Thi Hoàng và những vần thơ về biển

Trong rất nhiều nhà thơ có những vần thơ về biển, nhà thơ Thi Hoàng đã đóng góp vào “gia tài” thơ của đất nước một giọng riêng về đại dương bao la.


Gặp nhà thơ Thi Hoàng tại nhà riêng của ông ở quận Hải An, Hải Phòng, ông bỏ qua ngay màn chào hỏi của phóng viên và đi vào nội dung chính với những vần thơ về biển.

Ông nói: “Tôi là một người con của Hải Phòng - vùng đất cửa biển nên sự mặn mòi của biển tự nhiên ngấm vào máu thịt. Trong cuộc sống bôn ba, tôi từng là một người lính nên những dự cảm về chiến tranh, hòa bình, nhất là trên vùng biển luôn hiện hữu. Khi xảy ra sự kiện Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng biển Việt Nam, không chỉ riêng tôi mà bất cứ người dân nào cũng bùng lên tình yêu đất nước, muốn góp một tiếng nói nhỏ bé để bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”. Ông đã viết bài thơ “Thư ngỏ gửi Liên hợp quốc”, thể hiện Việt Nam với thế mạnh của một đất nước tôn vinh những giá trị phù hợp với lương tri của nhân loại. Đó là tinh thần đoàn kết, hòa hợp với bạn bè khắp năm châu...


Trong sự nghiệp văn chương của mình, nhà thơ Thi Hoàng có nhiều vần thơ viết về biển, nhưng phần lớn nội dung trầm lắng tâm tư. Từ năm 1981 đến năm 1984, Thi Hoàng viết trường ca “Ba phần tư trái đất” - đây là một trong những trường ca đưa ông đến với giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật vào năm 2007. Ngay từ trường ca này, ông đã có những dự cảm về vấn đề trên biển: “Những kẻ rủ rê biển tham gia vào các cuộc chiến tranh/ Những cuộc đổi chác không tên dìm xuống biển muôn vàn chất thải”.

Song, biển rộng lớn tới ba phần tư trái đất nên đủ bao dung để đón nhận tất cả và luôn đem đến cho con người cái nhìn hy vọng: “Nhưng còn có biển xanh, còn có biển xanh mà/ Biển có mặt ở ba phần tư trái đất/ Biển đồng cảm, điều hòa với tính khí của tình yêu chân thật/ Của tình yêu con người, tình yêu đất đai/ Cứ sâu xa, cứ mênh mông xanh thẳm miệt mài/ Biển chẳng chui vào chiếc túi có âm mưu/ Của những kẻ muốn vuốt con cá song dài thành… sợi thép gai”. Trong cuồn cuộn, sâu lắng của biển khơi, người ta tìm thấy bóng dáng cuộc sống: “Biển mặn mà cho những con sông/ Đời mặn mà bằng những tấm lòng”.

Trường Sa luôn là cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sĩ sáng tác.

Những trường ca khác của ông cũng có nhiều phần viết về biển. Trong trường ca “Gọi nhau qua vách núi”, Thi Hoàng dành hẳn một phần viết về “Thành phố nơi tôi sinh trưởng”. Hải Phòng trong thơ ông thật hiền hòa, nhưng cũng thật mãnh liệt: “Tôi sinh ra dưới cánh hải âu/ Cái cuống rốn vùi trong cát mặn/ Số phận ném tôi ra thành phố biển/ Bâng quơ như cát bụi nơi nào” hay: “Những cơn mưa rào hối hả/ Đường phố đi về giây lát hóa thành sông/ Mặt trời lăn trên tảng ngực trần/ Ngày bão gió khói xi măng vật ngược/ Ly cà phê đen trong quán hàng ẩm mốc/ Thấm vào ruột gan bao thế thái nhân tình”.

Dù không nhiều nhưng trong những khoảnh khắc nhất định, biển trong thơ Thi Hoàng vẫn mang dáng vẻ như nhiều người dễ thấy. Trong bài “Phác thảo chân dung một ngư dân”, người đọc cảm nhận được sự hài hòa, yên bình của biển và con người: “Tia mặt trời xuyên qua giọt mồ hôi/ Phản quang muôn mắt lưới/ Gió bện lại trên ngực trần thấm muối/ Biển ngoan ngoãn thu mình cho thật nhỏ nhoi/ Dưới hai cánh tay vổng lên choán một khung trời”. Hay trong “Thơ tình ở biển”, đứng trước biển, thi sĩ nghĩ về những điều muôn thuở: “Anh yêu em dẫu mặn muối cay gừng/ Từng giông bão, từng lặng thầm như biển/ Sóng dằn vặt những buồn vui năm tháng/ Vất vả nắng mưa mong được nên người”.

Nhà thơ Thi Hoàng tên thật là Hoàng Văn Bộ, sinh năm 1943 tại xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Ông mang bút danh Thi Hoàng với ý nghĩa thi sĩ họ Hoàng làm thơ. Ông từng học Trường Trung cấp Giao thông, làm cán bộ kỹ thuật trong ngành giao thông vận tải.

Trước tiếng gọi của Tổ quốc, Hoàng Văn Bộ tình nguyện vào bộ đội, tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Sau khi bị thương, ông chuyển ra Bắc điều trị, được điều về công tác ở Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), rồi Phó Tổng Biên tập tạp chí Cửa biển Hải Phòng. Thi Hoàng giành giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với các tác phẩm: “Ba phần tư trái đất”, “Nhịp sóng”, “Gọi nhau qua vách núi”, “Bóng ai gió tạt”...

Minh Thu
Nhà thơ Kim Hoa: Hạnh phúc khi được luận thơ cùng chồng
Nhà thơ Kim Hoa: Hạnh phúc khi được luận thơ cùng chồng

Nhà thơ Phạm Thị Kim Hoa sinh năm 1951, quê ở Gò Công, Tiền Giang. Thời giặc Mỹ xâm lược Miền Nam, bà từng là nữ sinh Gia Long - Áo Tím. Nhà thơ kể lại những cuộc bãi khóa, biểu tình phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ - Ngụy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN