Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh chia sẻ, dù hình bóng gầy gò và trầm tư của nhà văn Trang Thế Hy đã không còn trên cõi đời, nhưng tác phẩm và nhân cách của ông vẫn là những câu chuyện được truyền tụng trìu mến trong đời sống tinh thần, không chỉ tại vùng đất Nam Bộ mà còn trong giới cầm bút cả nước. Với quan niệm “trong cao hứng phóng bút, phải nghiêm cẩn tự dặn dò mình đừng bao giờ tùy tiện bịa đặt”, nhà văn Trang Thế Hy luôn hướng ngòi bút của mình đến những số phận lam lũ và yếu thế, những con người cần được bảo vệ và cảm thông.
Nhà văn Trang Thế Hy từng viết: “Hạng khố rách áo ôm lúc nào cũng có thể bị ức hiếp và lăng nhục”. Qua tác phẩm của mình, ông đã khám phá vẻ đẹp ẩn giấu trong những con người bình dị, bình thường, để từ đó truyền tải thông điệp về sự cảm thông và nâng đỡ, giúp họ sống lương thiện và an lành. Văn chương của Trang Thế Hy không chỉ là lời chiêm nghiệm sâu sắc mà còn là sự bao dung, khơi dậy ý thức trách nhiệm cao cả của người cầm bút.
Nhà văn Trang Thế Hy tập trung sáng tác thể loại văn xuôi trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, để lại nhiều tác phẩm lay động lòng người như: Truyện ngắn “Bên miệng hố bom đìa”, “Hột bụi”, “Quê hương thứ hai của người du kích”, “Vui nhỏ trên đường dây”, “Áo lụa giồng”, “Nắng đẹp miền quê ngoại”... Trong số đó, truyện ngắn “Anh Thơm râu rồng” nổi bật và đã được trao giải thưởng Văn học Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam Việt Nam (1960 - 1965).
Nhà văn Bích Ngân cho biết thêm, trong một truyện ngắn ông viết năm 1963: “Trong y học, khi thuốc giảm đau gây tác hại thì đó là lỗi của người sử dụng thuốc chứ không phải lỗi của người bào chế thuốc. Trong nghệ thuật, người nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm về bào chế phẩm của mình”.
Nhà văn Bích Ngân nhận định, dù nhà văn Trang Thế Hy đã không còn, nhưng tác phẩm của ông vẫn tiếp tục làm “thuốc giảm đau” cho độc giả và cộng đồng. Vì lẽ đó, các tác phẩm của ông luôn được trân trọng như một di sản văn hóa, phản ánh nhân cách cao quý của người cầm bút.
Không chỉ nổi bật ở thể loại truyện ngắn, nhà văn Trang Thế Hy còn để lại dấu ấn sâu sắc trong thơ ca. Theo nhà thơ Ngô Thị Hạnh, thơ của Trang Thế Hy mang một phong cách rất riêng, khác biệt so với các nhà thơ đương thời, như những câu chuyện kể, không chỉ dành cho riêng mình mà gửi gắm đến nhân gian, chạm đến trái tim độc giả.
Nhà văn Trang Thế Hy (1924 - 2015) tên thật là Võ Trọng Cảnh, sinh ngày 29/10/1924 tại xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Con đường đến với văn chương của ông không phải là một hành trình sớm thành đạt. Bút danh Trang Thế Hy chỉ bắt đầu xuất hiện sau năm 1975, trước đó ông từng viết dưới nhiều bút danh khác như Song Diệp, Phạm Võ, Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Minh Phẩm và Vũ Ái Văn.