Cung đường Tây Bắc: Hùng vĩ với sắc màu rực rỡ

Để có cái nhìn tổng thể về du lịch khu vực Tây Bắc và có định hướng cụ thể trong việc liên kết phát triển du lịch liên vùng, từ 26/8 đến 9/9, Lào Cai với vai trò là trưởng nhóm đã cùng với ngành du lịch 7 tỉnh trong khu vực gồm Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ và các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội, doanh nghiệp du lịch các địa phương nói trên đã tổ chức đoàn khảo sát tuyến du lịch vòng cung Tây Bắc mở rộng.

Chuyến khảo sát vòng cung Tây Bắc gắn với sự kiện quảng bá lớn của Sơn La cho điểm du lịch mới của tỉnh tại cao nguyên Mộc Châu “Qua miền Tây Bắc- Sơn La 2011”. Đây được coi là một điểm nhấn của chương trình với quyết tâm quảng bá mạnh mẽ hình ảnh du lịch Mộc Châu với khí hậu trong lành và vẻ đẹp còn nguyên sơ được ví như Đà Lạt tại miền núi phía Bắc. Ông Lường Văn Định, Phó Giám đốc Sở VH,TT & DL Sơn La cho biết: Đây là một hoạt động cụ thể nhằm đẩy mạnh quảng bá du lịch Tây Bắc dựa trên tuyến quốc lộ 6 (gồm Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu) và mở rộng sang cung đường 32 và 70. Qua các hoạt động như: Hội chợ du lịch thương mại Sơn La, lễ hội chè, hoạt động văn hóa tại khu du lịch sinh thái bản Áng- Đông Sang... nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc, văn hóa vùng miền, các sản vật phong phú của các tỉnh Tây Bắc; phát triển một số sản phẩm văn hóa, du lịch.

Lễ hội người Thái tại bản Áng - Đông Sang (Mộc Châu - Sơn La).


Chính vì muốn khảo sát thực trạng cung đường và các điểm du lịch có thể giới thiệu khai thác và khả năng liên kết tuyến, hành trình khảo sát bắt đầu từ Hòa Bình với điểm đến là bản Giang Mỗ dân tộc Mường và bảo tàng không gian văn hóa Mường (TP Hòa Bình) với cái nhìn tổng quát về văn hóa, kiến trúc nhà sàn, phong tục tập quán... Ngược theo quốc lộ 6, đoàn khảo sát đánh giá tuyến điểm du lịch của Sơn La với điểm đến là Mộc Châu với đồng cỏ, đồi chè rộng mênh mông đang thu hút nhiều du khách trẻ và tuyến điểm mới lòng hồ Sơn La. Tiếp đó, đoàn khảo sát tiến hành khảo sát tuyến điểm du lịch mới là Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ (nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) tại Mường Phăng và khu du lịch hồ sinh thái Pá Khoang. Cùng với điểm du lịch nổi tiếng là đồi A1 và hầm Tướng Đờ cát, điểm du lịch Mường Phăng mới được đầu tư nâng cấp hạ tầng để du khách trong và ngoài nước có thể di chuyển thuận tiện hơn và được đến tận nơi tham quan, nghe thuyết minh để hiểu hơn về Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Điểm đến đầy khó khăn trong hành trình khảo sát là tỉnh Lai Châu, một tỉnh mới chia tách còn gặp nhiều khó khăn về hạ tầng, cơ sở lưu trú nhưng đã sớm xác định du lịch là một trong hướng phát triển góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Là tỉnh xa, nhưng sự hoang sơ của thiên nhiên với tuyến hang động Pusamcap, bản làng dân tộc còn đậm chất truyền thống như bản Vàng Pheo của dân tộc Thái trắng (xã Mường So, huyện Phong Thổ), bản Nà Luồng dân tộc Lào (xã Nà Tăm, huyện Tam Đường). “Hiện nay, rất nhiều khách du lịch ưa khám phá du lịch văn hóa thường thuê xe theo từng nhóm đi từ Sapa (Lào Cai) qua tìm hiểu những nét bản sắc văn hóa dân tộc tại Lai Châu do những bản làng tại đây còn lưu đậm nét truyền thống. Chính vì vậy, để phát triển bền vững, trong quá trình phát triển, ngành du lịch Lai Châu tìm cách bảo tồn, lưu giữ những nét đẹp văn hóa quả đồng bào các dân tộc đi đôi với cải thiện hệ thống hạ tầng”, ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch Lai Châu cho biết.

Trong khi đó, tại Lào Cai, bên cạnh Sapa đã trở thành một trung tâm du lịch hút khách tại điểm phía Bắc thì Bắc Hà đang được tỉnh định hướng phát triển như một trung tâm du lịch thứ hai của tỉnh với tuyến du lịch sông Chảy và chợ phiên vùng cao Bắc Hà. Bên cạnh đó, Lào Cai đang nỗ lực đẩy mạnh liên kết nối tour từ Bắc Hà sang Cao nguyên đá Đồng Văn đang trở thành điểm khá hấp dẫn du khách với phố cổ Đồng Văn, cột cờ Lũng Cú, nhà Vương, đèo Mã Pí Lèn...

Tại Yên Bái, ngoài điểm du lịch đầy tiềm năng là lòng hồ Thác Bà đang được tỉnh kêu gọi đầu tư hình thành điểm du lịch sinh thái- du lịch cộng đồng thì dọc tuyến quốc lộ 32, du khách có thể tham quan ruộng bậc thang Mù Cang Chải, khu du lịch suối Giàng với rừng chè cổ thụ tại huyện Văn Chấn kết hợp với thăm khu vườn quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ) và điểm du lịch tâm linh mà người Việt luôn hướng tới là Đền Hùng.

Dựa trên khảo sát tổng thể cung đường Tây Bắc này, từng doanh nghiệp sẽ có những tour du lịch chuyên biệt để phục vụ theo từng đối tượng khách. Đồng thời, cơ quan quản lý du lịch dựa trên thực tế của từng vùng để xác định khai thác bản làng dân tộc đặc trưng, tránh trùng lặp và từ đó liên kết hiệu quả hơn.

Bài và ảnh: Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN