Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về visa để đón khách quốc tế

Theo các chuyên gia du lịch, Việt Nam muốn thu hút du khách quốc tế cần thực hiện hàng loạt giải pháp đồng bộ như nới lỏng các chính sách về visa các nước, ứng dụng mạnh công nghệ, tăng nội lực cho doanh nghiệp du lịch…

Chú thích ảnh
Sáng 10/3, Báo Thanh Niên và các đơn vị, sở, ngành tại TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức hội thảo "Mở visa, phục hồi du lịch".

Mở cánh cửa đầu tiên đón khách

Bà Trần Nguyện, Phó Tổng giám đốc Khối Sun World, Tập đoàn Sun Group cho biết, visa là cánh cửa đầu tiên, là lợi thế cạnh tranh đối với các điểm đến khác. Tuy nhiên, sau khi mở cửa du lịch trở lại gần 1 năm nay, các điểm du lịch vẫn vắng bóng du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài. Riêng tại hệ thống khu vui chơi giải trí Sun World, suốt từ năm ngoái đến nay khách đến không nhiều, ngay cả Tết Nguyên đán vừa qua, vốn được coi là mùa cao điểm du lịch.

Cụ thể, lượng khách đến Sun World Ba Na Hills dịp Tết Nguyên đán 2023 chỉ đạt khoảng 55% so với Tết Nguyên đán 2019. Hay ở Phú Quốc, trong quý 4 và quý 1 - mùa inbound (mùa khách nước ngoài vào) tụt giảm cũng gần 50%. Tại Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), có những tuần đóng cửa vì du khách không đủ đông.

Theo bà Trần Nguyện, Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương; thị thực điện tử cấp cho 80 quốc gia nhưng bị giới hạn số cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh; thời gian lưu trú thông thường khoảng 15 ngày và nhập cảnh 1 lần. Trong khi đó, Malaysia miễn thị thực cho 162 quốc gia, Singapore cho162 quốc gia, Phillipines cho 157 quốc gia, Nhật Bản cho 68 quốc gia, Hàn Quốc 66 quốc gia, Thái Lan 64 quốc gia… Các quốc gia trên hầu hết cấp và cho phép nhập cảnh bằng thị thực điện tử với thời gian lưu trú dài lên 6 tháng và nhiều lần nhập cảnh ra vào.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation phát biểu tại hội thảo.

Trong khi đó, TS. Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch cho biết, cá nhân ông không bao giờ nói rằng, chính sách visa là nguyên nhân gây ra những khó khăn mà các doanh nghiệp du lịch, hàng không Việt Nam đã và đang mắc phải. Tuy nhiên, nếu các đơn vị cởi mở chính sách visa song song quảng bá du lịch là thúc đẩy phát triển kinh tế, phát triển ngành du lịch và đặc biệt mang thêm ngoại tệ vào đất nước.

"Thực tế, việc giải cứu du lịch quốc tế không chỉ là cứu các doanh nghiệp du lịch, hàng không, các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng sơ cấp và thứ cấp mà còn mang lại nhiều cơ hội bán hàng, tăng thu nhập cho người nghèo bán hàng rong...", TS. Lương Hoài Nam chia sẻ.

Là doanh nghiệp chuyên đón nhiều đoàn khách quốc tế vào Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation cho biết, Việt Nam tuyên bố mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15/3/2022. Tuy nhiên, sau 1 năm qua, thị trường khách quốc tế đến Việt Nam vẫn lèo tèo, ì ạch. Điều này cho thấy, do điều kiện quản lý quá chặt, bắt đầu từ vấn đề thị thực (visa), tới chính sách visa. Vì vậy, các đơn vị cần đánh giá hiệu quả của chính sách miễn visa cho các nước vừa qua, cả Visa-on-Arrival (visa tại sân bay) phải xin phê duyệt trước. 

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, khách quốc tế là thị phần khách có đóng góp lớn vào cơ cấu doanh thu của ngành du lịch. Minh chứng là trong 3 năm trước đại dịch COVID-19, trung bình khách quốc tế đến Việt Nam chỉ bằng 1/5 khách nội địa nhưng đóng góp khoảng 58% tổng thu nhập từ khách du lịch. Năm 2019, tổng thu từ khách du lịch quốc tế chiếm 18,3 tỉ USD trong tổng doanh thu 32,8 tỉ USD mà toàn ngành du lịch tạo ra…

Đẩy mạnh xúc tiến quảng bá hình ảnh Việt Nam

Liên quan đến vấn đề visa, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, vừa qua Sở cũng đã có những kiến nghị khá nhiều về các cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ visa. Tuy nhiên, đến nay có một số chính sách đã được tháo gỡ và vẫn còn một số chính sách đang cần tiếp tục tháo gỡ cho các doanh nghiệp lữ hành trong việc cấp thị thực để đón khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh.

Nhìn chung, lượng khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh chưa hồi phục nên xảy ra tình trạng các nhà hàng, khách sạn chuyên phục vụ khách quốc tế tại TP Hồ Chí Minh phải rao bán khá nhiều. Vì vậy, các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch rất mong muốn các chính sách vướng mắc về visa sớm được giải quyết để ngành du lịch khôi phục hoàn toàn.

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh mong muốn cải thiện các chính sách về visa để du lịch khôi phục hoàn toàn.

Trong khi đó, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, chính sách visa chỉ là một trong nhiều nguyên nhân khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa cao. Tuy nhiên, để tháo gỡ các khó khăn về visa, TP Hồ Chí Minh cũng đã có một số kiến nghị như nâng số ngày lưu trú từ 15 ngày lên 30 - 50 ngày; hay chính sách visa cần ổn định để đơn vị làm kinh doanh du lịch có thể nên kế hoạch dài hạn. Đối với ngành công an, cần ứng dụng công nghệ vào việc cấp visa điện tử nhiều hơn để tăng độ nhanh nhẹn và chính xác cho người dân, du khách khi thực hiện đổi và cấp visa điện tử. Cuối cùng là chính các doanh nghiệp lữ hành, điểm đến phải cải hiện hình ảnh của du lịch Việt Nam...

Chú thích ảnh
Du khách nước ngoài tham quan tại khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh.

Ông Trịnh Ngọc Thành, Phó tổng giám đốc Thương mại Vietnam Airlines cho biết: "Qua quá trình xúc tiến du lịch, tham gia các hội chợ xúc tiến du lịch, tôi nhận thấy cùng một cơ hội, cùng một khu vực Đông Nam Á nhưng các nước có chính sách visa tốt hơn, tạo sự cạnh tranh thu hút khách, điển hình như Thái Lan miễn visa đã thu hút lượng du khách tăng gấp đôi. Ngoài ra, với kinh nghiệm trong ngành hàng không, những nước miễn visa, có đường hàng không bay thẳng thì trong vòng 3 năm, lượng hành khách tăng lên gấp đôi chứ không phải tăng lên mức độ trung bình tăng 5 - 10%". 

Vì vậy, ngoài đề xuất về tháo gỡ khó khăn cho visa, ông Thành nhấn mạnh, Việt Nam cần đẩy mạnh các chương trình quảng bá du lịch quốc gia, thúc đẩy xúc tiến, quảng bá du lịch liên tục trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Việt Nam cần có các văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài để thu hút khách đến Việt Nam. Có thể thấy, Thái Lan có đến 5 văn phòng ở 5 tỉnh khác nhau tại Trung Quốc, còn Việt Nam thì không.

 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Hoan nghênh Nga xem xét đơn giản hóa thị thực cho công dân Việt Nam
Hoan nghênh Nga xem xét đơn giản hóa thị thực cho công dân Việt Nam

Việt Nam hoan nghênh phía Nga xem xét đơn giản hóa thị thực cho công dân Việt Nam, ủng hộ các biện pháp tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam và các nước giao thương, đi lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN