Hải Dương – Trấn Đông xưa có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trấn thứ nhất trong tứ trấn và là phên giậu phía Đông của kinh thành Thăng Long xưa. Hải Dương cũng là miền đất giàu di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh. Đến nay tỉnh còn giữ được hàng nghìn di tích có giá trị. Đây là tài sản vô giá, là cơ sở của sử học, là linh hồn và niềm tự hào của nhân dân địa phương. Trong số đó, nổi bật nhất là Di tích danh thắng Côn Sơn – địa danh gắn liền với cuộc đời nhiều danh nhân đất Việt mà tiêu biểu là Nguyễn Trãi. Nơi đây cũng là một trong những trung tâm Phật giáo của dòng thiền phái Trúc Lâm Đại Việt được Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập ở thế kỷ 13. Với mục tiêu đưa Côn Sơn phát huy vai trò tiêu điểm du lịch của địa phương, Hải Dương kiến nghị Thủ tướng và các bộ ngành quan tâm đầu tư, hỗ trợ xây dựng Côn Sơn để xứng tầm Khu di tích đặc biệt quốc gia. Tại buổi làm việc, cho ý kiến về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cơ bản đồng tình với kiến nghị của tỉnh và giao các bộ, ngành chức năng xem xét, xây dựng phương án phù hợp để xây dựng Côn Sơn trở thành điểm nhấn du lịch của tỉnh và cũng là nhằm duy trì, bảo tồn cơ sở văn hóa đặc biệt của quốc gia.
Về kinh tế xã hội, theo thống kê, đến hết năm 2017, Hải Dương có gần 60% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới, thuộc diện khá của cả nước, có 2 huyện được Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới. Năm 2017, toàn tỉnh đạt thu ngân sách 14.682 tỷ đồng, bằng 117% dự toán giao. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, tỉnh cũng còn nhiều vấn đề tồn tại, khó khăn cần có sự hỗ trợ của trung ương và các bộ, ngành để khắc phục.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến vai trò, vị thế và truyền thống của đất và người Hải Dương như “Ánh mặt trời phía Đông”, là vùng đất địa linh nhân kiệt, là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương.
Đánh giá tổng quan tiềm năng kinh tế, xã hội của Hải Dương, Thủ tướng cho rằng hạ tầng cơ bản của tỉnh là khá tốt so với các tỉnh, thành khác. Nhận xét kinh tế xã hội của Hải Dương phát triển khá toàn diện, năm sau cao hơn năm trước, Thủ tướng cho rằng, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực, tiến bộ, tăng nhanh về công nghiệp, dịch vụ; tăng trưởng xuất khẩu đạt tốt. Về các vấn đề xã hội, tỉnh cũng cơ bản hoàn thành việc cung cấp nước sạch cho người dân. Hải Dương còn là địa phương có thành tích khá về xây dựng nông thôn mới; duy trì tăng trưởng bao trùm; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục đào tạo đạt kết quả tương đối toàn diện.
Chỉ ra những hạn chế cần khắc phục của địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh còn dưới tiềm năng, quy mô nền kinh tế chưa tương xứng và nếu không có quyết tâm chính trị cao hơn thì tỉnh đang mất dần đi các lợi thế vốn có. Điều này được thể hiện thông qua các chỉ số của tỉnh như: Chỉ số năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh, nguồn nhân lực đang có xu hướng giảm trong bối cảnh nhiều địa phương khác trong vùng đang nỗ lực vươn lên với nhiều thành tựu mới. Không chỉ có vậy, doanh nghiệp địa phương còn nhỏ và yếu; tỷ lệ bình quân người dân và số lượng doanh nghiệp thấp hơn mức trung bình cả nước. Nguồn nhân lực chất lượng cao cũng còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng đươc nhu cầu phát triển. Ngoài ra, tỉnh cũng đang phải đối mặt với những vấn đề như ô nhiễm môi trường, vấn đề xã hội, nhất là ở khu vực nông thôn.
Chia sẻ một tầm nhìn phát triển cho Hải Dương, Thủ tướng mong muốn Hải Dương cần có ước mơ, quyết tâm chính trị cao hơn, khát vọng mạnh mẽ hơn trong phát triển; phải “phát huy nội lực người xứ Đông”, Thủ tướng nói và bày tỏ mong muốn trong thập kỷ đến, Hải Dương nỗ lực phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp của Bắc Bộ và của cả nước; trở thành một địa phương năng động, phát triển toàn diện thuộc nhóm đầu của Việt Nam và nghiên cứu xây dựng quy hoạch định hướng thành phố Hải Dương trở thành thành phố thuộc Trung ương, kết nối Hà Nội với Hải Phòng.
Mối liên kết này không chỉ về không gian địa lý mà cần tham gia và phát huy chuỗi giá trị là thế mạnh của địa phương, Thủ tướng nói và đề nghị tỉnh lưu ý trong hoạch định chiến lược phát triển.
Để đạt các mục tiêu trên, Thủ tướng đề nghị Hải Dương tái cơ cấu lại các cụm, khu công nghiệp; đánh giá hiệu quả thực chất của khu công nghiệp, các trường đại học và hệ thống giáo dục dạy nghề. Cùng với đó là tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát huy thế mạnh của địa phương; tái cơ cấu nông nghiệp bằng việc rà soát, quy hoạch lại; tái cơ cấu đầu tư công theo hướng lựa chọn các công trình, dự án ưu tiên đầu tư và đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển hạ tầng cơ sở.
Thủ tướng chỉ đạo Hải Dương chú trọng xây dựng, hoàn thiện đội ngũ, bộ máy cán bộ để xây dựng một chính quyền kiến tạo, phát triển. Hải Dương cần phấn đấu nằm trong tốp 20 địa phương có chỉ số tốt nhất về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh. Đặc biệt, cần tập trung tăng gấp đôi số doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất, Thủ tướng đặt chỉ tiêu.
Thủ tướng cho rằng, muốn trở thành trung tâm công nghiệp của cả nước thì Hải Dương cần phải thu hút được những doanh nghiệp lớn ở trong nước và thế giới đến đầu tư và coi trọng hơn nữa nhiệm vụ tái cơ cấu sản xuất công nghiệp trong thời gian tới.
Song song với đó, Hải Dương cần đảm bảo quy hoạch có tầm nhìn xa, tối ưu hóa các lĩnh vực phát triển đảm bảo khắc phục tình trạng mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Tỉnh phải đẩy mạnh đô thị hóa, coi đây là động lực quan trọng để tăng trưởng kinh tế. Thủ tướng cũng gợi ý tỉnh tăng cường kết nối hệ thống giao thông đa phương thức, dịch vụ logistic và nhất là giao thông thủy – một lợi thế của địa phương.
Nhấn mạnh đến việc đổi mới, thu hút nguồn lực phát triển du lịch – một tiềm năng lớn của tỉnh, Thủ tướng đề nghị Hải Dương cần phấn đấu tham gia vào các chuỗi du lịch thường xuyên, ổn định với mạng lưới các tour quốc gia, quốc tế; tạo động lực để phát triển các ngành nghề dịch vụ.
Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh chú ý gia cường nền tảng xã hội, không để phát sinh các vấn đề phức tạp, giải quyết tốt các mâu thuẫn xã hội và quan tâm nhiều hơn nữa đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Với những mong muốn đó, Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương duy trì, phát huy tinh thần đoàn kết gương mẫu đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ; nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi của các chỉ tiêu kinh tế xã hội đã đề ra.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thăm cơ sở sơ chế, đóng gói bảo quản rau củ quả của nông dân giỏi Tăng Xuân Trường, một mô hình sản xuất kinh doanh tiêu biểu của tỉnh Hải Dương. Thủ tướng cũng đã tới thăm hỏi, tặng quà động viên gia đình ông Trần Văn Hanh (61 tuổi, xã Gia Tân, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) – thương binh hạng ¼, tỷ lệ thương tật 81%.