Ngày Di sản văn hóa Việt Nam: Hướng tới Năm du lịch Quốc gia 2012

Nhân Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), các địa phương đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa đặc sắc, trong đó điểm nhấn là Tuần văn hóa du lịch di sản Bắc Trung bộ tại Hà Nội. Có thể nói, đây là dịp không chỉ những nhà quản lý, mà người dân cả nước thể hiện sự quan tâm của mình tới công tác bảo tồn và phát huy di sản. Bởi các di tích đang đem lại nguồn lợi và giá trị tinh thần lớn, nhưng bên cạnh đó cũng đang báo động sự xuống cấp, tàn phá với di sản.

 

Ông Nguyễn Hữu Toàn (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN về những vấn đề trên.

´Thưa ông, công tác bảo tồn của chúng ta thời gian qua liệu đã tương xứng với giá trị các di sản?

Có thể nói rằng, công tác này vẫn còn chưa xứng tầm và chắc chắn còn phải phấn đấu rất nhiều. Di sản của chúng ta lớn, nhưng công tác bảo vệ vẫn chưa đáp ứng được.

Nhiều di sản văn hóa Việt Nam đã bị xuống cấp do trải qua mưa nắng, chiến tranh và rất nhiều sự tác động khác. Thời gian qua, Nhà nước mà trực tiếp là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều chủ trương và chính sách để chống xuống cấp. Hàng ngàn di tích đã được đầu tư kinh phí. Quan trọng hơn là chúng ta đã huy động được sự tham gia của cộng đồng xã hội, nhân dân các địa phương, các doanh nghiệp, nhiều lực lượng trong và ngoài nước bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Công tác bảo vệ di sản được xã hội hóa đã hạn chế nhiều sự xuống cấp.

´Chắc hẳn thời gian tới chúng ta vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn?

Du khách tham quan Đại nội Huế. Ảnh: Lê Phú

Đúng là còn không ít khó khăn mà chúng ta phải đối mặt. Khó khăn vì di sản luôn luôn đứng trước sự tấn công của nhiều yếu tố, kể cả thiên nhiên lẫn con người, vì thế chúng ta phải đối mặt và tập trung giải quyết những khó khăn ấy. Muốn vậy, cần nguồn lực tài chính rất lớn. Thứ hai, muốn bảo vệ và phát huy di sản, chống xuống cấp di sản phải có trình độ khoa học công nghệ rất cao, rất phức tạp, thậm chí còn gắn liền với yếu tố nhạy cảm. Vượt qua được những chuyện đó cũng cần thời gian, điều kiện vật chất, cần năng lực chuyên môn và không phải một sớm một chiều, bởi khi chúng ta huy động các thành phần xã hội, các thành phần tham gia bảo vệ di sản, các tổ chức, cá nhân cũng còn hạn chế về nhận thức. Do đó, mục đích là bảo vệ di sản nhưng kết quả lại làm sai lệch, có thể vô tình làm suy giảm giá trị di sản.

´Tuần Văn hóa du lịch di sản Bắc Trung bộ chuẩn bị tổ chức tại Hà Nội. Theo ông, những hoạt động này có tác động thế nào với công chúng?

Tuần lễ du lịch này đã đi vào nề nếp của Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Tổ chức Ngày Di sản văn hóa Việt Nam tại Hà Nội là điểm nhấn, còn trên toàn quốc, năm nào cũng vậy, trước dịp này đều chỉ đạo các địa phương, đặc biệt là các bảo tàng và di tích tổ chức hoạt động nhằm thu hút công chúng trong xã hội hướng tới bảo vệ di sản văn hóa. Do đó, Ngày Di sản văn hóa ngày càng thu hút được đông đảo quần chúng tham gia. Chúng tôi vẫn luôn xem Ngày Di sản văn hóa là ngày hội lớn của những ai tham gia vào công tác bảo vệ di sản.

´Hiện nay chúng ta đang còn đề nghị xét duyệt những di sản mang tầm quốc tế. Nhưng có quan điểm cho rằng, việc phát huy các di sản này chưa thực sự hiệu quả, vậy ông có ý kiến như thế nào?

Quan điểm trên có lẽ chưa thực sự chính xác. Trên thực tiễn thì bảo vệ di sản nói chung là một vấn đề khó khăn phức tạp, đòi hỏi phải làm thường xuyên lâu dài. Đối với các di sản được vinh danh thế giới đòi hỏi lại càng cao và khó khăn hơn. Nhưng rõ ràng thời gian qua chúng ta cũng đã làm được nhiều cho việc bảo vệ di sản thế giới bằng việc phát huy giá trị của chính di sản đó để đóng góp cho kinh tế - xã hội ở địa phương. Chúng ta có thể thấy những di sản như: Vịnh Hạ Long, Cố đô Huế, Hội An… đã được cộng đồng tham gia bảo vệ ngày càng tích cực. Và chính trong quá trình bảo vệ và phát huy di sản thì đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên. Chúng ta có thể coi sự kiện vịnh Hạ Long vừa được bầu chọn là 1 trong 7 kỳ quan thế giới mới là sự ghi nhận trong việc bảo vệ di tích của chúng ta.

´Năm 2012 được chúng ta lấy làm năm Du lịch Di sản. Có thể nói, du lịch và di sản là sự đồng hành tốt. Tuy nhiên, ông có thể cho biết nó có những hạn chế gì?

Khai thác du lịch dựa trên di sản là cách làm tốt, vừa cải thiện kinh tế, vừa bảo vệ và phát huy được di sản. Tuy nhiên, đấy cũng là một thách thức, khi du khách tới các di sản đông hơn thì chính hoạt động sinh hoạt của du khách có những tác động tới di sản, làm cho môi trường của khu di tích bị xâm phạm; các hoạt động dịch vụ tại khu vực này vì mục đích thu nhập đơn thuần đã ảnh hưởng tới di sản, đặc biệt những di tích gắn với yếu tố tâm linh, văn hóa và linh thiêng.


´Vậy chúng ta đã có sự chuẩn bị như thế nào để có thể phát triển du lịch và bảo vệ di sản một cách hài hòa?

Chính việc sáp nhập để hình thành Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã là một nhận thức chuẩn bị về mặt tổ chức tốt nhất cho việc gắn kết giữa bảo vệ di sản và phát triển du lịch. Chúng ta đã có một chương trình hành động thống nhất từ khi xác định kế hoạch, chương trình, mục tiêu và những biện pháp để chúng ta bảo vệ phát triển. Đặc biệt, trong những năm gần đây, chúng tôi thường xuyên làm việc với các tổ chức, cơ quan phát triển du lịch, để có những chương trình tuyên truyền, giáo dục du khách đến với các di sản đồng thời thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương, bảo vệ di sản tốt nhất trong quá trình khai thác phục vụ du lịch. Chúng tôi thấy đang có sự chuyển biến tích cực trong sự gắn kết giữa di sản và du lịch.


Xin trân trọng cảm ơn ông!

Khai mạc Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ VII

Chiều 21/11, tại Trung tâm triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với nhiều bộ, ban ngành Trung ương và UBND các tỉnh Bắc Trung bộ tổ chức lễ khai mạc Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ VII với chủ đề "Tuần Văn hóa Du lịch di sản Bắc Trung bộ". Sự kiện này cũng là hoạt động mở đầu cho công tác tuyên truyền quảng bá Năm du lịch quốc gia khu vực Duyên hải Miền Trung – Huế 2012. Tuần văn hóa sẽ có nhiều hoạt động như: Giao lưu tìm hiểu di sản văn hóa Bắc Trung bộ với các chương trình ca nhạc của các trường đại học trên địa bàn Hà Nội như: Văn hóa, Bách Khoa, Ngoại ngữ, Học viện Quản lý Giáo dục, Cao đẳng Du lịch và Đoàn nghi lễ Quân đội. Ngày 22/11 sẽ có các chương trình lễ hội làng nghề Sơn Đồng (Hà Nội); liên hoan hát ru và trình diễn trang phục người cao tuổi; giao lưu biểu diễn nghệ thuật nét đẹp văn hóa Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh.


Nguyễn Văn Cảnh (thực hiện)

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN