Ba Vì - con đường du lịch xanh của Thủ đô

Với ưu thế nổi bật là có Vườn Quốc gia Ba Vì (1 trong 6 vườn cấp quốc gia với mức độ đa dạng sinh học cao), huyện Ba Vì được xác định là điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng của Hà Nội.


Trong vài năm gần đây, khu vực này đã thu hút nhiều nhà đầu tư đến xây dựng hạ tầng du lịch phục vụ du khách.

Nhiều tiềm năng

Ông Kiều Việt, Trưởng phòng Xúc tiến (Trung tâm Xúc tiến du lịch Hà Nội) đánh giá: Vườn quốc gia Ba Vì rộng 10.782 ha, có 1.201 loài thực vật bậc cao, 342 loài động vật, trong đó có 3 loài đặc hữu và 66 loài động vật rừng quý hiếm, được coi là hạt nhân để tạo nên cảnh quan sinh thái của cả vùng vốn có nhiều phong cảnh đẹp với các thác nước, hồ, hệ sinh thái còn được bảo tồn.

Ba Vì còn có các làng nông nghiệp, các trang trại và làng nghề truyền thống lâu đời như các trang trại nuôi bò sữa, nuôi đà điểu, dê, thỏ; làng thảo dược của người Dao với hơn 300 loài cây cỏ được sưu tầm trên núi Ba Vì, trong đó có 2 bài thuốc tắm phục hồi sức khỏe.


Bên cạnh đó là nguồn nước khoáng nóng 40-50 độ C ở xã Thuần Mỹ với vi lượng khoáng và thành phần radon tốt cho sức khỏe, có tác dụng chữa các bệnh ngoài da, xương cốt, tiêu hóa. Ba Vì bước đầu hình thành 9 làng trồng chè và làm chè khô từ búp tươi ở xã Ba Trại rộng gần 500 ha.

Cùng với phong cảnh đẹp, vùng đất này mang đậm dấu ấn ngàn năm lịch sử còn lưu lại từ thuở Sơn Tinh - Thủy Tinh giao chiến. Ba Vì hiện có 3 dân tộc là Kinh - Mường - Dao sinh sống và tại các bản làng dân tộc còn lưu giữ được một số nét văn hóa phi vật thể nổi bật như: Múa Chuông, Tết Nhảy… của người Dao; cồng chiêng, múa sắc bùa của người Mường.


Chính sự đa dạng này mà ngành du lịch Thủ đô tiến hành lập đề án xây dựng loại hình tour du lịch cộng đồng để đưa vào phục vụ du khách trong thời gian tới.

Cần đa dạng sản phẩm

Lãnh đạo huyện Ba Vì cho biết, hiện trên địa bàn có 15 đơn vị tham gia hoạt động kinh doanh du lịch. Tổng giá trị đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch ngày một tăng, từ năm 2007 đến nay bình quân đạt khoảng 60 tỷ đồng/năm.


Những đơn vị có mức đầu tư lớn như: Khoang Xanh, Thiên Sơn - Suối Ngà, Thác Đa, Đầm Long…, hoạt động du lịch đã góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, tăng thu nhập cho người dân. Hiện du lịch, dịch vụ chiếm 44% trong tỷ trọng cơ cấu kinh tế của huyện và phấn đấu đến năm 2015, du lịch, dịch vụ chiếm 50-52% trong cơ cấu kinh tế.

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội cho rằng: Du lịch sinh thái là thế mạnh của Ba Vì. Vườn Quốc gia Ba Vì là đơn vị đầu tiên được giao thí điểm dự án “thuê môi trường để làm du lịch”.


Thực tế, mô hình này đang mang lại hiệu quả tại khu du lịch Thiên Sơn - Suối Ngà nhưng cần phải có sự tổng kết trước khi nhân rộng. Hiện nay, hạ tầng giao thông tuyến đường Láng - Hòa Lạc đang được hoàn thiện và hạ tầng về lưu trú cơ bản đáp ứng được nhu cầu du khách sẽ là nền tảng để hấp dẫn du khách.

Tuy nhiên, để lượng khách quay lại nhiều lần và thu hút được khách quốc tế cần phải có sự đa dạng sản phẩm, cũng như tạo sản phẩm đặc trưng. Một trong những điểm nhấn của tour du lịch này là các trang trại vùng núi Ba Vì và tìm hiểu cuộc sống, tập quán sinh hoạt, văn hóa của đồng bào dân tộc Dao, Mường.


Bên cạnh đó là phát triển loại hình nông nghiệp sinh thái mà điển hình là chè sạch Ba Trại, phát triển nuôi bò sữa Ba Vì. Việc phát triển nông nghiệp sinh thái không chỉ cung cấp sản phẩm sạch ngay cho vùng du lịch mà cả trung tâm Hà Nội.

Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN