Nơi lưu dấu chân nghệ sỹ

Những ngày đầu tháng 4, trong cái oi ả của nắng đầu hè, chúng tôi có dịp trở lại Hạ Hòa (Phú Thọ), một miền quê có địa hình khá đặc biệt và hữu tình. Chính mảnh đất này là nơi dừng chân của lớp văn nghệ sỹ trong thời kỳ đầu của “nhận đường” khi họ đã quyết tâm đi theo kháng chiến và mang ngòi bút phục vụ cho nhân dân.

Miền thiêng của nghệ thuật và thơ ca

Khi kháng chiến nổ ra, huyện Hạ Hòa của Phú Thọ có nhiều cơ quan Trung ương, Liên khu X, quân đội, trường học đóng trụ sở; nhiều người dân Hà Nội cũng tản cư về đây lập những phố nhỏ ở Gia Điền, Hanh Cù, Vũ Ẻn, Ấm Thượng, hình thành cuộc sống đô thị kháng chiến với nhiều cửa hàng cửa hiệu đông vui tấp nập. Chính những điều kiện này mà Phú Thọ còn được coi là cái nôi của văn nghệ cả nước trong những năm đầu của cuộc kháng chiến. Và xã Gia Điền (Hạ Hòa) được chọn làm nơi đầu tiên đặt trụ sở của Hội Văn nghệ Việt Nam và trụ sở của tạp chí Văn nghệ - cơ quan của Hội Văn nghệ Việt Nam.

Đền Chu Hưng, xã Ấm Hạ, nơi hoạt động của các họa sỹ thời kháng chiến.

 

Ở mảnh đất này, các văn nghệ sỹ nổi tiếng gồm nhà thơ, nhà văn, nhạc sỹ, họa sỹ trong thời kỳ đầu “nhận đường” đã dừng chân cho một hành trình dài lên Việt Bắc. Lúc ấy, dù thiếu thốn và gian khổ nhưng được sự đùm bọc chở che của nhân dân đã tiếp thêm sức mạnh cho các nghệ sỹ nhanh chóng vào cuộc với những trải nghiệm mới. Khi ấy, nhà thơ Tố Hữu làm thư ký tòa soạn cùng với Thế Lữ, Văn Cao, Nguyên Hồng và các cộng sự.

Trong hoàn cảnh kháng chiến thiếu thốn nhưng với nhiệt huyết của các văn nghệ sỹ, nhiều đầu sách được ra đời, trong đó có những cuốn như: "Những người ở lại" của Nguyễn Huy Tưởng, "Vượt lên bão táp" của Nam Cao, "Phố mới" của Kim Lân, "Dãy người" - thơ của Nguyên Hồng, "Vỡ tỉnh" của Tô Hoài, "Nhận đường" - tùy bút của Nguyễn Đình Thi, "Núi yên ngựa" của Ngô Tất Tố, "Văn Lỗ Tấn" của Phan Khôi dịch… Nơi đây, Hội Văn nghệ Việt Nam cũng làm những công cuộc cần thiết để chuẩn bị cho Đại hội lần thứ nhất thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam - tiền thân của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam ngày nay. Số tạp chí Văn nghệ đầu tiên ra đời tháng 3/1948. Ở đây còn là nơi đóng trụ sở đầu tiên của Nhà xuất bản Văn nghệ do nhà văn Nguyễn Đình Thi làm giám đốc.

Trong những tháng ngày hoạt động sáng tác của các văn nghệ sỹ, có nhiều câu chuyện cảm động đến ngày nay vẫn được người dân Gia Điền lưu giữ và kể lại cho con cháu. Chẳng hạn, câu chuyện về nhà thơ Tố Hữu khi sáng tác bài thơ “Bầm ơi”. Truyện kể lại rằng, vào đầu năm 1947, 1948 tại nhà bà cụ Gái (ngay cạnh bia tưởng niệm của Hội ngày nay), đêm đêm Tố Hữu và các nhà thơ nghe bà cụ Gái khóc vì nhớ con trai đi vệ quốc quân. Anh em đã yêu cầu nhà thơ Tố Hữu làm bài thơ “Bầm ơi” giả làm thư của con trai gửi về cho bà Gái. Bà Gái tưởng thật, luôn nhờ nhà thơ đọc lại “bức thư” này cho nghe. Và ở chiến trường các chiến sỹ cũng đua nhau chép bài thơ “Bầm ơi” gửi về cho mẹ mình. Trong đó có đoạn: “Ai về thăm mẹ quê ta/Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm/Bầm ơi có rét không bầm/Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn”. Cũng từ nhà bà cụ Gái, nhà văn Kim Lân đã viết truyện ngắn “Làng” nổi tiếng, Nguyễn Huy Tưởng viết kịch “Người ở lại”, Nguyên Hồng viết “Ấp đồi cháy”, Văn Cao hoàn thành “Trường ca Sông Lô”. Cũng tại mảnh đất Gia Điền này, nhà thơ Nguyễn Khắc Phục, con trai thứ ba của thi sĩ Tản Đà, sau khi hoàn thành chuyến “nhận đường”, ông đã từ bỏ ước muốn trở lại nơi đô thị phồn hoa mà tình nguyện ở lại chốn “rừng sâu núi thẳm” này để lập nghiệp.

Từ Gia Điền xuôi theo quốc lộ 32, chúng tôi tới xã Yên Kỳ, nơi được Hội chọn là địa điểm tổ chức Đại hội văn nghệ toàn quốc đầu tiên. Con đường làng trải nhựa đưa chúng tôi lên đỉnh đồi nơi có tấm bia lưu niệm nơi tổ chức đại hội. Nhìn phong cảnh xung quanh là bạt ngàn những đồi chè, đồng lúa xanh ngát và rừng cọ trập trùng. Vào các ngày 23, 24, 25/7/1948 tại khu 1 xã Yên Kỳ (Hạ Hòa - Phú Thọ) có 80 văn nghệ sỹ cả nước về dự Đại hội lần thứ nhất thành lập Hội VHNT Việt Nam. Đại biểu dự Đại hội gồm có: Đặng Thai Mai, Nguyễn Tuân, Nguyễn Văn Tỵ, Võ Liên Sơn, Đoàn Phú Tứ, Phạm Văn Đôn, Chu Ngọc, Xuân Sanh, Hải Triều… Đại hội đã bầu 17 người vào BCH; Ban Thường vụ có Nguyễn Tuân - Tổng thư ký, Tố Hữu - Phó Tổng thư ký. Đại hội cũng quy định các khu thành lập chi hội văn nghệ, các tỉnh thành lập phân hội văn nghệ. Năm 1998, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và Tỉnh ủy Phú Thọ đã đặt bia kỷ niệm nơi họp Đại hội. Ông Nguyễn Trường Thịnh, cựu chiến binh xã Yên Kỳ cho biết: “Khi đó tôi còn nhỏ nhưng vẫn nhớ ngày tổ chức đại hội ở đây, đường sá khó khăn nhưng rất đông văn nghệ sỹ về dự”.

Liền kề với xã Gia Điền, thôn Chu Hưng (xã Ấm Hạ - Hạ Hòa), cách 3-4 cây số, là nơi nhà thơ Tố Hữu thường lui tới để sáng tác thơ. Đồng thời, thôn làng nhỏ bé này cũng từng in dấu chân của các đoàn kịch, nhóm họa sỹ. Chu Hưng là nơi đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm tranh của các họa sỹ Việt Bắc. Lớp nhạc do nhạc sỹ Lưu Hữu Phước dạy ở đầm Ao Châu (ở Ấm Thượng - Hạ Hòa) cũng thường xuống Chu Hưng biểu diễn. Những lớp học sinh thời ấy bây giờ đã trở thành các nhạc sỹ nổi tiếng và đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm”. Đứng trên quả đồi cao ở Chu Hưng, chúng ta sẽ được nhìn trọn vùng đất từng là Thủ đô kháng chiến, Thủ đô văn nghệ Việt Nam hồi đầu thành lập. Phía trên là Ấm Hạ, Ấm Thượng, nơi có đầm Ao Châu 99 ngách in dấu chân Vua Hùng tìm đất đóng đô. Bên kia là Xuân Áng, năm 1946 có khoảng một nghìn người dân Hà Nội tản cư lên. Đó cũng là trụ sở của Đoàn Văn hóa kháng chiến do họa sỹ Tô Ngọc Vân phụ trách. Các họa sỹ đã vẽ tranh, vẽ tem, vẽ các mẫu tiền và Bằng khen, Huân, Huy chương cho Chính phủ Kháng chiến tại nơi này. Thôn Chu Hưng xưa kia, vào những năm đồng bào Hà Nội sơ tán, là nơi sinh ra, ươm mầm cảm hứng cho nhà viết kịch tài ba Lưu Quang Vũ. Tại đây, nhà thơ đã có chùm thơ nổi tiếng về Chu Hưng, mảnh đất “thơ” không thể nào phai mờ trong kí ức: "Thôn Chu Hưng trăng sao rơi đầy giếng/ Nằm giữa bốn bề rừng rậm nứa lao xao/ Đường ven suối quả vả vàng chín rụng/ Cọ xanh rờn lấp lánh nước sông Thao".

Những chuyến về nguồn

Mảnh đất Hạ Hòa hôm nay đã đổi khác nhiều, có đường nhựa, nhà cao tầng và trường học khang trang. Nhưng vẫn còn đó tại các xã những tấm bia lưu niệm và ghi chép lại hoạt động của lớp văn nghệ sỹ thời kỳ kháng chiến. Tại xã Gia Điền, xóm cây gạo, bia tưởng niệm nơi đóng trụ sở xưa kia của Hội Văn nghệ, vẫn thỉnh thoảng có một đoàn văn nghệ sỹ về thăm lại. Tại thôn Chu Hưng (Ấm Hạ) ngôi đền Chu Hưng linh thiêng là nơi các họa sỹ “đứng chân” và hoạt động. Tấm bia trên đỉnh đồi chè ở khu 1 xã Yên Kỳ vẫn được nhân dân dành riêng một vị trí trang trọng để lưu giữ những ngày tháng quan trọng của Hội VHNT. Rồi đầm Ao Châu xanh biếc của Hạ Hòa đã trở thành một khu du dịch nổi tiếng, xưa kia là nguồn cảm hứng dạt dào của các nhạc sỹ.

Hầu như năm nào, mảnh đất Hạ Hòa cũng được đón các đoàn về thăm lại “chiến khu” xưa. Trước đây, khi còn sống là các nhà thơ như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi… Rồi các chuyến trở về của gia đình nhà thơ Cù Huy Cận, Xuân Sanh, Kim Lân, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Tô Hoài, Tô Ngọc Vân... Mấy năm gần đây, các cơ quan, tạp chí của Hội cùng các văn nghệ sỹ vào những dịp kỷ niệm đều về thăm lại Hạ Hòa. Đặc biệt, các chuyến về nguồn của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức do nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội dẫn đầu cùng với các hoạt động tình nghĩa như tặng quà, sách báo, những suất học bổng cho quỹ khuyến học cho các xã nơi đặt trụ sở đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam và Báo Văn nghệ. Tuy đường sá xa xôi nhưng họ đi thăm hầu hết các địa điểm nơi ghi dấu bước chân của văn nghệ sỹ xưa kia.

Trong hành trình về nguồn, Hạ Hòa là nơi dừng chân đầu tiên của các đoàn, sau đó mới đi Định Hóa (Thái Nguyên), nơi tiếp tục cho hoạt động văn nghệ thời kỳ kháng chiến.

Ngày nay, Hạ Hòa đang thay da đổi thịt, song vẫn còn đó cảnh sắc đặc thù của miền đất trung du bình dị, những con đường đất đỏ, loáng thoáng những mái nhà tranh, rừng chè đồi cọ. Và vẫn còn đó với dấu mốc thời gian, những tấm bia lưu niệm nơi thăng hoa cho nghệ thuật và thơ ca. Đó không chỉ là ghi dấu mà như để nhắc nhở thế hệ trẻ luôn tự hào về quê hương mình đồng thời có ý thức giữ gìn và tiếp nối “dấu chân” những nghệ sỹ của một thời.

Nguyễn Thế Lượng 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN