Văn hóa soi đường: Nhà nhà hát quan họ ở Mão Điền (Bắc Ninh)

Không thuộc 49 làng quan họ cổ theo danh sách ban đầu cũng như trong danh sách mở rộng (gồm 67 làng, trong đó tỉnh Bắc Ninh có 44 làng và tỉnh Bắc Giang có 23 làng) nhưng ngày nay xã Mão Điền (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) đã đạt đến tầm “nhà nhà hát quan họ”.

Chú thích ảnh
Câu lạc bộ biểu diễn tại lễ khen thưởng học sinh xuất sắc. Ảnh: Xuân Trường/TTXVN phát

Sát Tết Nhâm Dần 2022, Câu lạc bộ Quan họ Tâm tình Làng Đại học chốt danh sách suýt soát 1.300 hội viên. Rất nhiều hội viên không phải là người Mão Điền, thậm chí không cư trú tại huyện Thuận Thành hay tỉnh Bắc Ninh – họ cảm mến tình người và đất nơi đây mà đăng ký sinh hoạt văn nghệ theo hình thức trực tuyến.

Đội văn nghệ xã Mão Điền hoạt động từ rất lâu và đã gặt hái nhiều thành tích, trong đó có việc bảo tồn quan họ, như giải Nhì Liên hoan Văn hóa văn nghệ các làng văn hóa, khu phố văn hóa tỉnh Bắc Ninh năm 2009, giải Ba Hội diễn Văn nghệ người cao tuổi huyện Thuận Thành năm 2007... và nhiều giải thưởng khác.

Trong 3 năm trở lại đây đội văn nghệ đã có sự đổi mới từ hình thức đến tiêu chí và phương thức hoạt động. Bắt đầu là từ tên gọi. Mặc dù một số hội viên có thể hát chèo, cải lương, ca trù, xẩm… nhưng tiêu chí chính của đội văn nghệ xã là bảo tồn vốn quý quan họ của vùng Kinh Bắc xưa (nay là tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang) nên đội mang tên là Câu lạc bộ Quan họ. Còn tại sao lại có danh xưng “Làng Đại học”? Ấy là vì người dân Mão Điền rất đề cao việc học hành, tri thức, do đó trong nhiều năm qua tỷ lệ học sinh của xã đậu đại học thuộc loại nhất, nhì ở huyện qua các kỳ thi và được báo chí phong tặng ba chữ “Làng Đại học”. Có thêm hai chữ “tâm tình” là vì “Người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình, người Bắc Ninh vốn trọng giao duyên”.

Bà Nguyễn Ngọc Bảy đã giải thích như vậy với các phóng viên TTXVN trong một lần gặp gỡ, giao lưu. Vốn là giáo viên dạy nhạc, từng là “bà đỡ” của đội văn nghệ xã và nay là cố vấn của câu lạc bộ, bà Bảy vẫn tràn đầy nhiệt huyết với phong trào văn nghệ của địa phương. Ở tuổi gần 70, giọng hát không còn tròn đầy, đôi tay đã bớt đi sự mềm mại, nhưng “bà cố vấn” không ngừng nghĩ về việc đặt lời ca mới cho các làn điệu quan họ cổ để tuyên truyền về nếp sống văn minh, uốn nắn các em thiếu nhi hát sao cho tròn vành, múa sao cho khéo…

Đồng tâm hiệp lực với bà Bảy là ông Nguyễn Đăng Khoa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Quan họ Tâm tình Làng Đại học, cùng 38 ủy viên Ban Quản trị và hơn 100 hội viên cốt cán.

Ông Nguyễn Đăng Khoa cho biết: Năm 2019, chúng tôi đã dùng mạng xã hội Facebook để kêu gọi tất cả những người yêu ca hát tham gia câu lạc bộ quan họ với quy mô cấp xã và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình. UBND xã đồng ý với chủ trương sáp nhập 8 câu lạc bộ quan họ thôn vào đội văn nghệ xã để cho ra đời Câu lạc bộ Quan họ Tâm tình Làng Đại học. Câu lạc bộ tích cực tham gia các sự kiện lớn của huyện, xã, biểu diễn trong các lễ hội ở địa phương mà không đòi hỏi thù lao. Các hoạt động chính của câu lạc bộ được phát trực tiếp trên trang Facebook của câu lạc bộ nên thu hút sự quan tâm rộng rãi của người dân. Đến nay thì đúng là ở xã Mão Điền người người đều yêu và biết hát quan họ. Cao tuổi nhất là các cụ ở tuổi 80 và ít tuổi nhất là các cháu mẫu giáo.

Ở Mão Điền không hiếm những gia đình có 3 thế hệ cùng tham gia câu lạc bộ quan họ. Cá biệt, gia đình Chủ nhiệm Nguyễn Đăng Khoa có tới 4 thế hệ là hội viên Câu lạc bộ Quan họ Tâm tình Làng Đại học. Mở đầu là cụ Nguyễn Đăng Ứng, nguyên là nhạc công của Đoàn Chèo Hà Bắc (tên cũ của tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh). Tiếp theo là vợ chồng ông Khoa và bà Phan Thị Mưu. Rồi các con trai và cháu nội của ông Khoa cũng tham gia tích cực các hoạt động của câu lạc bộ.

Chủ nhiệm Nguyễn Đăng Khoa được coi là “con dao pha” của câu lạc bộ. Ông là người tập hợp, hô hào, giữ vai trò quản lý, là người phối nhạc, chơi được nhiều loại nhạc cụ, lại vừa là ngời dẫn chương trình (MC), ca sỹ với giọng hát trầm ầm, diễn cảm. Bên cạnh ông là các giọng ca đã được thừa nhận ở địa phương như các chị Hai Thúy Thình, Thu Hiền, Phương Doan, Vũ Mười, Hồng Lân…, cùng các anh Hai Văn Xuôi, Vũ Luyện, Công Quyển, Mậu Tùng, Ngọc Viễn…

Câu lạc bộ Quan họ Tâm tình Làng Đại học tuy mới ra đời nhưng rất được người dân Mão Điền yêu quý, có nhiều đóng góp cho phong trào văn hóa, xây dựng nếp sống mới ở địa phương và đã bước đầu gây được tiếng vang ở huyện Thuận Thành. Ông Nguyễn Tiến Bền, Phó Chủ tịch UBND xã Mão Điền, nhận xét: “Hoạt động của Câu lạc bộ Quan họ Tâm tình Làng Đại học trong ba năm qua đã thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở địa phương, thu hút đông đảo các tầng lớp tham gia. Điều này góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, thực hiện hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở cơ sở”.

Những người thành lập câu lạc bộ không khỏi tự hào khi nhớ lại ngày đầu khó khăn trong điều kiện cơ sở vật chất không có gì ngoài mấy nhạc cụ dân tộc và trang phục biểu diễn cũ kỹ, thiếu địa điểm sinh hoạt ổn định, chủ yếu mượn nhà văn hóa các thôn làm nơi tập luyện. Sau đó, câu lạc bộ măn mắn được chùa Khánh Lâm cho mượn một gian nhà làm nơi sinh hoạt cố định.

Chú thích ảnh
Các anh Hai, chị Hai nhỏ tuổi của Câu lạc bộ. Ảnh: Xuân Trường/TTXVN phát

Với tình yêu quan họ sâu sắc, các hội viên không những phải khéo chăm lo gia đình, đồng áng để dành thời gian cho câu lạc bộ, chẳng đòi hỏi sự bù đắp về vật chất từ chính quyền địa phương, mà còn đóng góp kinh phí cho việc tập luyện và biểu diễn. Để có chi phí duy trì hoạt động của câu lạc bộ, các hội viên đóng góp 500.000 đồng mỗi năm, gia đình nào có điều kiện về kinh tế thì tự nguyện đóng góp thêm. Có những người yêu văn nghệ đã ủng hộ hàng chục triệu đồng để trang bị màn hình ti vi cỡ lớn, loa đài, trang phục biểu diễn cho câu lạc bộ như ông Nguyễn Xuân Thăng, ông Nguyễn Đăng Quân, ông Vũ Đăng Kiên… Nghệ nhân Quan họ Quý Thăng và những người am hiểu về quan họ, nhạc lý và có kinh nghiệm về hoạt động văn nghệ quần chúng đã bỏ nhiều công sức, thời gian cho câu lạc bộ khi hằng tuần đến truyền dạy, chỉ bảo và dàn dựng chương trình cho các hội viên.

Mão Điền vốn là vùng đất cổ thuần nông ở xa con sông Cầu “nước chảy lơ thơ. Xã Mão Điền gồm 2 làng chính là Thụy Mão và Mão Điền (làng Chằm) với các xóm có tên gọi rất nôm na như Bàng, Cả, Ngòi, Mận, Công, Hồ, Đình, Tủng, Hậu, Táo, Lũy, Ba Trong, Ba Giữa, Ba Ngoài, Nội. Trước đây người dân huyện Thuận Thành không có truyền thống “chơi quan họ”, ít người biết hát quan họ, khác hẳn với tập quán sinh hoạt văn hóa ở các huyện Yên Phong, Tiên Du và các thành phố Từ Sơn, Bắc Ninh.

Ngày nay, xã Mão Điền là một minh chứng sống động cho sự thành công của “Chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy di sản Dân ca Quan họ” do UBND tỉnh Bắc Ninh đề ra từ năm 2009.

Ngày 30 tháng 9 năm 2009, tại kỳ họp lần thứ tư của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (từ ngày 28 tháng 9 tới ngày 2 tháng 10 năm 2009), dân ca quan họ đã được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sau nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và cùng đợt với ca trù.

Xuân Trường (TTXVN)
Xẩm, chèo, cải lương, quan họ vào cuộc 'tiêu diệt Corona'
Xẩm, chèo, cải lương, quan họ vào cuộc 'tiêu diệt Corona'

Cùng với âm nhạc hiện đại, các nghệ sỹ trong làng nghệ thuật truyền thống như xẩm, chèo, cải lương, quan họ cũng bước cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 cùng với cộng đồng cả nước.  

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN