'Thanh xuân hóa' sân khấu Việt 

Xã hội thay đổi, con người và thời đại cũng có những thay đổi lớn lao, nếu sân khấu không đổi mới sẽ bị lạc hậu so với đời sống hiện tại. Việc mạnh dạn tìm tòi, thử nghiệm để làm mới sân khấu là việc làm hết sức cần thiết nhằm nâng cao chất lượng sân khấu Việt trong thời kỳ mới.

Chú thích ảnh
Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam ra mắt vở kịch hát “Ngàn năm mây trắng” với một thử nghiệm táo bạo, khi kết hợp và phát huy nhuần nhuyễn 4 loại hình nghệ thuật dân gian.

Nhiều tác phẩm sân khấu thử nghiệm

Thời gian gần đây, nhiều tác phẩm sân khấu thử nghiệm liên tiếp ra đời đã mang đến một hơi thở mới cho sân khấu Việt.

Nhà hát Múa rối Thăng Long trình làng vở “Mơ rồng” và chấp nhận đương đầu với dư luận khi phá vỡ không gian quen thuộc của nghệ thuật múa rối nước truyền thống. Từ việc cải tiến thiết kế và tạo hình con rối để có thể đáp ứng được cả việc điều khiển ở sân khấu rối nước lẫn sân khấu rối cạn, đồng thời, biến các nghệ sỹ vốn chỉ quen đứng sau tấm mành tre để điều khiển các nhân vật rối nước truyền thống, thành những diễn viên có kỹ thuật biểu diễn hình thể hiện đại trên sân khấu… để tạo nên một tác phẩm rối nước mang màu sắc đương đại.

Nhà hát múa rối Việt Nam có một thử nghiệm đầy tính đột phá, sáng tạo khi xây dựng vở múa rối "Thân phận nàng Kiều", dựa trên tác phẩm kinh điển "Truyện Kiều" của Đại thi hào Nguyễn Du. Mọi tình tiết, cảnh trí trong "Thân phận nàng Kiều" được xử lý bằng các mảng miếng, trò diễn múa rối, bằng không gian - ánh sáng trừu tượng đặc sắc, mới lạ, âm nhạc truyền thống kết hợp đương đại…

Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam ra mắt vở kịch hát “Ngàn năm mây trắng” với một thử nghiệm táo bạo, kết hợp và phát huy nhuần nhuyễn bốn loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống là cải lương, hát chèo, hát xẩm và hát văn Huế. Sự kết hợp này đã tạo xúc cảm mạnh cho người xem, đồng thời mang đến cho khán giả cái nhìn tổng quan về văn hóa dân gian, truyền thống của Việt Nam chỉ trong một vở diễn.

Nhiều đơn vị nghệ thuật khác cũng trình làng những tác phẩm sân khấu thử nghiệm như: Hà Nội của những giấc mơ (Liên đoàn Xiếc Việt Nam), Sự sống (Nhà hát Kịch Việt Nam), Cậu Vanya (Nhà hát Tuổi trẻ), Huyền thoại Gò Rồng Ấp (Sân khấu Lệ Ngọc), Nữ ca sỹ hói đầu (Sân khấu Lucteam)…

Những vở diễn trên đều được các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập dàn dựng nhằm hưởng ứng và tham gia Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ IV (diễn ra từ 4 - 13/10/2019). Tuy nhiên, trên thực tế, việc đưa những thử nghiệm mới vào trong vở diễn cũng là mong muốn của hầu hết các đơn vị nghệ thuật trong hành trình tìm kiếm xu hướng mới, con đường mới để đưa nghệ thuật sân khấu Việt phát triển phù hợp với thời đại hiện nay.  

Sân khấu cần đổi mới, sáng tạo

Theo đánh giá của một số nhà nghiên cứu, phê bình sân khấu, trong quá khứ, sân khấu Việt Nam đạt được nhiều thành tựu: đã làm trọn sứ mạng biểu dương chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong hai cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, đã xây dựng được hình tượng người lính trong thời đại mới... Song, từ khi hòa bình thống nhất đến nay, sân khấu Việt chập chững bước vào thị trường cạnh tranh, nhưng lại yếu kém, trở nên bế tắc và ngày càng “lép vế” trước các phương tiện nghe nhìn công nghệ cao.

Trong một cuộc hội thảo về đổi mới sân khấu, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Minh Ngọc, Trưởng Ban Lý luận Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam từng cảnh báo: Xã hội thay đổi, con người cũng thay đổi, nhiều giá trị cũ đã được thay thế bằng những chuẩn mực mới. Thời đại đã có những thay đổi lớn lao và người xem cũng khác xưa rất nhiều. Nếu sân khấu không đổi mới trong sáng tác của tác giả, trong sáng tạo của đạo diễn và diễn viên... thì sân khấu sẽ lạc hậu so với đời sống hiện tại, không còn sức lôi cuốn, hấp dẫn trong vai trò người dẫn dắt, phản biện, dự báo, giáo dục công chúng.

Theo Nghệ sỹ Nhân dân Trần Minh Ngọc, việc đổi mới cách nghĩ, cách làm cũ, mạnh dạn tìm tòi, thử nghiệm, “thanh xuân hóa” sân khấu là việc làm hết sức cần thiết, để nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật sân khấu trong thời kỳ mới, để sân khấu vượt qua những khó khăn hiện nay.

Khẳng định yếu tố thử nghiệm luôn cần thiết và rất quan trọng với sự phát triển của sân khấu, Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên, Quyền Giám đốc Nhà hát Cải Lương Việt Nam nhấn mạnh: Văn hóa nghệ thuật nói chung, nghệ thuật sân khấu nói riêng luôn đòi hỏi phải có sự tìm tòi, sáng tạo để phù hợp với xã hội hiện đại. Đặc biệt, trong điều kiện xã hội phát triển như hiện nay, con người với tri thức ngày càng cao, nhu cầu thẩm mỹ thay đổi, nhiều người không chấp nhận cái cố hữu trong một thời gian dài. Vì vậy, nghệ thuật sân khấu cần phải có những thử nghiệm, tìm tòi xu hướng mới, con đường mới để phù hợp với xã hội đương đại, tạo thành giá trị của thời đại.

Theo Nghệ sỹ Nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, “Sân khấu thử nghiệm” là một thuật ngữ để chỉ tính tiên phong của các phong trào nghệ thuật nhằm cách tân sân khấu, nỗ lực khám phá, tìm tòi phong cách thể hiện sân khấu mới mang tính đột phá, sáng tạo và tính thử nghiệm cao trong quá trình sáng tạo nghệ thuật.

“Việc không ngừng thử nghiệm để tìm tòi, đổi mới nhằm cách tân sân khấu về nhiều mặt, cả hình thức và nội dung là điều hết sức cần thiết để tạo ra khái niệm nhận thức mới, nhằm làm giàu thêm ngôn ngữ nghệ thuật sân khấu, góp phần đáp ứng sự mong đợi của khán giả trong xu thế hội nhập và phát triển trong kỷ nguyên công nghệ 4.0”, Nghệ sỹ Nhân dân Lê Tiến Thọ khẳng định.

Bài và ảnh: Phương Lan (TTXVN)
Tám quốc gia dự Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm tại Hà Nội
Tám quốc gia dự Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm tại Hà Nội

Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ IV - 2019 sẽ diễn ra từ ngày 4/10 đến ngày 13/10 tại Hà Nội, với sự tham gia của hơn 20 đoàn nghệ thuật thuộc tám quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN