Tại Công viên Thống Nhất có 17 bức tượng, là sản phẩm tốt nghiệp của sinh viên Đại học Mỹ Thuật từ năm 1960. Hàng năm, Công viên đều vệ sinh các bức tượng này bằng việc quét vôi, sơn màu trắng hoặc màu xi măng để bảo vệ lớp bề mặt.
Tuy nhiên, năm nay, để thay đổi diện mạo của công viên sau thời gian đóng cửa do dịch COVID-19, những bức tượng đã được tô điểm nhiều màu sặc sỡ khiến người dân thường xuyên qua lại công viên không khỏi giật mình. Cả giới mỹ thuật cũng ngỡ ngàng, nhiều người tỏ ra tiếc nuối bởi những bức tượng mang dấu ấn thời gian 60 năm tuổi đã mất đi vẻ đẹp thuần tuý.
Theo Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: “Màu sắc xanh, đỏ không phải câu chuyện của tượng điêu khắc ngoài trời. Ngay áo khoác của tượng cũng chính là da thịt của chúng, tức là sắc trắng. Cơ quan có trách nhiệm, đặc biệt là Công viên Thống Nhất đừng lo ngại việc xin ý kiến tư vấn, không khó một lời mách bảo tư vấn của giới mỹ thuật. Chúng tôi luôn sãn sàng hỗ trợ, đừng nên để xảy ra những điều không đáng có như này”.
Họa sĩ Tô Chiêm chia sẻ: “Việc sơn lại các bức tượng điêu khắc với màu sắc sặc sỡ mà không am hiểu ý nghĩa sẽ gây ra những phản cảm không đáng có. Một bức tượng có gương mặt trắng lại tô son đỏ chót, giống như một người trát phấn dày nhiều quá đối nghịch với đôi môi đỏ nhìn rất phản cảm”.
Trước phản ứng của dư luận, Ban lãnh đạo công viên Thống Nhất đã cho sơn sửa, trả lại nguyên trạng cho các bức tượng.
Ghi nhận của phóng viên báo Tin tức:
Ông Cao Xuân Lâm, Phó Giám đốc Công viên Thống Nhất, chia sẻ: “Anh em làm công tác vệ sinh và sơn sửa tượng không hiểu nhiều về mỹ thuật. Họ thấy những bức tượng, có cả tượng trẻ em nên cũng muốn nó trở nên sinh động và họ chọn sơn thêm những màu sơn cơ bản, ví dụ như quần sơn màu thẫm, áo thì sơn đỏ, sơn xanh. Những người trong giới mỹ thuật đã có ý kiến về sự bất hợp lý đó, lãnh đạo công viên đã tiếp thu, đồng thời chỉ đạo anh em triển khai sơn trả lại nguyên trạng cho các bức tượng”.