Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An đang từng bước sưu tầm, nghiên cứu để giới thiệu truyện kể dân gian miền núi của tỉnh tới đông đảo các em học sinh, đồng bào dân tộc thiểu số và những người yêu thích văn học nghệ thuật.
Trong số gần 120 truyện được sưu tầm có 91 truyện là của người Thái, 14 truyện là của người Thổ, 8 truyện là của người Khơ Mú, 4 truyện của người H’Mông. Truyện kể dân gian ở miền núi Nghệ An thường gọi là “Lái”. “Lái” xuất hiện nhiều dưới dạng truyện thơ như “Lái Nộc Yêng”, là vè kể truyện lịch sử mang tính sử thi như “Lái Khủn Chưởng”, là thần thoại, truyền thuyết, cổ tích... ở thời xa xưa. Nội dung của truyện kể dân gian ở miền núi Nghệ An thường kể về việc xuống Mường, khai phá xây dựng bản Mường, đời sống và sinh hoạt bản Mường, quan hệ xã hội ở bản Mường của hạt lúa, con trâu, con hổ, con chim, con rồng, con người. Ý nghĩa và nội dung của loại truyện này giải thích được nguồn gốc phi tín ngưỡng ban đầu, là bài học đơn giản về nhận thức vũ trụ, con người, là bài ca lao động để chế ngự thiên nhiên và sức mạnh của con người trên trái đất. Tuy nội dung của truyện kể dân gian miền núi Nghệ An chưa thật mạch lạc, lời thơ kể pha trộn, xen kẽ, mang yếu tố thần linh nhưng đó là tư tưởng, quan niệm, là thế giới quan, nhân sinh quan, là những ghi nhận về quá trình diễn biến của dân tộc mình và còn là những bài mo để khìa cúng của bà con dân tộc ít người ở miền núi Nghệ An.
Truyện kể dân gian của các dân tộc ít người ở Nghệ An là gia tài vô giá, vừa là truyện kể, vừa là triết học, sử học, dân tộc học, xã hội học của dân tộc và loài người. Nó giàu chất trữ tình mà cũng sâu sắc tính hiện thực, phong phú về hình tượng, ngôn ngữ, nói lên khát vọng, ước mơ về cuộc sống hạnh phúc, công bằng, tự do của bà con dân tộc Thái, Thổ, Khơ Mú, H’Mông, Ơ Đu. Truyện kể của bà con dân tộc ở miền núi Nghệ An còn lưu lại đến ngày nay phần lớn là qua truyền miệng, qua trí nhớ của các già làng, người cao tuổi, một số khác được ghi trên lá, trên giấy, được cán bộ nghiên cứu văn hóa dân gian ghi chép, sưu tầm lại.
Không dừng lại ở việc sưu tầm và nghiên cứu, Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An đang phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo đưa truyện kể dân gian vào chương trình học chính khóa và ngoại khóa của học sinh người dân tộc thiểu số; đồng thời phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, ngành Văn hóa các huyện miền núi như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu dựng một số câu chuyện dân gian chuyển thành các vở kịch, biểu diễn cho đồng bào dân tộc thiểu số để bà con xem, từ đó biết cách giữ gìn cội nguồn, bản sắc của dân tộc mình.
Bích Huệ