“Viễn ca” - Nơi nhà thơ lãng tử chất vấn nỗi buồn

“Viễn ca” (NXB Văn học xuất bản tháng 8/2024) là tập thơ thứ 3 của nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh vừa được ra mắt vào ngày 28/8/2024 tại Hà Nội, với 39 bài thơ được anh viết gần đây, như là cuộc đối thoại của chính người cầm bút để chất vấn nỗi buồn.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh chia sẻ với các sinh viên tại buổi ra mắt tập thơ Viễn Ca.

Nguyễn Tiến Thanh thường được bạn bè gọi là nhà thơ lãng tử bởi thuở sinh viên, trong phong trào Thơ sinh viên của Đại học Tổng hợp Hà Nội, không thể không nhắc đến chàng lãng tử Nguyễn Tiến Thanh. Những thăng hoa của thơ ca và cảm xúc ngất ngây bùng nổ trong những đêm thơ nồng nàn “Đêm cư xá nhớ về đêm cư xá”. Và thơ anh đã được chép trong nhiều cuốn sổ tay sinh viên, có người còn giữ đến tận bây giờ.

Trong mắt những người yêu thơ anh, Nguyễn Tiến Thanh vốn là người không có xu hướng cách tân hay cầu kì ngôn ngữ trong thơ. Với anh, thơ phải là khúc ca của cảm xúc và dù thi sĩ có làm gì, tìm tòi ra sao, thì cuối cùng vẫn chỉ để bật lên những cảm xúc chân thành, đắm đuối nhất mà thôi.

Sau thành công của hai tập thơ được xuất bản cùng lúc (năm 2021) là “Loạn bút hành” và “Chiều không tên như vết mực giữa đời”, phải mất thêm 3 năm, nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh mới tiếp tục ra mắt công chúng tập thơ thứ ba trong sự nghiệp của mình. Lúc này, anh cũng vừa tạm biệt hơn 30 năm làm báo để chuyển sang làm Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Vì thế, có lẽ tập thơ khởi đầu thời kì xuất bản mang một giá trị đặc biệt với tác giả và độc giả yêu thơ anh.

Chú thích ảnh
Bìa tập thơ “Viễn ca” của tác giả Nguyễn Tiến Thanh

Giọng điệu chủ đạo trong thơ anh là buồn, khi nhà thơ khao khát “Phục sinh ánh sáng trên ngơ ngác buồn”. Câu thơ chớp được cái thần của thi sĩ Nguyễn Tiến Thanh. Đến với “Viễn ca”, Nguyễn Tiến Thanh vẫn mang đến nơi náu trú của cảm xúc cùng những sự vật, sự việc, tâm trạng đời thường mang tính chất cá nhân hóa với tất thảy những gì thuộc về phạm trù xa xôi, ảo diệu.

“Nếu hồ hôm đó như anh đã/ Đắm một ưu thuyền ngơ ngác tim/ Đương nhiên sóng vỗ miền phiêu dạt/ Tím cả tà dương lẫn lục bình” (Tháng 6).

Anh day dứt những cảm xúc tình yêu cháy bỏng thời thanh xuân thổn thức: “Có một buổi em đi lang thang phố/ Muốn kê mông ngồi phệt vỉa hè/ Nhưng rồi sợ bỏng từng phiến đá/ Chỗ em ngồi - cháy lửa tuổi đôi mươi/ Này quán cóc, cho một ly trà đá/ Uống ngay đi kẻo tan mất hương trời" (Thành phố chiêm bao).

Với những gì tận mắt chứng kiến, Nguyễn Tiến Thanh cũng thể hiện trái tim đầy đa cảm, tiếc mỏng mảnh phận người như phận hoa là nỗi thương vay nghệ sĩ.

“Hoa đào bừng nở ven đê/ Môi hồng thắp lửa, nẻo về chợ trưa/ Gánh tình ra đợi người mua/ Hẹn thề cũng bán mà chưa người cần/ Còn đâu chim sáo tang tình” (Chợ tình).

Trong “Viễn ca”, anh cũng dành những lời thơ về quê hương, đất nước. Tuy viết về mảng đề tài này không nhiều, nhưng anh đã đưa vào đó hơi thơ trữ tình đầy trách nhiệm công dân.

“Ở phương ấy, đất liền là quê mẹ/ Những đàn chim di trú đón xuân về/ Nhớ đôi mắt, nhớ nụ cười, nhớ thế/ Một loài cây tên gọi phong ba…” (Đảo).

“Bởi miền trung điệp trùng câu hát/ Bóng dân ca phủ kín những con đường/ Điệu ví dặm che cánh đồng khô khát/ Biển ngóng chân trời, ai thương nhớ miền Trung?” (Miền Trung).

Chú thích ảnh
Một bài thơ của tác giả Nguyễn Tiến Thanh được phổ nhạc được trình diễn tại buổi ra mắt tập thơ.

Nhưng ấn tượng nhất trong tập thơ thứ ba của nhà thơ phải kể đến bộ đôi “Dạ ca” và “Viễn ca”. “Dạ ca” là nỗi day dứt của cảm xúc ở một “đêm đông lạ”, khi thi nhân thấu hiểu nhân thế cuộc đời tới nỗi chẳng thể nài xin chút mộng mơ: “Đêm chợt giống một khu vườn khô khát/ Uống trăng suông trong run rẩy mưa phùn/ Ta bỗng hiểu cách lụi tàn của cỏ/ Nên chẳng hề mơ mộng cánh sen khô/ Niềm vui gục trên tận cùng bóng tối/ Mây trắng bay- dù đêm vẫn không màu”.

Nếu “Dạ ca” khép lại nhưng vẫn dư vang, thì đến “Viễn ca”, tinh thần của tập thơ được bộc lộ đủ đầy ý nghĩa. Nỗi buồn ngập kín tâm hồn người thi sĩ cứ như chờ chực vỡ ra sau những dòng độc thoại.

“Ta đi rời rã cánh đồng/ Lúa chưa thiếu phụ đã đòng đòng thơ/ Xin dừng chân trước chiều hôm/ Thắp hoàng hôn suốt một cơn say dài/ Ta đi tái nhợt chân trời/ Đường chưa thăm thẳm đã vời vợi mây/ - Xin dừng chân trước mai ngày/ Viễn ca một khúc mà đày đọa nhau…” (Viễn ca).

Trong thơ, Nguyễn Tiến Thanh tự nhận mình là kẻ bồng bột đầy mong manh, nhưng lại mang tinh thần hiệp sĩ: “Ta vốn chẳng thèm kiêng gió cát/ Đầu trần đi giữa nắng nhân gian”. Có lẽ những bồng bột của một thời đầy đam mê xưa cũ nay qua quãng thời gian mấy chục năm, vẫn còn lưu ảnh đến những dòng thơ “Viễn ca” này.

Bài, ảnh: Lê Sơn/Báo Tin tức
Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh ra mắt tập thơ 'Viễn ca'
Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh ra mắt tập thơ 'Viễn ca'

Ngày 28/8 tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ, Hà Nội, Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Ban Văn học nghệ thuật VOV6 tổ chức ra mắt tập thơ “Viễn ca” của nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh, nguyên Tổng Biên tập tạp chí Đời sống và Pháp luật, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN