Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, nhà chức trách quận Phra Nakhon, nơi có phố Tây nổi tiếng này, đã cho phép các quán bia và nhà hàng trên Đường Khao San bật nhạc và dành không gian mặt tiền để mọi người có thể té nước và nhảy múa. Lực lượng chức năng được bố trí ở hai đầu đường để đảm bảo an toàn cho những người dự lễ hội và điều tiết giao thông tại khu vực.
Một số hành động hoặc hành vi không được phép khi tham gia lễ hội Songkran ở đây bao gồm sở hữu vũ khí, buôn rượu lậu, ăn mặc quá hở hang hay sử dụng súng phun nước áp suất cao. Bất chấp thời tiết nóng bức, càng về trưa, lượng người đổ đến Khao San càng đông, mang theo đủ các loại súng phun nước nhựa để hoà mình vào màn té nước đặc trưng của Tết Songkran.
Có mặt trong dòng người dự lễ hội Songkran trên phố Tây Khao San, ông bà Shlomi và Marina Alus đến từ Israel cho biết gia đình họ đã du lịch khắp Thái Lan một tháng qua và dành ngày cuối cùng trước khi rời đất nước này cho lễ hội Songkran. Ông Shlomi chia sẻ: “Không khí ở đây rất vui, rất hạnh phúc. Người dân rất thân thiện và đồ ăn thì tuyệt vời. Chúc mừng Năm mới Songkran”.
Trong khi đó, anh Rocas Diedonis đến từ Litva, cho biết đây là lần đầu tiên du lịch Thái Lan và thấy văn hoá ở đây thật sự khác biệt và thú vị. Du khách này nói: “Mọi người đều mang súng phun nước và xịt nước vào nhau để làm mát người giữa thời tiết nóng bức, ai cũng cười rất vui vẻ”.
Dự kiến trong các ngày lễ hội từ ngày 13 - 16/4, khoảng 30.000 - 40.000 du khách Thái Lan và nước ngoài sẽ đổ đến đường Khao San mỗi ngày với mức chi tiêu trung bình 1.000 baht mỗi người, tương đương 30 - 40 triệu baht/ngày (880.000 USD). Lượng đặt phòng khách sạn trên đường Khao San và các khu vực lân cận đã đạt 70% công suất.
Lễ hội Songkran đầu tiên được tổ chức quy mô lớn trên phố Tây Khao Sản vào năm 1992 đã thu hút một lượng lớn khách quốc tế. Kể từ đó, sự kiện này nổi tiếng khắp thế giới. Hiện tại nhiều thành phố khác ở Thái Lan cũng học theo thành công của mô hình này nhằm thúc đẩy quảng bá du lịch.