Cần nhiều kỹ năng trước khi làm 'phượt thủ'

Thời gian gần đây, thông tin về các vụ tai nạn liên tiếp khi đi phượt khiến dư luận lo ngại.

Cung đường đèo Tây Bắc luôn hấp dẫn các phượt thủ.

Những tai nạn đau lòng

Mới đây, ngày 7/10, phượt thủ Nguyễn Thị Q, đã tử vong khi bị nước lũ cuốn trên hành trình đi bộ xuyên rừng Tà Năng gần thác Yavly (thuộc xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Theo ghi nhận, trước thời điểm qua suối có mưa to và trước đó, đoàn đã có người ngã do trơn trượt. Dù vậy, nhóm phượt vẫn giữ lộ trình và xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Trước đó, vào cuối tháng 9, sinh viên Nguyễn Hữu T (Gia Lai) bị tai nạn giao thông tại tuyến đường trên núi Sơn Trà (Đà Nẵng). T cùng một số bạn đi phượt bằng xe máy. Khi đổ dốc từ đồi Vọng Cảnh xuống, do sương mù, đường dốc và mặt đường có sỏi đá nhỏ nên xe máy do T điều khiển đã bị lạc tay lái, tông vào taly chắn bên đường. Hậu quả, Tuyền bị thương nặng và tử vong trên đường đưa đi cấp cứu, xe máy bị hư hỏng nặng phần đầu.

Những vụ tai nạn trên cho thấy sự rủi ro trong quá trình di chuyển, kể cả với những người có kinh nghiệm nên cần phải được trang bị kỹ. Anh Hoàng Minh Hoàng, Giám đốc Công ty thương mại và du lịch Minh Tâm, một phượt thủ lâu năm chia sẻ: Mới đây, tôi cũng bị ngã khi đi phượt khi đi với tốc độ cao và không làm chủ được tay lái, rất may do có trang thiết bị bảo hộ nên chỉ bị xây xát.

Còn anh Lại Văn Quân, Công ty du lịch Tam Sắc, một phượt thủ chia sẻ, những người phượt đa phần là các bạn trẻ, học sinh, sinh viên. Họ tham gia phượt để tự chọn cung đường; linh hoạt về thời gian và phương tiện di chuyển, chấp nhận những hành trình bụi bặm, vui với niềm vui được cùng nhau đi những cung đường mới, chinh phục những kỳ quan thiên nhiên, chụp ảnh và khám phá những cảnh đẹp. Phượt là việc khó khăn, nguy hiểm, vì phải chạy xe đi những cung đường lạ, nhưng sẽ lôi cuốn giới trẻ thích cảm giác mạnh hiếu động, thích trải nghiệm.

“Nhiều người nghĩ chỉ cần biết đi xe máy là có thể phượt là chưa đủ. Đầu tiên, đi phượt phải tuân thủ Luật Giao thông, nhất là tốc độ xe khi đi đường đèo, đường núi; đồng thời phải tuân thủ quy tắc của trưởng nhóm là người có kinh nghiệm để tránh thất lạc và bị tai nạn đáng tiếc. Bên cạnh đó, người tham gia phượt phải chuẩn bị bảo hộ, vật dụng thiết yếu, gọn nhẹ; tìm hiểu quy tắc, kỹ năng mềm khi giao tiếp với người bản địa”, anh Hoàng Minh Hoàng cho biết.

Còn anh Lại Văn Quân cho biết: Thường nhóm phượt do tôi tổ chức chỉ đi nhóm 10 xe, trong khi nhiều nhóm phượt theo phong trào đi tới 50 xe, nhiều xe hỏng cả đèn, xi nhan rất nguy hiểm.

Cùng với đó, một số thành viên phượt không ý thức, khi dừng chân ăn uống xong vứt luôn vỏ chai nhựa, túi nilon, hộp bia... tại chỗ nghỉ khiến các cung đường Tây Bắc, cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang, đường lên Tam Đảo... ngày càng nhiều rác.

“Bên cạnh đó, là tình trạng cho quà không đúng cách, mua sản phẩm thủ công của trẻ em tại một số điểm du lịch Hà Giang, Sa Pa khiến trẻ em bỏ học, ra đường ngóng xin tiền, xin quà...”, anh Lại Văn Quân nhận xét.

Xu hướng mở rộng thành phần

Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) đã thực hiện nghiên cứu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở về du lịch phượt, trong đó nhận định đây là một loại hình du lịch mà khách du lịch tự chọn phương tiện, bạn đường phù hợp và vạch ra lộ trình đi riêng của mình, không bị khống chế bởi thời gian. Mục đích hàng đầu của khách du lịch phượt là thích khám phá thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa bản địa, thử thách bản thân, tiết kiệm chi phí du lịch...

Nghiên cứu về loại hình du lịch phượt tại Việt Nam cho thấy phương tiện ưa thích của dân phượt Việt Nam thường là xe máy bởi sự linh hoạt và chủ yếu lưu trú trong nhà khách, khách sạn bình dân, ở nhà bạn bè người thân, ở homestay và đôi khi là cắm trại ngoài trời tùy vào chuyến đi.

Phần lớn các chuyến đi phượt hiện nay kéo dài từ 3 - 12 ngày, hoặc có thể lâu hơn nữa với các chuyến đi xuyên Việt của những người đi phượt kỳ cựu. Với nhân viên văn phòng, họ thường tận dụng các ngày nghỉ cuối tuần để đi, hoặc các kỳ nghỉ nhân dịp lễ.

Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, thị trường khách du lịch phượt đang ngày phát triển ở Việt Nam với xu hướng mở rộng về thành phần, từ những người trẻ đến những người cùng sở thích như chụp ảnh, thể thao mạo hiểm... Về mặt tích cực, du lịch phượt giới thiệu những trải nghiệm mới mẻ và có khả năng lan tỏa, nhất là các vùng còn hẻo lánh, qua đó tạo tiền đề tìm kiếm các giá trị sáng tạo trong phát triển sản phẩm du lịch.

Bên cạnh những tác động tích cực, du lịch phượt cũng ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân bản địa do sự du nhập những yếu tố văn hóa từ khách du lịch, đồng thời có những tác động nhất định đến tự nhiên khi do tình trạng vứt rác sau các buổi cắm trại, nghỉ giữa đường trong mỗi chuyến đi...
 
Thị trường khách phượt đang nổi lên như một phân đoạn thị trường quan trọng và đáng quan tâm trong xu thế phát triển của thị trường khách nội địa ở Việt Nam.

Bài và ảnh: Xuân Cường/Báo Tin Tức
Quảng Ninh cứu hộ tàu du lịch Minh Hiếu bị nước tràn vào khoang máy
Quảng Ninh cứu hộ tàu du lịch Minh Hiếu bị nước tràn vào khoang máy

Vào lúc 5 giờ, ngày 18/10, tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), tàu du lịch Minh Hiếu mang số hiệu QN - 6809, trọng tải 48 ghế, công suất 60 CV do bà Nguyễn Thị Liên là chủ phương tiện gặp sự cố dẫn đến nước tràn vào khoang máy tàu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN