Thêm một vụ cháy tàu du lịch nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) vào tối 3/2. Đây là vụ cháy tàu du lịch đầu tiên của năm 2015, nhưng trước đó đã có nhiều vụ cháy tàu du lịch khác xảy ra rải rác trên Vịnh, gây bất an cho du khách và làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, thương hiệu du lịch của di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.Tàu du lịch QN-2566 bị cháy hôm 3/2 khi được lai dắt về cảng của công ty đóng tàu Hạ Long chỉ còn là đống sắt vụn. Ảnh Xuân Tùng – TTXVN |
Dù vụ cháy tàu tối 3/2 chưa rõ nguyên nhân, nhưng hầu hết những vụ cháy tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long trước đó chủ yếu do chập điện, số ít là do nổ bình gas. Một thực tế, đội tàu du lịch nghỉ đêm vỏ gỗ trên Vịnh Hạ Long được hình thành, phát triển mang tính tự phát. Việc thiết kế cũng như lựa chọn các trang thiết bị, đặc biệt là về hệ thống điện, máy móc đều do các chủ tàu tự lựa chọn theo hướng tiết kiệm tiền đầu tư.
Một chủ tàu du lịch có tiếng ở Vịnh Hạ Long cho biết: Đường dây điện ở các tàu vỏ gỗ cũ chủ yếu là các dây điện dân dụng, không phải là dây điện chuyên dụng cho việc lắp đặt trên tàu du lịch. Bên cạnh đó, vị chủ tàu này phân tích: lẽ ra, trên tàu phải sử dụng loại dây điện chuyên dụng, có 3 vỏ bọc an toàn, chống được cả chuột cắn, chống chập cháy.
Cũng do tự phát nên tàu du lịch vỏ gỗ thiếu đi các thiết bị cảnh báo an toàn, hệ thống báo cháy tự động... Nhiều chủ tàu mặc dù mới đây có hoán cải, nâng cấp tàu vỏ gỗ của mình lên, nhưng lại xem nhẹ việc thay thế đường dây điện chuyên dụng nên độ rủi ro về chập cháy điện vẫn cao.
Theo kinh nghiệm của các chủ tàu du lịch trên Vịnh: Nếu trên tàu xảy ra hỏa hoạn do cháy nổ gas thì có thể xử lý dập tắt được ngay, nhưng cháy nổ do chập điện thì rất khó. Hệ thống điện khi bị rò rỉ, chập cháy từ bên trong trần tàu, tường phòng ngủ thì thường âm ỉ thời gian dài rồi mới bùng cháy lan nhanh ra ngoài ở phạm vi lớn. Khi đó chỉ có thể di chuyển khách nhanh ra ngoài, khó có thể cứu tàu.
Vì vậy nhiều chủ tàu cho biết: nếu cứ để tình trạng trên mà không có sự quản lý chặt chẽ hơn thì tình trạng tai nạn tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long vẫn còn tiếp tục xảy ra, không cháy nổ thì cũng bị đắm chìm. Điều này sẽ làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, thương hiệu du lịch của Vịnh Hạ Long.
Năm 2012, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã chính thức công bố không cho phát triển thêm tàu du lịch vỏ gỗ, các tàu đóng mới thay thế phải được đóng bằng chất liệu sắt hoặc composite. Theo Quyết định số 3636/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh thì tàu du lịch vỏ gỗ có độ tuổi khai thác 10 năm kể từ khi hạ thủy đóng mới, hoặc đại tu thay vỏ.
Theo Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh: hiện nay, trong tổng số hơn 500 tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long thì có trên 150 tàu du lịch nghỉ đêm. Đội tàu du lịch nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long hiện chỉ có hơn 10 con tàu đóng mới bằng chất liệu vỏ thép từ năm 2013, 2014; khoảng 20 con tàu vỏ gỗ được đóng mới từ năm 2010 trở về đây.
Vẫn còn hơn 100 con tàu vỏ gỗ có độ khai thác 7 - 8 năm, sắp hết hạn sử dụng. Tuy nhiên, số tàu này đang trong kế hoạch được hoán cải, nâng cấp bọc vỏ sắt, hoặc composite để kéo dài thời gian khai thác. Chủ trương bọc vỏ sắt, composite của tỉnh Quảng Ninh mới chỉ quan tâm đến việc chống chìm của tàu mà chưa chú trọng đến mức độ an toàn khác từ bên trong những con tàu cũ này như cháy, nổ...
Một chủ tàu nêu ý kiến: Không nên đối phó với những tình huống tai nạn trên Vịnh theo kiểu "giật gấu vá vai", thấy tàu vỏ gỗ bị chìm thì cho bọc sắt, bọc nhựa để chống chìm... mà nên có có biện pháp quản lý triệt để hơn. Tàu hết tuổi khai thác thì phải dừng sử dụng. Không nên hoán cải tàu cũ mà nên đóng mới thay thế hoàn toàn.
Việc đóng mới tàu phải được kiểm soát nghiêm ngặt cả về kết cấu lẫn kỹ thuật, độ an toàn. Muốn làm được thì công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là việc đăng kiểm, giám định tàu được đề cao, chú trọng hơn nữa, cần đảm bảo tính đúng đắn, chuẩn mực nhằm bảo vệ tính mạng cho khách du lịch, bảo vệ thương hiệu hình ảnh du lịch Vịnh Hạ Long.
Văn Đức (TTXVN)