấp phới là những nơi được nhiều du khách lựa chọn để lưu lại những bức ảnh đẹp.
Ngoài ra, Bạc Liêu có nhiều cơ sở tín ngưỡng nổi tiếng như: Khu du lịch Quán âm Phật đài, Chùa Giác Hoa, chùa Hưng Thiện… cũng là những địa điểm thu hút khách du Xuân chiêm bái, cầu bình an, tài lộc.
Bên cạnh du lịch văn hóa tâm linh, tỉnh Bạc Liêu đang phát triển mạnh loại hình du lịch nông thôn, sinh thái. Dọc theo tuyến biển của tỉnh đang hình thành nhiều điểm du lịch sinh thái với những trãi nghiệm thú vị, trong đó du lịch điện gió là điểm nhấn.
Tại Khu du lịch điện gió Hòa Bình 1 của Công ty Cổ phần Đầu tư điện gió Hòa Bình 1, dù đưa vào hoạt động chưa lâu, nhưng nơi đây đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Từ một dự án công nghiệp thuần túy khai thác năng lượng gió cung cấp điện, công ty đã kết hợp tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, trở thành điểm tham quan độc đáo, thân thiện với môi trường. Từ khi đưa vào khai thác đến nay, lượng khách đến tham quan khu du lịch này ngày càng tăng, đến nay đạt trên 100.000 lượt. Du khách đến đây, ngoài tham quan và chụp ảnh cùng các tua-bin gió còn được chèo thuyền ngắm rừng ngập mặn; câu cá, đạp xe trải nghiệm…
Chị Trịnh Thu Thủy, du khách đến từ Hà Nội cho biết, không chỉ ấn tượng với môi trường sinh thái trong lành, vẻ đẹp yên bình từ những rừng đước dọc theo tuyến rừng phòng hộ, những cánh đồng điện gió với những tuarbin sừng sững giữa trời mây, mà chị còn rất cảm kích trước sự nhiệt tình, mến khách của người dân Bạc Liêu. Ẩm thực cũng là điều mang lại cho chị Thủy những khám phá ấn tượng với các món ăn dân dã, không cầu kỳ về chế biến nhưng lại rất ngon miệng.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, từ 29 tháng Chạp đến hết mùng 3 Tết, lượng khách đến các khu, điểm du lịch trong tỉnh khoảng 185.000 lượt, khách quốc tế đạt khoảng 5.250 lượt. Doanh thu dịch vụ du lịch của tỉnh trong dịp này đạt gần 100 tỷ đồng. Kết quả này là cơ sở quan trọng để Bạc Liêu tự tin phấn đấu đón tiếp khoảng 4.900.000 lượt khách. doanh thu 4.125 tỷ đồng trong năm 2024.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy cho biết, để thu hút du khách, tỉnh tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt, nhằm nâng cao thương hiệu, tạo sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao như: sản phẩm du lịch văn hóa gắn với giá trị đặc sắc của Bản Dạ cổ hoài lang và nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; sản phẩm du lịch gắn liền với thương hiệu Công tử Bạc Liêu; sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh. Cùng với đó, tỉnh cũng quan tâm thúc đẩy loại hình du lịch nông nghiệp - nông thôn, hướng đến thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa bản địa.
Tỉnh cũng đã triển khai thực hiện hoàn thành giai đoạn 2 của Đề án bảo tồn nhãn cổ gắn với phát triển du lịch, mục tiêu là hình thành 3 cụm du lịch với tổng số 339 cây nhãn cổ với trọng tâm là tham quan trải nghiệm vườn nhãn cổ, thưởng thức các loại hình văn hóa, ẩm thực của các dân tộc sinh sống trên địa bàn.
Ngoài ra, tỉnh có 56 km bờ biển trải dài từ giáp ranh tỉnh Sóc Trăng đến cửa biển Gành Hào (giáp ranh tỉnh Cà Mau) là một hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển với diện tích hàng nghìn ha, có những nét độc đáo với kênh rạch chằng chịt, sản vật phong phú, có giá trị cao, hệ thống các trang trại, các khu nuôi trồng thủy sản. Hiện tỉnh Bạc Liêu đang tập trung phát triển các dự án điện gió khu vực ven biển, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; bảo tồn, phát huy có hiệu quả giá trị Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Nghề làm muối Bạc Liêu gắn với phát triển du lịch, tập trung hình thành sản phẩm du lịch trải nghiệm Nghề làm muối, nghiên cứu phát triển các sản phẩm phục vụ khách du lịch từ đặc sản muối Bạc Liêu, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ muối Bạc Liêu… để kết hợp và hướng đến xây dựng thành các sản phẩm du lịch nông nghiệp, sinh thái hấp dẫn.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu Trần Thị Lan Phương chia sẻ, du lịch được xác định là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để nâng cao hiệu quả trụ cột này, tỉnh tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng tại một số khu, điểm du lịch; kêu gọi đầu tư các dự án du lịch, đặc biệt là các dự án ưu tiên như: xây dựng tàu du lịch Tắc Sậy - Đông Hải, điểm du lịch - dịch vụ Tắc Sậy, điểm du lịch Vườn chim Lập Điền...
Tỉnh tiếp tục khai thác có hiệu quả công năng của Nhà hát Cao Văn Lầu, đầu tư các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc trưng của Nam Bộ và quê hương Bạc Liêu; phát triển mạnh loại hình du lịch nhiếp ảnh và các dịch vụ phụ trợ khác tại Quảng trường Hùng Vương; duy trì và phát huy tốt 11 điểm du lịch tiêu biểu đã được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận để khai thác kết nối tour, tuyến du lịch với khu vực và cả nước.