Những năm gần đây, du lịch nông nghiệp ngày càng trở nên phổ biến, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Bên cạnh việc góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, du lịch nông nghiệp còn thúc đẩy hội nhập kinh tế, xuất khẩu tại chỗ và xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long sở hữu nhiều tiềm năng và nguồn lực để phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với cây lúa, cây ăn quả, thủy sản... Chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh đã mở ra cơ hội để thúc đẩy du lịch Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và du lịch nông nghiệp nói riêng.
Nhận thức tầm quan trọng và những lợi thế của du lịch nông nghiệp, những năm qua, việc phát triển và nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm du lịch nông nghiệp giữa Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh được các địa phương chú trọng đầu tư gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua đó, nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp được hình thành, các hoạt động hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển sản phẩm du lịch và sản phẩm OCOP được tổ chức, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức đánh giá, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, xu hướng du lịch chung đã có sự thay đổi. Du lịch nhóm nhỏ gồm gia đình và bạn bè, du lịch kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch phục hồi sức khỏe, du lịch trải nghiệm gắn với tìm hiểu thiên nhiên; du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng gắn với văn hóa địa phương là những xu hướng đang trở thành chủ đạo. Đây cũng là cơ hội để Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh liên kết, hợp tác để phát triển du lịch nông nghiệp.
Tại Diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi về nội dung nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm du lịch nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới. Các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp như: tập trung nâng cấp và phát triển hạ tầng giao thông cả đường thủy lẫn đường bộ để rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương; có chính sách kích cầu đầu tư, trong đó hỗ trợ lãi vay cho các cá nhân, tổ chức đầu tư phát triển du lịch sinh thái, phát triển sản phẩm OCOP đảm bảo chất lượng và nguồn cung ổn định…
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên phối hợp xây dựng sản phẩm, chương trình du lịch nông nghiệp đa dạng, độc đáo, chất lượng cao với các nhóm sản phẩm trọng tâm như du lịch giáo dục, du lịch phục hồi sức khỏe, du lịch cộng đồng. Việc phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, tăng tính cạnh tranh và xây dựng thương hiệu cho từng địa phương cũng như thương hiệu chung của cả vùng.
Diễn đàn kết nối du lịch lần này nhằm góp phần khai thác thế mạnh du lịch gắn với nông nghiệp của từng địa phương để phát huy các giá trị văn hóa bản địa, mở rộng không gian, hình thành những sản phẩm du lịch liên vùng; hoàn thiện chương trình du lịch đặc trưng kết nối các tuyến, điểm du lịch của các địa phương. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, chương trình tour liên kết các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đến các tỉnh, thành trong cả nước và quốc tế, góp phần khởi động lại hoạt động du lịch.