Chương trình do Trung tâm hỗ trợ Thanh niên Công nhân TP Hồ Chí Minh tổ chức, không chỉ mang ý nghĩa xã hội, tính nhân văn, tinh thần tương thân tương ái, tạo cầu nối tiếp thêm động lực, niềm tin xây dựng ước mơ hạnh phúc của nhiều thanh niên, công nhân, người lao động nghèo đang sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh.
Hân hoan trong trang phục lễ cưới truyền thống, các cặp đôi không khỏi bồi hồi, xúc động bởi hôn lễ có sự chứng kiến của lãnh đạo Thành phố, họ hàng hai bên, bạn bè, người thân cùng nhiều đồng nghiệp. Dù hoàn cảnh, việc làm khác nhau, song họ đều có chung niềm hạnh phúc, chung lễ cưới trong một ngày trọng đại đáng nhớ - Ngày Tết độc lập - Quốc khánh 2/9. Ngay dưới chân tượng đài Bác Hồ, họ nguyện đùm bọc, yêu thương, chia sẻ ngọt bùi, nắm tay nhau đi chung con đường, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.
Hòa chung miền vui, hạnh phúc của 100 cặp đôi, vợ chồng anh Hoàng Văn Nẵng và chị Vũ Thị Tình, (trọ tại phường Tân Thuận Đông, quận 7) không giấu được niềm vui, xúc động khi có được lễ cưới trọn tình, trọn nghĩa. Chị Vũ Thị Tình cho biết, khi được chủ nhà trọ giới thiệu đăng ký tham gia lễ cưới tập thể sẽ được chụp ảnh cưới, đeo nhẫn, cắt bánh, rót rượu cùng các nghi thức lễ cưới truyền thống được tổ chức trang trọng… hai vợ chồng rất mừng nhưng cũng rất lo. “Người làm nghề xây dựng, người bán hàng rong; cuộc sống cơm áo gạo tiền hàng ngày khó khăn, vất vả nên không dám nghĩ đến lễ cưới. Hai vợ chồng đăng ký kết hôn, đến nay đã có 3 con mà chưa một lần tổ chức lễ cưới; thậm chí một tấm ảnh cưới cũng chưa có...”, chị Vũ Thị Tình chia sẻ.
Còn với vợ chồng chị Nguyễn Thị Lành cùng là giáo viên sau 7 năm sống chung một mái nhà thì hôm nay là ngày vui lớn, ngày hạnh phúc nhất khi chính thức được đeo nhẫn cưới, khoác áo cô dâu. Gia đình hai bên trước đây khó khăn, thiếu thốn nên chỉ làm lễ dạm hỏi nhỏ để bày tỏ tình thân thương trước khi về sống chung với nhau. Năm 2021, cả hai vợ chồng đều tất bật với các hoạt động chống dịch, hỗ trợ người dân đi chợ, mang thực phẩm đến cho người dân khó khăn, trong khu cách ly, vùng dịch... Tuy nhiều vất vả, hiểm nguy nhưng với vợ chồng chị Nguyễn Thị Lành đây là niềm vui, hạnh phúc bởi họ được san sẻ cùng mọi người trong lúc khó khăn. Trong ngày trọng đại, cảm xúc hồi hộp xen lẫn hạnh phúc, chị Nguyễn Thị Lành bày tỏ: “May mắn đến giờ này sức khỏe cả nhà đều ổn và đang tất bật cho lễ cưới. Có lẽ, vui nhất là đứa con gái của mình được chứng kiến ba mẹ trong ngày trọng đại cuộc đời”.
Cùng hoàn cảnh, vợ chồng chị A Lăng Thị Béch, anh Đào Nguyễn Minh Quân (trọ tại quận 3) chung sống cùng nhau hơn 10 năm và có một cô con gái nhưng ước mơ được mặc áo cô dâu, chú rể nay mới thành hiện thực. Cuộc sống với bộn bề lo toan, vất vả, đâu phải ai cũng có cơ hội tổ chức lễ cưới trọn vẹn như ước mơ. Có lẽ vì vậy mà ngay trong ngày cưới cả hai vợ chồng vẫn còn “ngẩn ngơ” chưa tin đó là sự thật.
Không kiềm được xúc động, vợ chồng anh Võ Hồng Mến và chị Lê Thị Niên (trọ gần Quốc lộ 13, thành phố Thủ Đức) chia sẻ: “Vợ chồng mình rất vui và hạnh phúc khi được tham gia lễ cưới tập thể này. Chương trình không chỉ có ý nghĩa, thiết thực mà cần được tiếp tục phát huy, duy trì thường xuyên để giúp các cặp vợ chồng công nhân nghèo có được hôn lễ truyền thống như mong đợi”, anh Mến chia sẻ.
Có mặt tại lễ cưới, lãnh đạo Thành phố cùng họ hàng, người thân cùng chúc phúc cho các cặp đôi; dự tiệc cưới và chứng kiến nghi thức trao nhẫn cưới, giấy đăng ký kết hôn theo truyền thống của lễ cưới Việt Nam. Các cô dâu, chú rể tham gia lễ cưới tập thể cũng được trao tặng nhiều vật phẩm cưới, đồ dùng gia đình phục vụ cuộc sống, phiếu mua hàng, chăm sóc sức khỏe, bàn tiệc cưới và cả “Căn phòng mơ ước” (miễn phí một năm tiền trọ) cho cặp đôi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Theo ông Lê Thanh Vũ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP Hồ Chí Minh, điểm mới của chương trình lễ cưới năm nay là các cặp đôi tham gia diễu hành bằng xe buýt 2 tầng, qua các tuyến đường Nam Kỷ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi - Hoàng Văn Thụ - Cộng Hòa - Trường Chinh - Phạm Văn Bạch - Tân Sơn… trước khi đến Trung tâm Hội nghị tiệc cưới tại Tân Sơn, quận Gò Vấp có cổng cưới bằng trái cây lớn nhất Việt Nam với biểu tượng rồng phụng cao 5m, chiều ngang 14m.
"Lễ cưới tập thể là hoạt động truyền thống của thanh niên công nhân Thành phố; tôn vinh nét đẹp của đám cưới Việt. Chương trình còn khuyến khích công nhân tổ chức lễ cưới tiết kiệm, đầm ấm; tiếp sức cho các cặp đôi công nhân có hoàn cảnh khó khăn được nên duyên với lễ cưới đủ đầy. Qua 13 năm tổ chức chương trình lễ cưới tập thể, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP Hồ Chí Minh đã chăm lo, hỗ trợ lễ cưới cho 922 cặp đôi thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn và tình nguyện viên tham gia công tác chống dịch COVID-19.