Chống rêu phong hóa di tích Cố đô Huế

Quần thể di tích Huế với bề dày lịch sử hàng trăm năm đang đứng trước thực trạng bị rêu phong hóa các công trình kiến trúc cổ và các lối đi, ảnh hưởng trực tiếp đến khách du lịch và cảnh quan.

Theo Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, một trong những thành tựu đạt được trong lĩnh vực cảnh quan, môi trường tại di tích Huế hiện nay là công tác bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị cảnh quan môi trường, đây là một trong 3 nhiệm vụ quan trọng của công cuộc trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích Cố đô Huế.

Di tích còn lại của Điện Cần Chánh trong Hoàng thành Huế. Ảnh: Nhật Anh - TTXVN


Nhiều công trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn phục vụ tốt cho công tác di tích như: Xây dựng và phối hợp triển khai thực hiện dự án "Quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo cảnh quan khu vực vành đai xanh lăng Minh Mạng"; "Bảo tồn, phục hồi thích nghi vườn Thiệu Phương"; "Sưu tập, nhân giống và bảo tồn các giống cây di tích"; "Xử lý rác thải khu vực di tích Đại Nội bằng công nghệ vi sinh".

Đặc biệt, Trung tâm còn phối hợp với Trường Đại học Khoa học Huế tiếp tục nhân rộng kết quả đề tài: Xử lý môi trường nước bằng công nghệ vi sinh, giải pháp chống rêu, tảo bám trên nền gạch Bát tràng chống trơn trợt cho du khách tại các khu vực di tích.

Đặc trưng của Huế là mưa nhiều, độ ẩm không khí cao nên đã tạo điều kiện cho các loại rêu, tảo phát triển mạnh. Để đối phó với tình trạng này, lâu nay, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế chỉ có biện pháp duy nhất là huy động các đoàn thể làm vệ sinh rêu, tảo nhưng cũng chỉ như muối bỏ bể vì diện tích di tích quá rộng, các phương pháp thủ công chỉ là giải pháp tạm thời.

Đã có một số công trình nghiên cứu về rêu tảo nhưng chỉ tập trung vào việc phân loại là chính, hoặc nghiên cứu các biện pháp nuôi cấy rêu phục vụ cho mục đích trang trí, chơi cây cảnh chứ chưa có biện pháp loại trừ hữu hiệu...

Việc phối hợp với Trường Đại học Khoa học Huế xử lý môi trường nước bằng công nghệ vi sinh, tức là dùng các hoạt chất và qui trình loại bỏ rêu, tảo bằng công nghệ Nano trong điều kiện khí hậu mưa và ẩm thấp nhiều như ở Huế mà không gây ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng đến các công trình của di tích đã được triển khai. Nhiều điểm tham quan như Thế Miếu, Đại Cung môn, các trục đường đi trong hệ thống di tích đã chống được trơn trượt, bảo đảm an toàn sự đi lại cho du khách...

Năm 2012, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã sản xuất hơn 60.000 cây hoa trồng bãi, gần 10.000 chậu hoa, với trên 15 chủng loại hoa đảm bảo duy trì các sân vườn chính trong khu vực di tích Đại Nội, các di tích trọng điểm khác luôn có các thảm hoa phục vụ tham quan du lịch; đồng thời xây dựng kế hoạch cắt tỉa, uốn sửa, chăm sóc tốt cho hơn 5.000 cây kiểng, bonsai các loại, trong đó tập trung chăm sóc các chủng loại cây kiểng có giá trị phù hợp với di tích Huế. Hệ thống cây xanh trên di tích được tiến hành kiểm tra thường xuyên để có các biện pháp xử lý cắt tỉa, tạo tán, không để xảy ra hiện tượng cây xanh gãy đổ.

Trong năm 2013, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh dự án "Sưu tập, nhân giống và bảo tồn các giống cây di tích"; tổ chức triển khai đề án "Phục hồi trang trí cây cảnh trồng chậu đá các khu vực di tích Đại Nội, lăng Tự Đức và lăng Minh Mạng"; duy trì các hoạt động chăm sóc, bảo dưỡng cho toàn bộ hệ thống cây xanh các khu vực di tích, chỉnh trang, tôn tạo cảnh quan các sân vườn trọng điểm của các khu vực di tích của khu vực Đại Nội, lăng Minh Mạng, Tự Đức, Thiệu Trị, tôn tạo cảnh quan ao hồ cho các khu di tích, trồng hoa sen, hoa súng, nhân giống cá cảnh…làm đẹp cảnh quan môi trường, hấp dẫn du khách...


Quốc Việt
Tuân thủ nghiêm công ước quốc tế khi bảo tồn di tích Cố đô Huế

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, ông Phan Thanh Hải cho biết: Để di tích Cố đô Huế luôn là điểm đến hấp dẫn du khách, Trung tâm chủ động nghiên cứu, khảo sát tình trạng bảo tồn các di tích Huế, tích cực chống xuống cấp cho hàng loạt di tích...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN