Đông Nam Á phục hồi du lịch - Bài cuối: Hướng đi cho du lịch Việt Nam 

Sau 1 năm mở cửa hoàn toàn cho khách du lịch kể từ ngày 15/3/2022, Việt Nam đặt mục tiêu năm 2023 đón 8 triệu lượt khách quốc tế. 

Chú thích ảnh
Du khách nước ngoài đắm mình với vẻ đẹp "trời xanh, cát trắng, nắng vàng" của Bàu Trắng, điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Bình Thuận thuộc địa phận thôn Bình Nhơn, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình. Ảnh tư liệu: Thanh Hà/TTXVN

Đánh giá về du lịch Việt Nam, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận xét Việt Nam có thế mạnh nhờ phong cảnh đẹp, sự đa dạng của các loại hình du lịch dựa vào đời sống cộng đồng. Du lịch di sản, văn hóa và ẩm thực cũng rất có tiềm năng.

Việc Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia mà doanh nghiệp lữ hành Trung Quốc được thí điểm mở tour du lịch theo đoàn từ ngày 15/3 cũng là một yếu tố thuận lợi. Ông Bành Thế Đoàn, Tham tán Văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, cho biết Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia ưu tiên mà Trung Quốc nối lại đường bay thẳng, hành khách nhập cảnh chỉ cần cung cấp kết quả xét nghiệm nhanh hoặc xét nghiệm ngẫu nhiên 2% khách du lịch. Trước dịch bệnh, Trung Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam và ngược lại, Việt Nam luôn chiếm vị trí top 5 quốc gia hàng đầu gửi khách đến Trung Quốc. Các động thái tích cực này đã mở ra triển vọng nhanh chóng thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của lĩnh vực du lịch giữa hai nước sau đại dịch.

Đáng chú ý, theo tờ Tin tức Kinh doanh Trung Quốc, trong số 40 quốc gia thuộc danh sách các nước được thí điểm khôi phục du lịch theo đoàn đợt 2, Việt Nam là một trong những quốc gia được du khách Trung Quốc quan tâm nhất. Nền văn hóa bản địa và phong cảnh thiên nhiên phong phú, giá cả phải chăng so với các nước Đông Nam Á khác là những yếu tố giúp Việt Nam trở thành điểm đến ưa thích của du khách Trung Quốc. Theo ông Hoàng Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch nước ngoài Nam Ninh, hiện hầu hết các hãng lữ hành đã bắt đầu nắm bắt thị trường du lịch Việt Nam, trong thời gian tới sẽ ngày càng có nhiều sản phẩm du lịch Việt Nam, ngành du lịch Quảng Tây cũng sẽ được hưởng lợi từ đó.

Phụ trách bộ phận nghiên cứu của ngân hàng United Overseas (UOB) có trụ sở ở Singapore, ông Teck Kim Suan, đánh giá việc có thêm du khách từ Trung Quốc sau khi nước này mở cửa trở lại sẽ góp phần thúc đẩy ngành du lịch, dịch vụ tại các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Các đề xuất cấp thị thực điện tử có thời hạn 3 tháng, kéo dài thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày, nới lỏng các quy định nhập cảnh du lịch được cho là sẽ mang đến "cơ hội vàng" cho du lịch Việt Nam phát triển và tăng khả năng cạnh tranh.

Để thu hút du khách, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng Việt Nam cần tìm ra lợi thế, khắc phục những tồn tại khi tìm kiếm các thị trường như nâng cao chất lượng và mở rộng nguồn cung lao động, phát triển hạ tầng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, hợp tác với các nước trong việc hình thành các tuyến du lịch, kiểm soát tốt hơn du lịch ồ ạt tại các khu vực tự nhiên. Trước mắt, OECD tin rằng Việt Nam cần phải nhanh chóng đa dạng hóa các nguồn khách từ bên ngoài, chú trọng đến thị trường các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ấn Độ, đồng thời khai thác tốt hơn du lịch nội địa.

Từ kinh nghiệm của Thái Lan, có thể thấy một trong những lý do chính khiến du khách Trung Quốc chọn đến Thái Lan là giao thông thuận tiện. Bên cạnh đó là lý do truyền thông đủ mạnh và xây dựng chiến lược sản phẩm dành riêng cho du khách quốc tế, sự sáng tạo trong chiến lược truyền thông. Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam Nareekarn Srichainak cho biết sau khi mở cửa đón khách quốc tế, cơ quan quản lý du lịch Thái Lan phối hợp với hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Phuket tổ chức giới thiệu điểm đến thông qua các video clip trên mạng xã hội, chuyến bay quốc tế. Theo bà, thời gian tới du lịch Việt Nam phối hợp với ngành hàng không xây dựng các video clip giới thiệu con người, cảnh đẹp Việt Nam, trình chiếu trên các chuyến bay, sân bay đón khách quốc tế. Đấy là mô hình ngành du lịch Thái Lan đã thu được kết quả đáng khích lệ mà Việt Nam nên học tập.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Bangkok, ông Chattan Kunjara Na Ayudhya, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan phụ trách tiếp thị và truyền thông, cho rằng Việt Nam đang phát triển rất nhanh và du khách đến Việt Nam có rất nhiều thứ để trải nghiệm. Ông gợi ý để du khách có nhiều trải nghiệm thú vị, Việt Nam cần phát triển hơn nữa hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông. Ngoài ra, Việt Nam có một nền văn hóa rất độc đáo và đây là thế mạnh cần được ngành du lịch phát huy. Bên cạnh đó, phát triển du lịch ở các thành phố loại hai, các thị trấn nhỏ hơn cũng là một hướng đi mới khả thi. 

Chia sẻ quan điểm này, học giả Thái Lan Songrit Pongern nhận định Việt Nam có nền văn hóa đa dạng, thể hiện ở sự phong phú về các tập tục, truyền thống và loại hình nghệ thuật vùng miền, Việt Nam có thể thúc đẩy để thêm nhiều người nước ngoài biết đến nền văn hóa đa dạng này. Ông cũng nêu kinh nghiệm của Thái Lan trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hoá. Một điểm mạnh của Thái Lan là nước này từ lâu đã gắn việc quảng bá văn hoá vào các chiến dịch xúc tiến du lịch. Các lễ hội Thái Lan quen thuộc nhất với người nước ngoài chính là Tết Songkran vào tháng 4 và Tết Loi Krathong vào tháng 11 hằng năm. Hai lễ hội này luôn xuất hiện trong mọi chiến dịch quảng bá du lịch của Thái Lan cả trong và ngoài nước. Theo ông Songrit Pongern, Việt Nam cũng không thiếu các lễ hội để quảng bá với du khách quốc tế. Trên thực tế, cộng đồng dân tộc Thái ở miền Bắc Việt Nam cũng có lễ hội Songkran tương tự. Đây là lễ hội mừng mùa vụ mới và Việt Nam cũng có thể thúc đẩy tổ chức lễ hội Songkran ở khu vực phía Bắc.

Bà Serene Ng, Trưởng Đại diện, Văn phòng đại diện Tổng cục Du lịch Singapore tại Việt Nam khẳng định nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú, bề dày văn hóa, lịch sử và di sản quốc gia,  Việt Nam cũng luôn là điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách quốc tế, trong đó có du khách Singapore. Với những thay đổi trong ưu tiên của du khách, bà cho rằng ngành du lịch hai nước cần hợp tác để phát triển các giải pháp và đem đến trải nghiệm du lịch mới. Theo bà, du lịch chăm sóc sức khỏe và du lịch bền vững là hai xu hướng Việt Nam có thể xem xét phát triển và hợp tác với Singapore.

Liên quan thị trường châu Âu, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã đề xuất Việt Nam nên mở rộng chương trình miễn thị thực cho tất cả các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và cho phép thời gian lưu trú miễn thị thực dài hơn. Ngoài ra, EuroCham cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam cân nhắc cho phép miễn thị thực lưu trú từ 3-6 tháng đối với những người châu Âu có đủ khả năng chi trả cho việc lưu trú dài ngày tại Việt Nam. Đây sẽ là nhân tố giúp khuyến khích du khách châu Âu tới Việt Nam.

Hồi đầu năm nay, ASEAN đã công bố Khung phát triển du lịch bền vững giai đoạn hậu đại dịch COVID-19 nhằm định hướng cho chương trình nghị sự này của ASEAN tới năm 2025. Việc triển khai chiến lược thích ứng, đổi mới và hợp tác, hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu là những điểm đến hấp dẫn, chất lượng, bền vững chính là chìa khóa để du lịch các nước Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng từng bước phục hồi mạnh mẽ.

Đỗ Sinh- Hữu Chiến-Hằng Linh-Nguyễn Thúy-Đặng Ánh (TTXVN)
Đông Nam Á phục hồi du lịch - Bài 2: Đón bắt cơ hội
Đông Nam Á phục hồi du lịch - Bài 2: Đón bắt cơ hội

Những kết quả du lịch ấn tượng ở nhiều nước Đông Nam Á năm 2022 đã cho thấy các chiến lược thu hút khách bài bản, linh hoạt, sáng tạo đang thúc đẩy du lịch khu vực phục hồi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN