Sáng ngày 15/10, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực văn hoá - thể thao năm 2025, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh về những nỗ lực của TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Mãi, những chính sách của Thành phố trong thu hút đầu tư vào công nghiệp văn hóa vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, chưa tổ chức được các sự kiện lớn mang tầm quốc tế. Vì vậy, hội nghị xúc tiến đầu tư là cơ hội để Thành phố giới thiệu những điểm nhấn văn hóa, xã hội và các đề án phát triển công nghiệp văn hóa.
Theo ông Phan Văn Mãi, TP Hồ Chí Minh đã và đang ưu tiên huy động các nguồn lực xã hội trong và ngoài nước vào phát triển ngành công nghiệp văn hóa, định hướng trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của TP.
TP Hồ Chí Minh cũng đặt kỳ vọng đến năm 2030 có được cơ sở vật chất đủ sức để trở thành trung tâm sự kiện tầm châu lục và khu vực; có những thiết chế về văn hóa, thể thao hiện đại, sẵn sàng cho các sự kiện lớn vươn tầm quốc tế.
Vừa qua, TP Hồ Chí Minh được Trung ương quan tâm, có những cơ chế đặc biệt hơn so với mặt bằng chung với cả nước. Cụ thể, Quốc hội ban hành Nghị quyết 98 dành riêng cho Thành phố, với những cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư trên lĩnh vực văn hóa – xã hội, vận dụng những cơ chế chính sách này.
"Thông qua hội nghị, Thành phố muốn xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp văn hóa, nhằm giúp hoàn thiện hơn cơ chế chính sách, chiến lược phát triển văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng. TP Hồ Chí Minh cam kết sẽ đồng hành cùng nhà đầu tư và sẽ tạo những điều kiện về môi trường kinh doanh, cơ chế chính sách cho nhà đầu tư tham gia", ông Phan Văn Mãi nói.
Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết, có khoảng 40 dự án trong lĩnh vực này đang kêu gọi đầu tư, trong đó có 23 dự án được HĐND TP Hồ Chí Minh thông qua danh mục đầu tư. Cụ thể, có 5 dự án có tính khả thi cao sẽ ưu tiên thực hiện trước, 18 dự án còn lại Thành phố mời gọi nhà đầu tư quan tâm, cùng nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư hiệu quả. Một số dự án trọng điểm, quy mô lớn được TP Hồ Chí Minh quan tâm thu hút đầu tư gồm: Khu Liên hợp Trung tâm Thể thao quốc gia Rạch Chiếc, Khu Trường đua Phú Thọ… Các dự án này được kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng mới của TP Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch cho biết, để TP Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy tốt vai trò tiên phong trong liên kết, phát triển văn hóa và thể thao, TP Hồ Chí Minh cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương liên quan để thực hiện tốt một số công việc trọng tâm gồm: Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển, tăng cường giao lưu, ngoại giao văn hóa, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa để nâng cao năng lực cạnh tranh, vị thế của đất nước và thành phố trên trường quốc tế; phát huy mọi nguồn lực để phát triển văn hóa thể thao; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả công nghiệp văn hóa, kinh tế thể thao.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Thành phố cần quan tâm, đồng hành, hỗ trợ và giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp. Nghiên cứu, xây dựng và có chính sách mới, đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi để ngành văn hóa và thể thao bứt phá đi lên; quan tâm thành lập Trung tâm phát triển công nghiệp văn hóa TP Hồ Chí Minh để làm đầu mối thực hiện chức năng hỗ trợ, kết nối, quy tụ nguồn lực, phát huy giá trị sáng tạo, mở rộng thị trường, dịch vụ văn hóa; hoàn thiện hồ sơ gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO trên lĩnh vực điện ảnh; xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của khu vực Đông Nam Á; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa và thể thao; hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa và thể thao từ thành phố đến cơ sở; trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình văn hóa thể thao có ý nghĩa chiến lược, mang tính liên vùng, xứng tầm quốc tế...
Dịp này, ngoài việc mời gọi đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa và thể thao, Sở Văn hóa Thể thao TP Hồ Chí Minh cũng đã giới thiệu về Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP Hồ Chí Minh đến năm 2030. Theo đó, TP Hồ Chí Minh đã chọn 8 lĩnh vực để ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2030, gồm điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang. Ngày 25/10/2023, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 4853 về việc phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP Hồ Chí Minh đến năm 2030.
Mục tiêu của đề án nhằm phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững, ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của TP Hồ Chí Minh có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu; hỗ trợ xây dựng các mô hình đầu tư và kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.