Đông Nam Á phục hồi du lịch - Bài 2: Đón bắt cơ hội

Những kết quả du lịch ấn tượng ở nhiều nước Đông Nam Á năm 2022 đã cho thấy các chiến lược thu hút khách bài bản, linh hoạt, sáng tạo đang thúc đẩy du lịch khu vực phục hồi.

Chú thích ảnh
Khách du lịch tại Singapore ngày 31/3/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Đặc biệt khi Trung Quốc - nguồn khách du lịch ra nước ngoài lớn nhất thế giới năm 2019 - đã dỡ bỏ các hạn chế đi lại liên quan đến COVID-19, các nước đều lạc quan và đặt ra những mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng cho ngành du lịch.

Số liệu của Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan vừa công bố cho biết “xứ sở chùa Vàng” đã đón 11,15 triệu lượt khách du lịch nước ngoài trong năm 2022, tăng đột biến so với con số chỉ khoảng 428.000 lượt vào năm trước đó. Lượng khách du lịch đến Thái Lan trong năm qua cũng vượt mục tiêu 10 triệu lượt mà chính phủ nước này đề ra, phản ánh sự phục hồi ngoạn mục của ngành công nghiệp không khói Thái Lan. Trong năm nay, Chính phủ Thái Lan kỳ vọng đón 25 triệu lượt khách du lịch nước ngoài, bao gồm ít nhất 5 triệu lượt khách đến từ Trung Quốc, thị trường nguồn lớn nhất của Thái Lan trước đại dịch. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại dự kiến sẽ thúc đẩy hơn nữa ngành du lịch quan trọng của Thái Lan, ngành trước đại dịch đóng góp khoảng 12% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á.

Cùng với việc khống chế thành công các làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới, các biện pháp kích cầu đã giúp ngành du lịch Indonesia đạt những thành tích ấn tượng trong năm 2022 khi đón gần 5,5 triệu lượt du khách quốc tế, tăng 251,28% so với năm 2021 và cao hơn mức mục tiêu 3,6 triệu lượt. Theo thống kê chính thức, ngành du lịch đã đóng góp 4,26 tỷ USD vào thu nhập ngoại hối của Indonesia, tăng gần gấp 10 lần so với mức 490 triệu USD của năm 2021 và cao gấp 3 lần mức mục tiêu 1,7 tỷ USD. Đóng góp của ngành du lịch trong năm 2022 cũng tăng 50% so với năm 2021, lên mức 3,6% GDP. Lực lượng lao động trong ngành du lịch và kinh tế sáng tạo của Indonesia cũng tăng gần gấp 3 lần so với mức dự báo (1,1 triệu) lên 3 triệu người trong năm 2022. Năm ngoái, Singapore cũng đón 6,3 triệu lượt du khách quốc tế, riêng trong quý I/2023, con số này đạt hơn 2,9 triệu. Mục tiêu của Singapore là thu hút 12 triệu-14 triệu khách quốc tế vào năm 2023 và ngành du lịch của nước này có thể phục hồi hoàn toàn năm 2024.

Với những con số tích cực trên, các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) càng có cơ sở để lạc quan về tiềm năng tăng trưởng khi thị trường du khách Trung Quốc, cũng là thị trường khách du lịch chính của nhiều nước, mở cửa trở lại. Theo CNN, trong những năm trước đại dịch, Trung Quốc là quốc gia có nguồn khách du lịch quốc tế lớn nhất thế giới. Sau 3 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19, hoạt động du lịch quốc tế Trung Quốc đã khởi động trở lại và những đợt du khách đầu tiên từ Trung Quốc đã đặt chân đến các nước như Thái Lan, Campuchia. Từ ngày 6/2, các công ty lữ hành và các nhà cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến tại Trung Quốc đã cấp phép cho các đoàn du lịch tới 20 nước và vùng lãnh thổ, nhờ đó các dịch vụ đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn cũng nhanh chóng vận hành trở lại. Điều này được dự báo sẽ giúp hồi sinh thị trường du lịch toàn cầu và thúc đẩy chi tiêu tại các điểm du lịch cũng như triển vọng tăng trưởng kinh tế nói chung.

Vào năm 2019, trước khi đại dịch xảy ra, người Trung Quốc thực hiện khoảng 150 triệu chuyến du lịch nước ngoài, trong đó có 27 triệu chuyến thăm tới 6 nước ở khu vực Đông Nam Á. Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia Sandiaga Uno nhận định sau khi Trung Quốc khởi động lại du lịch nước ngoài, ngành du lịch ASEAN sẽ phục hồi mạnh mẽ.

Để chào đón thị trường đông dân này quay lại, đầu năm nay, Cục Nhập cư Malaysia cho vận hành các làn đường nhập cảnh đặc biệt dành cho du khách đến từ Trung Quốc, nhằm kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả, đồng thời giúp việc làm thủ tục đối với dòng khách từ thị trường này được nhanh chóng hơn. Malaysia cũng đặt mục tiêu đón từ 1,5-2 triệu lượt du khách Trung Quốc trong năm 2023, so với 3,1 triệu lượt vào năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Malaysia (MITA), Uzaidi Udanis, sau đại dịch, du khách Trung Quốc hướng đến những trải nghiệm mới, có xu hướng đi theo nhóm nhỏ, khám phá nhiều hơn văn hóa địa phương. Ông Udanis hy vọng các doanh nghiệp trong nước có thể bắt kịp xu hướng, đáp ứng nhu cầu mới, đặc biệt tập trung vào thể thao, mạo hiểm và du lịch sinh thái.

Trong khi đó, Thái Lan đã nối lại các chuyến bay thẳng giữa các địa phương với Trung Quốc nhằm thu hút nguồn du khách tiềm năng và dồi dào từ nước đông dân nhất thế giới này. Theo ông Zhang Wuan, Phó Chủ tịch hãng hàng không Spring Airlines của Trung Quốc, các chuyến bay giữa Thái Lan và Trung Quốc đã nổi lên như một trong những tuyến quốc tế hàng đầu vì Thái Lan vẫn là điểm đến phổ biến của du khách Trung Quốc. 

Ngoài việc tăng cường số chuyến bay, Thái Lan còn tổ chức các lễ hội lớn của Trung Quốc. Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đang có kế hoạch tổ chức Tết Trung thu tại Thái Lan trong năm nay nhằm giúp tăng cường hơn nữa quan hệ giữa khu vực công và khu vực tư nhân cũng như tăng cường giao lưu văn hoá giữa người dân Trung Quốc và Thái Lan, coi đây như một “điểm cộng” để thu hút khách du lịch Trung Quốc. Đặt mục tiêu đón 300.000 lượt khách Trung Quốc mùa Tết Nguyên đán nhưng “xứ sở chùa Vàng” đã xuất sắc thu hút tới 1,38 triệu lượt du khách Trung Quốc dịp tết năm nay, đem lại 45 tỷ baht (tương đương 1,37 tỷ USD) cho ngành công nghiệp không khói của Thái Lan.  

Indonesia cũng đang nhắm mục tiêu đón 255.000 lượt khách du lịch từ Trung Quốc vào năm 2023. Số lượng chuyến bay hạn chế đã khiến lượng khách Trung Quốc đến quốc gia lớn nhất Đông Nam Á không nhiều. Do đó, chính quyền Indonesia cho biết sẽ cho phép các chuyến bay thẳng từ Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu đến thành phố Denpasar, đồng thời tăng cường chiến dịch quảng cáo cho điểm đến hàng đầu trong kỳ nghỉ. Tỉnh Bali đặt mục tiêu nối lại các chuyến bay thẳng tới 15 thành phố của Trung Quốc và bổ sung thêm chuyến bay tới 5 thành phố Trung Quốc khác.

Những tín hiệu tích cực từ con số tăng trưởng của ngành du lịch cho thấy chính sách phục hồi của các nước ASEAN đang đi đúng hướng. Việc chủ động và tích cực chuẩn bị để thu hút được thị trường khách du lịch trọng điểm như Trung Quốc cũng là yếu tố góp phần giúp ngành du lịch các nước bùng nổ trong năm nay.

Bài cuối: Hướng đi cho du lịch Việt Nam 

Đỗ Sinh- Hữu Chiến-Hằng Linh-Nguyễn Thúy-Đặng Ánh (TTXVN)
Đông Nam Á phục hồi du lịch - Bài cuối: Hướng đi cho du lịch Việt Nam 
Đông Nam Á phục hồi du lịch - Bài cuối: Hướng đi cho du lịch Việt Nam 

Sau 1 năm mở cửa hoàn toàn cho khách du lịch kể từ ngày 15/3/2022, Việt Nam đặt mục tiêu năm 2023 đón 8 triệu lượt khách quốc tế. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN