Địa chỉ du học hấp dẫn
Theo số liệu thống kê về tư cách lưu trú của Bộ Tư pháp Nhật Bản, đến tháng 6/2018, số người Việt Nam tại Nhật Bản là 291.494 người, trong đó du học sinh là 80.638 em. Việt Nam trở thành nước có số du học sinh đông thứ hai tại Nhật Bản, chỉ sau Trung Quốc.
Nhật Bản đang trở thành một địa chỉ hấp dẫn để du học với số du học sinh Việt Nam sang Nhật Bản tiếp tục tăng. Thống kê chính thức của Tổ chức Hỗ trợ sinh viên Nhật Bản (JASSO) cho biết năm 2017 có 61.671 du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, tăng 7.864 em, tức là 14,6% so với năm 2016. Các địa phương có đông du học sinh Việt Nam là Tokyo có 22.557 em, Osaka có 9.061 em, Saitama có 6.939 em và tỉnh Chiba có 6.662 em.
Thông thường, các du học sinh này sau khi kết thúc hai năm học ở trường tiếng Nhật, sẽ tiếp tục nộp đơn thi lên các trường trung cấp nghề hoặc đại học tùy theo nguyện vọng. Theo số liệu của JASSO, du học sinh học tại các trường tiếng Nhật là 26.182 em, số du học sinh học trung cấp nghề là 21.482 em, số sinh viên đại học là 10.975 em, số sinh viên thạc sỹ là 801 em, số sinh viên tiến sỹ là 840 em.
Một trong những vấn đề mà các du học sinh tự túc Việt Nam tại Nhật Bản phải đối mặt là bài toán về chi phí học tập và sinh sống. Như tại Tokyo, tiền đóng học phí tại các trường tiếng vào khoảng 50.000 yên/tháng (khoảng 455 USD), học phí trung cấp nghề hoặc đại học tư thục ở mức 65.000 yên/tháng (591 USD), đại học công lập ở mức 45.000 yên/tháng (409 USD). Mức sinh hoạt phí gồm đi lại và ăn uống theo tính toán của JASSO, là từ 80.000 – 90.000 yên (728 USD - đến 818 USD) tại vùng Kanto (thủ đô Tokyo và các tỉnh lân cận). Tiền thuê nhà của du học sinh rơi vào khoảng từ 10.000 yên đến 40.000 yên (91 USD -364 USD) tùy thuộc vào vị trí ở thủ đô Tokyo hay các tỉnh, ở gần hoặc xa ga tàu, ở ghép với nhiều người hoặc ở ít người. Như vậy, tính mức thấp nhất một du học sinh học tiếng Nhật phải chi khoảng 110.000 yên/tháng (1.000 USD). Đây là mức sinh hoạt phí "thắt lưng buộc bụng" tại Tokyo, không có ngân sách cho việc giải trí, đi chơi.
Theo quy định, những người nước ngoài tự túc sang Nhật Bản theo thị thực du học sinh được phép làm thêm tối đa 28 giờ/tuần, trong các kỳ nghỉ được phép làm thêm 8 giờ/ngày, song không được quá 40 giờ/tuần. Mục tiêu của việc cho phép du học sinh nước ngoài làm thêm với số giờ hạn chế là nhằm tạo điều kiện cho du học sinh có thêm thu nhập trang trải chi phí cho cuộc sống du học tại Nhật Bản, song vẫn đảm bảo số giờ lên lớp. Theo giải thích của Chính phủ Nhật Bản, du học sinh nước ngoài sang đây theo mục tiêu chính là học tập, vì vậy không được phép làm thêm quá nhiều, ảnh hưởng đến mục tiêu học tập.
Áp lực kiếm tiền
Trên lý thuyết là như vậy song trên thực tế, số du học sinh Việt Nam tự túc không phải quá lo lắng về việc trang trải chi phí cho cuộc sống ở Nhật Bản chỉ là số ít. Phần đông du học sinh đều xác định sau khi ổn định việc học tại Nhật Bản sẽ đi làm thêm để tự mình trang trải toàn bộ chi phí học tập và sinh sống tại Nhật Bản.
Bên cạnh đó, không ít du học sinh, được các công ty môi giới du học quảng cáo về mức lương làm thêm hấp dẫn tại Nhật Bản, đã nghĩ rằng đi du học chỉ là lý do để được sang Nhật Bản đi làm. Nhiều gia đình đã vay mượn các khoản tiền lớn nộp cho công ty môi giới và nộp học phí để cho con sang Nhật Bản với hy vọng con cái sẽ không chỉ trả được nợ, mà còn có một khoản tiền tích lũy đáng kể đem về sau thời gian du học tại Nhật Bản.
Mức lương đi làm thêm cao nhất là ở Tokyo, trung bình 1.000 yên/giờ (9 USD/giờ). Đối với những du học sinh không giỏi tiếng, phải chấp nhận những công việc vất vả nhưng mức lương thấp hơn cả mức trung bình chỉ vào khoảng 800 – 950 yên/giờ (7,3 USD-8,6 USD).
Nếu đi làm thêm đúng 28 giờ/tuần, một du học sinh nước ngoài tại Tokyo sẽ có thu nhập khoảng 112.000 yên/tháng (1.018 USD), nếu vào tháng được nghỉ học thu nhập tối đa là 160.000 yên/tháng (1.455 USD). Như vậy, thu nhập từ công việc làm thêm có thể giúp các du học sinh tự túc trang trải được cuộc sống du học ở Nhật Bản, chứ không đủ tích lũy.
Các du học sinh được phụ huynh chi trả học phí sẽ đỡ áp lực hơn nên đi làm thêm với mục tiêu chỉ để trang trải sinh hoạt phí. Tuy nhiên, nhiều em muốn kiếm được nhiều tiền, đặc biệt là những em gia đình phải vay mượn tiền cho sang Nhật Bản học, áp lực càng lớn hơn vì các muốn có tiền tích lũy hoặc tiền để trả nợ nên tìm cách làm thêm càng nhiều càng tốt,
Áp lực kiếm tiền khiến các em đăng ký làm thêm một lúc hai hoặc ba việc. Thời gian làm việc nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, các em đến lớp không thể tỉnh táo và không thể tiếp thu bài giảng.
Bài 2: Bỏ trốn – Hậu quả và hệ lụy