Nhằm khai thác tiềm năng du lịch dọc sông Hồng, mới đây các doanh nghiệp du lịch Hà Nội đã tiến hành khảo sát tuyến mới với chủ đề “Sông Hồng - những nhịp cầu”. Hạ tầng thiếu đồng bộVới tư tưởng “Nhất cận thị, nhì cận giang”, từ bao đời nay, dọc triền sông Hồng, nhiều làng mạc, làng nghề, di tích văn hóa mang đậm nét văn hóa Việt truyền thống đã hình thành, như: Làng gốm Bát Tràng, làng tranh Đông Hồ, làng cổ Đường Lâm.... hoặc các quần thể di tích văn hóa đặc trưng của đồng bằng sông Hồng như: Chùa Phật Tích, Hoa Lâm, Bút Tháp, Đền Mẫu, Lăng Kinh Dương Vương... Đây là những tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, làng nghề, du lịch tâm linh dọc sông Hồng.
Du khách tham quan bãi giữa sông Hồng. |
Tiềm năng là vậy, nhưng để khai thác tuyến sông Hồng thành một sản phẩm du lịch hút khách, cần có sự đầu tư. Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó giám đốc Thăng Long GTC, đơn vị cung cấp sản phẩm du lịch sông Hồng từ 20 năm nay, cho rằng: Hiện vẫn chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng dọc sông Hồng, do gặp nhiều khó khăn. Vấn đề đầu tiên là hạ tầng bến bãi, cầu cảng, còn chưa đáp ứng được yêu cầu của du khách. Hiện bến Chương Dương Độ vẫn là cầu cảng tạm, do đó vào mùa nước cạn, đơn vị phải chuyển bến tàu sang chùa Bồ Đề. Nếu nước quá cạn, tàu khó cập bến, đơn vị phải dừng tàu ở ngoài lòng sông và tăng bo khách vào bờ.
“Hiện đơn vị đang triển khai tuyến mới ngắm cầu Nhật Tân vào ban đêm được chiếu sáng nhiều màu sắc. Tuy nhiên, việc quản lý các phương tiện lưu thông trên sông Hồng chưa thực sự tốt, các sà lan chở cát chạy ban đêm không có đèn, ảnh hưởng khá nhiều làm ảnh hưởng đến sự an toàn của du khách”, ông Nguyễn Thái Dũng cho biết.
Còn bà Thu Hương, đại diện Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho rằng, đối với nhiều nước, du lịch đường sông rất phát triển, nhưng gắn liền với quá trình đô thị dọc hai bờ sông, có sự sầm uất và sôi động. Tuy sông Hồng cảnh quan đẹp nhưng hai bên bờ vẫn là lau lách, bãi trồng chuối, ngô... Còn đi về ban đêm, du khách từ sông chỉ nhìn thấy ánh đèn xa xa của những tòa nhà hai bên bờ. Đó là chưa kể nhiều đoạn sông khai thác cát vô tội vạ hoặc rác thải gây ô nhiễm môi trường.
Đa dạng hóa sản phẩmCách đây gần 5 năm, khi chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Hà Nội đã tổ chức khảo sát tuyến du lịch sông Hồng liên kết với tỉnh Hưng Yên, nhằm đa dạng hóa tuyến Đền Dầm - Chử Đồng Tử, làng nghề Bát Tràng. Trong các tuyến du lịch sông Hồng, tuyến Đền Dầm – Chử Đồng Tử - làng nghề gốm Bát Tràng vẫn là tuyến thăm quan truyền thống, khai thác thế mạnh là di tích và làng nghề. “Với tuyến thăm quan này, chủ yếu là khách nội địa và đi tập trung vào mùa lễ hội sau dịp Tết Nguyên đán và mùa thu”, đại diện Sở VHTTDL Hà Nội cho biết
Còn bà Hoàng Thị Kim Vân, đại diện Công ty Du lịch Sen Rừng chia sẻ: "Với nhiều khách quốc tế đến Hà Nội lần 2, họ muốn trải nghiệm du lịch sông Hồng với những làng quê mang đậm chất văn hóa Việt. Tuy nhiên, hạ tầng bến bãi, cầu tàu để đáp ứng nhu cầu còn thiếu, nhiều điểm thăm quan mất vệ sinh môi trường... Thực tế các tour tham quan dọc sông Hồng kết hợp với các loại hình du lịch xe đạp trải nghiệm khu vực làng quê hiện khá hấp dẫn du khách quốc tế, tuy nhiên đối tượng khách này đòi hỏi dịch vụ sự chuyên nghiệp. Để thu hút khách với du lịch sông Hồng, phải đa dạng các loại hình tuyến du lịch để thu hút khách”.
Đáp ứng yêu cầu này của du khách, thời gian gần đây, Thăng Long GTC đã phối hợp với một số địa phương dọc sông Hồng mở thêm các tuyến đi nửa ngày như “Sông Hồng – Những nhịp cầu” để trải nghiệm lịch sử của những cây cầu với góc nhìn từ dưới dòng sông khi đi qua Cầu Chương Dương- Long Biên- Nhật Tân- Thăng Long; hoặc chương trình “Sông Hồng - Hành trình những bản tình ca" đưa du khách trải nghiệm các bản tình ca gắn với dòng sông Hồng và các loại hình nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu của đồng bằng Bắc Bộ gắn với nền văn minh sông Hồng như dân ca quan họ Bắc Ninh, chầu văn, ca trù, chèo… Trên hành trình này, du khách sẽ không chỉ được nghe kể về lịch sử những cây cầu, mà còn được thả đèn hoa đăng để gửi theo dòng sông những điều ước của mình.
Bên cạnh đó, Thăng Long GTC đang tiến hành liên kết để giới thiệu các chương trình dọc sông Hồng như “Trở lại với Hoa Lư”; “Khám phá Phố Hiến xưa và nay”; “Thăm làng quê Việt bằng tàu thủy và xe đạp”… với những trải nghiệm, tìm hiểu về các làng nghề truyền thống, di tích , danh thắng ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình. Chương trình du lịch sông Hồng hiện mới thu hút khoảng 20.000 khách mỗi năm, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 30%. Khách nội địa chủ yếu là các doanh nghiệp, tổ chức, trường học ở Hà Nội. “Với sự đa dạng hóa chương trình thăm quan, nâng cấp đội tàu phục vụ và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, hy vọng du lịch sông Hồng sẽ là điểm nhấn của Hà Nội”, ông Nguyễn Thái Dũng chia sẻ.
Bài và ảnh: Xuân Minh