Xây dựng Trung tâm Văn hóa Xứ Đông: Băn khoăn và kỳ vọng

Tỉnh Hải Dương đang trình Chính phủ xem xét cho ý kiến chấp thuận đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa Xứ Đông bằng hình thức cân đối ngân sách để khắc phục những bất cập về thiếu thiết chế văn hóa.

Người dân Hải Dương mong muốn việc xây dựng Trung tâm cần đúng mục tiêu, khai thác hiệu quả, tránh lãng phí ngân sách. 

Chú thích ảnh
Nghi lễ rước nước tại Lễ hội mùa xuân Côn Sơn- Kiếp Bạc năm 2017. Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN

Thiếu thiết chế văn hóa

Là một tỉnh ở trung tâm Đồng bằng sông Hồng, thuộc tam giác kinh tế trọng điểm phía bắc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, trong lịch sử hình thành và phát triển, Hải Dương được biết đến với tên gọi Xứ Đông - phên giậu phía Đông của kinh thành Thăng Long xưa. Không chỉ lưu giữ những di chỉ khảo cổ học quý giá, Hải Dương còn là mảnh đất có mật độ dày đặc các di tích lịch sử, văn hóa ở hầu khắp các huyện, thị xã, thành phố.

Hiện nay, tỉnh có hơn 2.000 di tích với trên 300 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 4 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt, 141 di tích cấp quốc gia cùng với 7 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Một số di tích có giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, thu hút du lịch có thể kể đến như: Côn Sơn – Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai, đền Cao An Lạc (thị xã Chí Linh), đền Tranh, đền thờ Khúc Thừa Dụ (huyện Ninh Giang), Văn miếu Mao Điền (xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng), cụm di tích thờ đại danh y Tuệ Tĩnh ở huyện Cẩm Giàng gồm đền Bia (xã Cẩm Văn), đền Xưa (xã Cẩm Vũ) và chùa Giám (xã Cẩm Sơn)…

Bên cạnh đó, con người Xứ Đông còn nổi danh bao đời với truyền thống hiếu học, vượt khó thành tài. Lịch sử đã ghi nhận Hải Dương là một trong những tỉnh có nhiều nhà khoa bảng, danh nhân văn hóa góp phần làm rạng danh quê hương, dân tộc như: Tuệ Tĩnh, Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mệnh, Nguyễn Thị Duệ, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Hữu Cầu… Đặc biệt, làng Mộ Trạch thuộc xã Tân Hồng (huyện Bình Giang) được dân gian phong là “Lò tiến sĩ Xứ Đông” với 39 tiến sĩ trong tổng số trên 100 tiến sĩ của huyện.

Mặc dù vậy, hiện nay, hệ thống thiết chế văn hóa của tỉnh Hải Dương vẫn còn thiếu và yếu, chưa tương xứng với vị thế của một tỉnh có giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Thực tế, tại Hải Dương, các công trình thiết chế văn hóa thiết yếu như rạp chiếu phim, sân vận động, trung tâm văn hóa, nhà hát ngoài trời, quảng trường… gần như không có hoặc có thì chưa đáp ứng được yêu cầu. Sân vận động tỉnh cũ, nhỏ, không thể tổ chức các sự kiện lớn.

Trung tâm văn hóa tỉnh tọa lạc tại đường Hồng Quang (phường Quang Trung, thành phố Hải Dương) được đầu tư từ năm 1964 thực chất là tận dụng phòng họp tối đa 500 chỗ ngồi để làm nơi tổ chức các sự kiện, biểu diễn, hội thảo. Trong quá trình sử dụng, công trình này qua nhiều lần cải tạo nhưng nay cũng đã xuống cấp, hạ tầng kỹ thuật lại chật hẹp, không đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ, đặc biệt là việc tổ chức các sự kiện lớn của tỉnh. Nhiều hoạt động biểu diễn ca nhạc quy mô lớn phải tổ chức tại nhà thi đấu thể dục - thể thao.

Theo ông Khổng Quốc Tuân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Hải Dương, việc tỉnh Hải Dương nói chung và thành phố Hải Dương nói riêng đang thiếu thiết chế văn hóa là thực tế ai cũng nhận thấy. Ông Tuân bày tỏ: “Lâu nay, người dân Hải Dương không được hưởng thụ những điều kiện tốt nhất về đời sống tinh thần vì một số thiết chế văn hóa có cũng như không. Nếu có thì cũng xây rất nhiều năm rồi và hiện nay đã lạc hậu, xuống cấp. Trong khi nhìn ra xung quanh, nhiều tỉnh bạn đơn cử như Tuyên Quang có những quảng trường rất lớn có thể tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa lớn thu hút du khách”.

Một số cán bộ, đảng viên đã nghỉ hưu của tỉnh Hải Dương tâm tư: Với một tỉnh có gần 2 triệu dân và thành phố Hải Dương hiện đang trong lộ trình tiến lên đô thị loại 1, việc có một thiết chế văn hóa đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của người dân là cần thiết.

Báo cáo của Tỉnh ủy Hải Dương gửi các cơ quan chức năng, đại diện lãnh đạo tỉnh khẳng định việc xây Trung tâm Văn hóa Xứ Đông nhằm đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng với yêu cầu trước mắt và lâu dài cho việc phục vụ các sự kiện, tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, hội họp quy mô cấp tỉnh, cấp quốc gia, đón tiến các đoàn khách trong nước và quốc tế. Đây cũng là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng nhân dân trong tỉnh. Việc này góp phần khắc phục những tiêu chí còn thiếu, yếu để tiến tới nâng cấp thành phố Hải Dương lên đô thị loại I trước năm 2020.

Điều chỉnh hình thức đầu tư

Chú thích ảnh
Dâng hương tưởng niệm các danh nhân tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn miếu Mao Điền, huyện Cẩm Giàng. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Trung tâm Văn hóa Xứ Đông là một hạng mục đã được xác định trong Quy hoạch chi tiết xây dựng “Khu hành chính tập trung tỉnh Hải Dương” được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt tại quyết định năm 2015. Căn cứ đề nghị của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc cho phép Hải Dương được áp dụng hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) không sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, sau đó, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo về việc tạm dừng đầu tư xây dựng trụ sở làm việc tập trung và các dự án theo hình thức BT, tỉnh Hải Dương đã nghiêm túc thực hiện.

Năm 2017, tỉnh Hải Dương đã được giao tự cân đối thu chi ngân sách và có tỷ lệ điều tiết về Trung ương. Xét tình hình thực tế của tỉnh, Hải Dương đã thống nhất chủ trương trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 chỉ đầu tư Trung tâm văn hóa mới và quảng trường với tên gọi là Trung tâm Văn hóa Xứ Đông mà không xây dựng Khu hành chính tập trung. Trung tâm Văn hóa Xứ Đông được xác định là công trình thiết chế văn hóa đa năng, phục vụ các hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo, biểu diễn nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng nhằm góp phần phát huy truyền thống văn hiến của tỉnh cũng như phát huy đầy đủ công năng của công trình.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Hải Dương, Dự án “Trung tâm Văn hóa Xứ Đông” đã được xếp vào danh mục chuẩn bị đầu tư trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh giai đoạn 2016 – 2020 và được HĐND tỉnh Hải Dương thông qua. Dự án phù hợp với quy hoạch chung  xây dựng thành phố Hải Dương, phù hợp với mục tiêu đầu tư kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016 – 2020, phù hợp với khả năng cân đối vốn của tỉnh.

Công trình được xây dựng trên diện tích đất khoảng 44.000m2 tại Khu đô thị mới phía Đông (Thành phố Hải Dương) có quy mô 4 tầng và 1 tầng hầm, 1 tầng áp mái và quảng trường có sức chứa khoảng 19.000 người. Tổng mức đầu tư công trình là 648,7 tỷ đồng. Kinh phí từ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất của dự án Khu đô thị sinh thái ven sông Thái Bình. Hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất của dự án khu đô thị này đã thực hiện xong, thu về ngân sách 805 tỷ đồng, đủ vốn để đầu tư công trình Trung tâm Văn hóa Xứ Đông.

Cần xây dựng, quản lý, khai thác hiệu quả

Việc có một trung tâm văn hóa xứng tầm để phục vụ đời sống tinh thần của người dân địa phương trong tỉnh là nguyện vọng của nhiều người Hải Dương. Là người con quê hương Hải Dương, từng vào sinh ra tử trong kháng chiến chống Mỹ, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Phạm Văn Chắt (phường Bình Hàn, thành phố Hải Dương) tâm tư: Tôi và những người có tuổi rất mong tỉnh có những cách làm hiệu quả để giữ gìn và phát huy được những giá trị truyền thống, những tinh hoa Xứ Đông; nếu Trung tâm Văn hóa Xứ Đông ra đời với mục tiêu đó, rất đúng với nguyện vọng của người dân. Tôi được biết, hiện nay tỉnh đã bố trí được địa điểm xây dựng, tôi hy vọng và mong cấp trên sẽ tạo điều kiện về cơ chế để tỉnh xây dựng Trung tâm này. Mong rằng sau khi xây dựng, Trung tâm văn hóa sẽ cùng với bảo tàng làm tốt hơn nữa việc góp phần giữ gìn cũng như giáo dục cho lớp trẻ phát huy những giá trị, nét đẹp của tỉnh.

Cũng chung quan điểm, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Hải Dương Khổng Quốc Tuân bày tỏ đồng tình, tin tưởng vào chủ trương xây Trung tâm Văn hóa Xứ Đông: Tôi cho rằng đây là cơ hội tốt để Hải Dương có một thiết chế về văn hóa đẹp, hiện đại, đáp ứng xu hướng, thị hiếu thưởng thức văn hóa nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân. Dự kiến đây sẽ là công trình đa năng nên còn phục vụ việc tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động cộng đồng quy mô lớn khác. Hơn nữa, nếu Trung tâm ra đời, sau này tỉnh có thể tự tin tổ chức và đăng cai nhiều sự kiện mang tính khu vực, thậm chí quốc gia trong tương lai gần, từ đó góp phần quảng bá, giới thiệu về du lịch, văn hóa, ẩm thực của Xứ Đông. Ở góc độ một người làm công tác xúc tiến du lịch, ông Tuân kỳ vọng bên cạnh bài toán về khai thác công năng công trình một cách tối ưu, Trung tâm sẽ thực sự là một công trình có kiến trúc đẹp, độc đáo, một điểm nhấn văn hóa ngay tại thành phố có sức hấp dẫn khách du lịch về với Hải Dương.

Tuy nhiên, trước thực trạng vừa qua tại một số địa phương vẫn còn tình trạng để lãng phí các công trình kinh phí lớn sau khi xây dựng, việc Hải Dương có phương án xây dựng Trung tâm văn hóa trên 600 tỷ đồng cũng khiến không ít người dân trong tỉnh băn khoăn về cách thức khai thác, sử dụng, quản lý công trình về sau.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, một số cán bộ đã nghỉ hưu cho rằng, Trung tâm Văn hóa Xứ Đông cần đáp ứng tiêu chí: có ý tưởng, thiết kế xứng tầm, dài hạn, không lạc hậu theo thời gian, đậm đà bản sắc văn hóa, xứng một tỉnh giàu truyền thống văn hiến như Hải Dương nhưng nên đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa tiên tiến, hiện đại.

Trong bối cảnh khó khăn về kinh tế và cần thỏa mãn nhu cầu thưởng thức văn hóa của nhân dân, có thể vận dụng nhiều nguồn lực khác nhau như ngân sách, xã hội hóa… để xây dựng Trung tâm. Điều quan trọng là khi xây dựng xong cần có một đội ngũ quản lý, vận hành tốt để có thể bảo quản, gìn giữ và phát huy một cách có hiệu quả các chức năng của công trình.

Về việc điều chỉnh hình thức đầu tư Trung tâm Văn hóa Xứ Đông tỉnh Hải Dương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ. Văn bản 7002/BKHĐT-KTĐPLT do Thứ trưởng Vũ Đại Thắng ký gửi Văn phòng Chính phủ có nêu rõ: “Dự án là công trình đa năng, không phải là công trình công sở hành chính tập trung và trụ sở làm việc của cơ quan quản lý nhà nước và được xây dựng trên một phần diện tích thuộc khu đất đã được quy hoạch để xây Khu hành chính tập trung tỉnh Hải Dương nên về nguyên tắc, việc chuyển đổi hình thức đầu tư phải được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương”.

Lãnh đạo Bộ cũng nêu, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, tiền thu sử dụng đất tại địa phương thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất là một khoản thu của ngân sách địa phương nên thuộc thẩm quyền địa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép UBND tỉnh Hải Dương được đầu tư Trung tâm Văn hóa Xứ Đông bằng nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu tỉnh Hải Dương chịu trách nhiệm toàn diện thực hiện đầu tư dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, đảm bảo quản lý nguồn vốn hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí. Hải Dương phải thực hiện bố trí vốn theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Theo đó, tiền thu sử dụng đất qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất được đưa vào cân đối ngân sách địa phương, không bố trí trực tiếp để đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa Xứ Đông.

Nhóm PV (TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phát huy nội lực người xứ Đông
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phát huy nội lực người xứ Đông

Sau một buổi sáng trực tiếp chia sẻ, giải đáp tâm tư, nguyện vọng của người nông dân trong cuộc đối thoại chưa từng có với hơn 500 đại diện của hơn 10 triệu hội viên Hội Nông dân Việt Nam, chiều 9/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Hải Dương – địa phương nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN