Theo Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, dịch vụ lưu trú và ăn uống trên địa bàn trong tháng 7/2022 đạt 8.494 tỷ đồng; trong đó doanh thu hoạt động ăn uống tăng 1,8%, doanh thu lưu trú tăng 2,3% so với tháng trước. Trong bảy tháng của năm 2022, doanh thu lưu trú và ăn uống đạt 48.871 tỷ đồng, tăng 40,3% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, du lịch, lữ hành tháng 7/2022 cũng đạt 809 tỷ đồng, tăng 2% so với tháng trước. Bảy tháng của năm 2022, doanh thu ngành du lịch, lữ hành đạt 4.292 tỷ đồng, tăng 72,4% so với cùng kỳ.
Nhiều công ty lữ hành tại TP Hồ Chí Minh lần lượt công bố kết quả kinh doanh tích cực trong những tháng đầu năm 2022. Điển hình, Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam – Vietravel có kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý II/2022 với doanh thu đạt gần 1.000 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của Công ty cũng đạt 48,9 tỷ đồng, cao hơn cả thời điểm trước dịch (quý II/2019, Công ty đạt mức lợi nhuận sau thuế là 16,3 tỷ đồng). Trên cơ sở này, trong quý III/2022, Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam kỳ vọng đạt hơn 1.000 tỷ đồng doanh thu về du lịch, cao hơn kết quả đã đạt được trong quý II/2022.
Theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam, dịp kinh doanh cao điểm du lịch hè 2022 của ngành du lịch gần như đã qua nhưng kế hoạch quý III/2022 của doanh nghiệp hoàn toàn có thể thực hiện được do thị trường du lịch quốc tế (khách đi du lịch nước ngoài và khách quốc tế đến Việt Nam) sẽ tăng cao trong thời gian tới. Với những thuận lợi từ thị trường du lịch, hàng không trong nước, cũng như quốc tế và các biện pháp đang khai thác cho phép Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam tin rằng tình hình kinh doanh sẽ có nhiều khởi sắc trong những tháng còn lại của năm.
Một số doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành tại TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, kết quả kinh doanh trong thời gian vừa qua phản ánh đúng sự hồi phục của ngành du lịch Việt Nam trong quý II/2022. Ngay khi tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, hoạt động kinh tế - xã hội dần đi vào ổn định, ngành du lịch Việt Nam nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng cũng khôi phục trở lại với nhu cầu du lịch của người dân thật sự bùng nổ sau thời gian dài bị "kìm nén". Đặc biệt, từ 15/3/2022 đến nay, Chính phủ thực hiện chính sách mở cửa du lịch quốc tế đã góp phần xóa bỏ tâm lý lo ngại của du khách Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường du lịch bứt phá.
Để theo kịp với tình hình mới, doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành tại TP Hồ Chí Minh đã có những bước đi đón đầu tích cực và chuẩn bị sẵn sàng cho hoạt động kinh doanh những tháng cuối năm. Những đơn vị này, sẽ tiếp tục tái cấu trúc doanh nghiệp theo mô hình hoạt động, đổi mới tư duy trong chỉ đạo và điều hành, áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, kiểm soát một cách hiệu quả các khoản chi phí... Cùng với đó, nhiều đơn vị đang triển khai nhiều đoàn với số lượng khách lớn từ Việt Nam đến châu Âu, Mỹ… và các đoàn khách quốc tế từ các đối tác, văn phòng địa diện tại nhiều như nước cho mùa Thu Đông năm 2022.
Mặt khác, doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành cũng tăng cường hợp tác quốc tế, nhằm kết nối cùng vượt qua thách thức "đứt gãy" chuỗi cung ứng trong ngành du lịch, nhất là tập trung những khâu đang thiếu hụt như nguồn nhân lực. Cụ thể, CityLand Education (Việt Nam) đã ký kết với EHL Advisory Services (thuộc EHL Group) với mục tiêu đào tạo chuyên viên trong lĩnh vực quản lý nhà hàng, khách sạn. EHL Group là một tập đoàn, gồm nhiều đơn vị kinh doanh đa ngành, chuyên cung cấp phương pháp giáo dục và cải tiến hệ thống quản lý Nhà hàng – Khách sạn trên toàn thế giới.
Thông qua hợp tác nêu trên, các bên ưu tiên hàng đầu là xây dựng tư duy và trang bị cho học viên kỹ năng cung cấp dịch vụ nhà hàng, khách sạn đẳng cấp thế giới, cùng với cơ hội việc làm đến từ các đối tác trong ngành của CityLand Education.
Ông Patrick Basset, Ban Giám đốc Cityland Education chia sẻ, trước dịch COVID-19 (năm 2019), mỗi năm ngành du lịch Việt Nam cần đến 40.000 nhân sự, nhưng có đến 70% nhân sự ngành du lịch đã bỏ việc, chuyển hướng công việc trong giai đoạn COVID-19 bùng phát và để lại khoảng trống nhân sự lớn tại nhiều doanh nghiệp. Trong khi đó, hàng loạt thương hiệu nhà hàng, khách sạn quốc tế đã và đang tham gia vào ngành du lịch Việt Nam, nên cạnh tranh dịch vụ du lịch gay gắt hơn, đòi hỏi phục vụ chuẩn mực hơn. Nhu cầu nhân sự ngành du lịch rất cao và thị trường đang cần bổ sung số lượng lớn nhân sự để ngành du lịch phục hồi, phát triển trong giai đoạn mới.