Tưng tửng, thậm chí có phần gai góc khi nói chuyện, ít ai hình dung đó là nhà văn Trung Trung Đỉnh với những trang viết súc tích, câu từ giàu sức truyền cảm và cũng rất ấn tượng bởi sự quan sát tinh tế, nhạy bén.Đã nổi tiếng từ lâu với những cuốn sách viết về đề tài chiến tranh, trong đó “Lạc rừng” được tái bản 13-14 lần nhưng ông không tự nhận mình là nhà văn có các tác phẩm “hot” hay người biết quảng bá tác phẩm.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh. Ảnh: tienphong.vn |
Với Trung Trung Đỉnh “chúng cứ lai rai vậy thôi” song đối với giới văn học cũng như những người đọc, tác phẩm của ông có sức sống bền bỉ, đầy tính nhân văn và đi sâu vào lòng người. Đây có lẽ là lý do ông nhận nhiều giải thưởng, trong đó phải kể đến Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, Giải thưởng văn học Đông Nam Á…
Trong câu chuyện, người đàn ông nhỏ bé, mái tóc hung điểm bạc rối bù ấy chủ yếu kể những kỷ niệm về tác phẩm đầu tay ở chiến trường. Ông cho rằng những kỷ niệm đó luôn gắn liền với những điều thú vị, đáng trân trọng.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh tên thật là Phạm Trung Đỉnh, quê ở Hải Phòng, nhập ngũ năm 1968 khi mới 19 tuổi. Là nhà văn mà tính cách và số phận từng dính chặt áo lính, đời lính, Trung Trung Đỉnh mang quân hàm đại tá trước khi chuyển ngành.
Trong chiến trường, ông đã làm khá nhiều thơ, trường ca, nhưng không gửi in. Truyện ngắn đầu tay “Những khấc coong chung” được in trên Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng miền Trung Trung bộ, năm 1972 khi ông đang công tác tại Huyện đội Khu 8 (An Khê, Gia Lai).
Nhà văn chia sẻ: “Đơn vị tôi sống, chiến đấu và ở chung với những chiến sĩ du kích người Ba na. Họ chiến đấu rất dũng cảm và chính họ làm nên cảm hứng cho tôi viết câu chuyện này với tình cảm quí mến và khâm phục”.
“Những khấc coong chung” là câu chuyện về các chiến sĩ bộ đội địa phương và nhóm du kích người Ba na cùng nhau thi đua: Mỗi trận đánh, diệt được một tên Mỹ sẽ khấc một khấc vào chiếc vòng trên tay mình và chỉ khi nào những vết khấc trên chiếc vòng đó đầy mới về phép.
Nhà văn đã tái hiện những hành động đầy mưu trí và dũng cảm của họ để giành chiến thắng trước quân Mỹ trong một trận càn. Viết xong, ông gửi ra Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng miền Trung Trung bộ (lúc đó do nhà văn Nguyễn Chí Trung phụ trách) theo đường giao liên và được đăng, rồi được đọc cả trên Đài tiếng nói Việt Nam. Cái tên Trung Trung Đỉnh đề dưới tác phẩm có thể do gõ máy chữ nhầm nhưng vì thấy cũng hay hay nên ông giữ thành bút danh đến tận giờ.
Không chỉ “Những khấc coong chung”, nhiều tác phẩm khác của Trung Trung Đỉnh cũng được ra đời khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đang trong giai đoạn cam go, ác liệt. Những khi không chiến đấu, ông ngồi trong hầm hoặc chui vào trong hang đá để viết.
Không có giấy, ông nhặt những mẩu báo rồi ghép lại để viết. Sau đó ông lại kỳ cạch đánh "mổ cò" trên chiếc máy chữ nhỏ vốn là chiến lợi phẩm thu được trong một trận đánh đồn. Trong tác phẩm của ông, hình ảnh người lính trong chiến tranh luôn rắn rỏi, mạnh mẽ không sợ gian khổ, hồn nhiên nhưng khi trở về với thời bình lại có gì đó mong manh trước những thử thách của cuộc sống.
Ai đã từng gặp nhà văn đều có cảm nhận hình như ông không phải người thích hợp với đám đông, với những cuộc vui. Ông trầm tính, ngại nói về mình và thường mang bộ mặt cau có, như rất khó gần. Có vẻ như bao nhiêu tâm sự, ông đã trút hết vào tác phẩm, vào nhân vật.
Còn nhà văn Larry J. Fisk (Canada) lại ghi nhận: Phạm Trung Đỉnh là hiện thân của sự nhiệt tình, hào phóng giữa các bạn bè. Những người bạn thân của ông, phần lớn cũng là các nhà văn, nhà thơ, nhà biên tập, dịch giả, nhà giáo đều biết ông không chỉ là người đứng đầu một cơ quan xuất bản (ông hiện vừa là nhà văn vừa là Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam) mà còn là một người gương mẫu đạo đức.
Viết văn bằng tất cả vốn sống và tâm huyết, viết báo bằng chất giọng dí dỏm, tưng tửng, nhà văn Trung Trung Đỉnh là một trong những cây bút trưởng thành từ thời chiến tranh chống Mỹ. Hơn bốn chục năm cầm bút, Trung Trung Đỉnh có 7 cuốn tiểu thuyết, 7 tập truyện ngắn đã in, 3 trường ca.
Ông cũng có khoảng 70 kịch bản phim, trong đó kịch bản phim “Ngõ lỗ thủng” được đánh giá cao, làm nên thành công của bộ phim trên sóng truyền hình. Những cuốn tiểu thuyết “Lính trận”, “Lạc rừng”, “Tiễn biệt những ngày buồn”, “Những người không chịu thiệt thòi” … khẳng định tên tuổi Trung Trung Đỉnh trong làng Văn Việt Nam và cả khu vực.
Song cũng do tính “ham chơi”(như ông vẫn thừa nhận) mà tiểu thuyết của Trung Trung Đỉnh chỉ chừng 200-300 trang, chưa có tác phẩm nào được đánh giá là “đồ sộ”.
Lúc nào Trung Trung Đỉnh cũng đang viết một cái gì đó. Nhà văn bật mí, những dịp như thế này ông thường tập trung vào mấy truyện ngắn và “trả nợ” cho vài tờ báo Tết. Mỗi mùa báo Tết, nhà văn cũng “gặt” một vài chục triệu đồng. Số tiền đó được ông dành cho việc gặp gỡ bạn văn hoặc cho sở thích “ham chơi” của mình.
Mỹ Bình (TTXVN)