Xin đừng đánh tráo ký ức

Mấy ngày nay, dư luận đang xôn xao về dự án cải tạo cầu Long Biên để trở thành Bảo tàng Nghệ thuật đương đại ngoài trời của một nữ KTS Việt kiều, được đưa ra tại một cuộc hội thảo do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức mới đây.

Theo dự án, cầu Long Biên sẽ được cải tạo như nâng cầu cao thêm 3m để thuận tiện cho giao thông thủy; thân cầu được gắn kính trong suốt và trưng bày một đầu tàu máy hơi nước để cho du khách tham quan với nhiều toa làm quán café, nhà hàng ẩm thực, bán đồ lưu niệm... Ngoài ra còn có ba công trình kèm theo để tạo thành một tổ hợp nghệ thuật, gồm: Công viên nghệ thuật ở bãi giữa sông Hồng; Tháp Sen - Bảo tàng Nghệ thuật đương đại ở bờ phải sông Hồng và Bảo tàng Cổ vật là công trình Tháp nước hàng Đậu được cải tạo.

Cầu Long Biên gắn liền với lịch sử phát triển của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Lê Phú


Theo tác giả, sau khi dự án hoàn thành, dự kiến trong khoảng 10 năm với nguồn vốn đầu tư là 4.680 tỷ đồng, cầu Long Biên sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn nhất Thủ đô và trở thành Bảo tàng Nghệ thuật đương đại dài nhất thế giới.

Trước hết, xin ghi nhận tình cảm của tác giả đối với cầu Long Biên và với Thủ đô Hà Nội. Thế nhưng, nếu bình tâm sau những xúc động nhất thời bởi sự hoành tráng của dự án, thì ta thấy gì ở đồ án nghệ thuật này?

Cầu Long Biên do Gustave Eiffel, tác giả của Tháp Eiffel - Pari nổi tiếng, thiết kế và được xây dựng hoàn thành vào năm 1902, cách đây đã hơn một thế kỷ. Cầu có 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ bê tông cao tới 40 m (tính từ móng), phần cầu thép dài 1.682m, đường dẫn xây bằng đá dài 896m, ở giữa là dành cho xe lửa, hai bên cầu là phần đường dành cho xe cơ giới và người đi bộ. Với cấu trúc như vậy, thời đó, cầu Long Biên đã trở thành một trong bốn cây cầu thép lớn nhất thế giới và có độ dài đứng thứ hai thế giới, sau cầu Brooklyl của nước Mỹ.

Còn với người dân Thủ đô, thì hình dáng cây cầu với các nhịp nhấp nhô mang hình tượng một con rồng đang trườn mình trên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, đã trở thành biểu tượng, thành ký ức, là nhân chứng lịch sử của một thế kỷ Hà Nội hào hùng và bi tráng. Với ý nghĩa lịch sử và nghệ thuật, cầu Long Biên xứng đáng là di sản văn hóa của Hà Nội và cả nước. Trong cuộc kháng chiến chống xâm lược, 14 lần cầu bị đánh phá mang tính hủy diệt, 7 nhịp cầu sắt và 4 trụ cầu bị phá hủy, 1.500m cầu bị hư hỏng nặng. Nhưng cầu vẫn đứng vững và sau đó được sữa chữa bằng các dầm thép có khẩu độ ngắn đặt trên các trụ cầu mới cho đến ngày nay.

Bây giờ, khi Hà Nội phát triển, chúng ta đã có thêm nhiều cây cầu mới hiện đại, gánh vác nhiệm vụ giao thông cho cây cầu Long Biên cũ kỹ, già nua. Nhưng theo chúng tôi, không vì thế mà phá bỏ, hay biến cây cầu lịch sử này thành một thứ nghệ thuật gì đó của thời hiện đại. Hãy để cầu Long Biên được giữ nguyên vẹn hình dáng như hiện nay, cũng không cần phải phục dựng lại những nhịp cầu bị chiến tranh tàn phá, vì đó là chứng nhân của tội ác, để giáo dục thế hệ con cháu chúng ta hiểu được cái giá của hòa bình là thế nào.

Cầu Long Biên là bảo tàng sống, là ký ức của đô thị Hà Nội, của người dân Thủ đô. Và vì thế xin đừng đánh tráo ký ức!

Có chăng, xin hãy đầu tư để giữ cho cây cầu bền vững, không bị xuống cấp. Hãy cải tạo để mặt cầu đừng gập ghềnh, nhấp nhô như bây giờ. Hãy chịu khó sơn các nhịp cầu thép để chống gỉ và để cầu luôn tươi mới. Hãy để cho du khách tham quan cầu trên các toa kéo bằng đầu máy hơi nước của thế kỷ 19, với đầy đủ tiện nghi phục vụ, để họ có thể bình yên mà nhâm nhi ly cà phê và ngắm hoàng hôn với những cánh buồm trôi trên dòng sông Hồng dữ dội và thơ mộng. Hãy biến hai bên cầu thành đường đi bộ và xe đạp, và dọc con đường đó sẽ có chỗ để các nghệ sỹ đường phố trình diễn nghệ thuật, vài kiốt nhỏ bán hoa, giải khát hay đồ lưu niệm... Và ở hai đầu cầu sẽ có chỗ cho thuê xe đạp, xe đạp đôi để du khách dễ dàng đi lại. Còn bãi giữa sông Hồng xin đừng đắp cao hay kè bờ gì đó. Hãy khơi thông dòng chảy để dòng sông không bị ô nhiễm, bị bức tử bởi nước thải và rác thải. Hãy trả lại dòng sông màu đỏ phù sa thân thuộc và màu xanh mướt của bãi ngô. Còn sau này, nếu thực hiện dự án thành phố sông Hồng, thì có thể biến nơi đây thành công viên với cây xanh, hoa lá, những kiến trúc nhỏ phục vụ nghỉ ngơi, giải trí... để người dân Hà Nội khỏi quay lưng lại với dòng sông như bây giờ. Về đêm, cầu Long Biên sẽ trở nên sống động, lung linh bởi nghệ thuật chiếu sáng. Tất cả chỉ giản dị thế thôi!

Hà Nội đang bị bê tông hóa. Di sản, di tích còn lại quá ít ỏi so với lịch sử 1000 năm của thành phố Rồng bay. Vì thế xin hãy trân trọng di sản văn hóa cầu Long Biên, cũng như các di tích khác như Tháp nước hàng Đậu. Mọi thứ ý tưởng hay dự án, dù dưới hình thức nghệ thuật gì chăng nữa để biến một di sản văn hóa như cầu Long Biên thành món hàng (hay mang tính thương mại) là không thể được. Đó là xúc phạm đến tình cảm của những người yêu Hà Nội đối với các ký ức - di sản của thành phố này.

Hà Nội đang đổi mới và phát triển, nhưng đời sống nhân dân vẫn còn khó khăn lắm. Vì thế, nếu có 4.680 tỷ đồng kia, không, chỉ cần một nửa của số đó thôi thì hãy dành để đầu tư cải thiện hạ tầng giao thông, xây trường mầm non, mẫu giáo cho con trẻ, xây nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, người nghèo đô thị thì có ý nghĩa biết bao nhiêu. Và đó sẽ là biểu tượng của lòng nhân ái đối với thành phố thân yêu này.

KTS Phạm Thanh Tùng
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN