Ra mắt sách '9 Bảo vật quốc gia ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam'

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vừa ra mắt độc giả cuốn sách “9 Bảo vật quốc gia ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam”. Sách do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Mỹ thuật tổ chức in ấn, phát hành.

Chú thích ảnh
Sách ảnh “9 Bảo vật quốc gia ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam". Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Với 115 trang song ngữ Việt - Anh, cuốn sách “9 Bảo vật quốc gia ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam” sẽ giúp độc giả hiểu hơn về những Bảo vật quốc gia hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Cuốn sách giới thiệu về hoàn cảnh sáng tác, tác giả, tác phẩm, giá trị nghệ thuật của 9 hiện vật tiêu biểu và có giá trị cao đối với nền mỹ thuật nước nhà, đã được Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia.

Trong đó, có 5 hiện vật được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2013 gồm: Tượng Phật bà Quan Âm (chùa Hội Hạ); Tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (chùa Mật); Tranh “Em Thúy” của họa sỹ Trần Văn Cẩn; Tranh “Hai thiếu nữ và em bé” của họa sỹ Tô Ngọc Vân; Tranh “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sỹ Nguyễn Sáng.  

Có 4 hiện vật được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2017 gồm: Bộ cánh cửa chạm rồng (chùa Keo); Tranh “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc” của họa sỹ Dương Bích Liên; Tác phẩm sơn mài “Bình phong” của họa sỹ Nguyễn Gia Trí; Tranh “Gióng” của họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm.

Trong số 9 Bảo vật quốc gia được giới thiệu trong sách, phải kể đến tác phẩm “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” được họa sỹ Nguyễn Sáng sáng tác năm 1963 trên chất liệu sơn mài. Tác phẩm dựng lại một không gian trang nghiêm của buổi kết nạp Đảng ở chiến hào của những người chiến sỹ Điện Biên.

Chú thích ảnh
"Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" của họa sỹ Nguyễn Sáng. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Theo Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trong suốt những năm tháng chống Pháp, họa sỹ Nguyễn Sáng tiếp xúc, ăn cùng, ngủ cùng bộ đội. Ông đã quen với dáng dấp, tác phong, quân tư trang của người lính. Nhưng trước mỗi tác phẩm vẽ về họ, ông đều cẩn trọng thực hiện nhiều ký họa nghiên cứu về thể dáng, các loại vũ khí, quân tư trang của người chiến sỹ.

Bức tranh sơn mài "Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" có tạo hình khỏe khoắn, bố cục chặt chẽ, màu sắc trầm ấm, không để lộ quá nhiều kỹ thuật nhưng bằng sự tương phản đậm nhạt và cách xử lý tài tình khi chuyển độ các mảng màu, ông đã cho thấy sự giàu có của sắc độ trên tranh. Tác phẩm được xem như một bản hùng ca của dân tộc giai đoạn kháng chiến chống Pháp.  

Tác phẩm “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” được Nhà nước công nhận Bảo vật quốc gia năm 2013. Năm 2023 là tròn 60 năm tác phẩm được sáng tác và tròn 10 năm tác phẩm được công nhận là Bảo vật Quốc gia Việt Nam.

Đại diện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hy vọng, cuốn sách “9 Bảo vật quốc gia ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam” sẽ góp phần đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu về nền Mỹ thuật Việt Nam nói chung và về bộ sưu tập hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nói riêng đối với bạn đọc. Sách hiện đã có mặt tại Museum shop- Lá art (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội).

Phương Lan (TTXVN)
Công nhận 27 bảo vật quốc gia
Công nhận 27 bảo vật quốc gia

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 30/1/2023 công nhận 27 bảo vật quốc gia (đợt 11, năm 2022).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN