Tối qua, 24/11, chương trình nghệ thuật khai mạc Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024, đã diễn ra tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, TP.Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Với chủ đề “Vàng son một thuở cố đô”, lễ khai mạc như “bộ phim dã sử cổ trang”, đã chinh phục người xem mọi lứa tuổi với việc tái hiện những mốc son lịch sử huy hoàng, “giải mã” những câu chuyện ẩn sâu dưới lớp trầm tích lịch sử rực rỡ của Cố đô Hoa Lư xưa.
Bất ngờ, choáng ngợp, xúc động, khơi dậy tình yêu lịch sử, biết ơn các bậc tiền nhân, trào dâng niềm tự hào và tình yêu vùng đất Ninh Bình, yêu quê hương đất nước… là cảm xúc chung của hàng nghìn khán giả theo dõi trực tiếp tại sân khấu, cũng như hàng triệu khán giả qua truyền hình trực tiếp.
Sửng sốt, bất ngờ, rồi trào dâng tình yêu lịch sử
Ngay từ những giây phút đầu tiên, màn khai từ “Hùng thiêng sông núi”, với sự tham gia của hàng trăm diễn viên đánh trống, múa cờ hùng hậu… đã tạo nên một đại cảnh trình diễn trống khai hội Festival Ninh Bình với khí thế sôi động, hào hùng trên sân khấu.
Để rồi tiếp đó, chương trình nghệ thuật “Vàng son một thuở cố đô” được xây dựng theo phong cách điện ảnh, như một “bộ phim dã sử cổ trang”, liên tục đưa người xem đến với những câu chuyện lịch sử, khi hào hùng, rực rỡ, khi tráng lệ, huy hoàng với thành quách nguy nga, khi lại xúc động với trăn trở, sự giằng xé nội tâm của các nhân vật lịch sử… sống động, hấp dẫn chưa từng có.
Chương trình gồm 5 chương: Nhất thống, Khải hoàn, Hưng thịnh, Mở cõi và Hội tụ, với sự góp mặt của hơn 800 diễn viên, ca sỹ, nghệ sỹ chuyên nghiệp, quần chúng… đưa khán giả “xuyên không”, ngược về quá khứ hòa mình vào dòng chảy lịch sử Việt Nam mang tính xuyên suốt từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XIX. Người xem như được tận mắt chứng kiến các vị vua thực hiện cuộc dời đô từ Hoa Lư đến Thăng Long, mở cõi từ Thăng Long đến Huế. Và cứ thế, dòng chảy lịch sử cuồn cuộn chảy liên tiếp đi qua câu chuyện về 3 kinh đô lớn nhất, lâu đời nhất, vàng son nhất trong lịch sử Việt Nam qua những màn tái hiện, lát cắt tiêu biểu của lịch sử…
Mở đầu chương trình, người xem đã vô cùng bất ngờ khi được chứng kiến cảnh dựng đô thuở xưa. Giữa những ngọn núi non trùng điệp, người dân từng bước chuyền tay nhau những khối gạch tái hiện cảnh xây những đoạn tường thành. Dần dần những bức tường thành nối liền nhau, liên hoàn, kiên cố, hiểm trở và độc đáo nhất trong lịch sử dân tộc. Cuối cùng, người xem cảm thấy vỡ òa, choáng ngợp khi chứng kiến kinh thành Hoa Lư kỳ vĩ, sừng sững hoàn thành từng bước hiển hiện nguy nga trước mắt, hết sức sống động với công nghệ 3D mapping.
Tiếp sau đó là đại cảnh tập trận của vua Đinh Tiên Hoàng cùng 3 quân tướng lĩnh đầy sĩ khí. Âm nhạc vang lên giai điệu ca khúc “Hoa Lư đại tập trận”, tốp lính phất cờ trận, dàn đội hình đầy khí thế sục sôi. Các diễn viên giơ khiên đao đồng diễn cảnh tập trận, đồng diễn các thế võ truyền thống, cùng những tiếng hô vang đầy sĩ khí. Đây có lẽ là lần đầu tiên những khán giả, đặc biệt những bạn trẻ được chứng kiến cũng như được hòa mình vào khoảnh khắc lịch sử của dân tộc ta từ nhiều thế kỷ trước với cảm giác vừa ngỡ ngàng, thú vị, vừa tự hào kính nể về tầm vóc, sức mạnh, trí tuệ của các vị vua thời xưa.
Sau những đại cảnh hoành tráng, gây sửng sốt, khán giả không khỏi bất ngờ và xúc động trước câu chuyện về Thái hậu Dương Vân Nga được đưa lên sân khấu. Nữ nghệ sĩ trong vai Thái hậu Dương Vân Nga xuất hiện bước từ dưới sân khấu lên trên cung điện. 8 câu thơ gói gọn về nỗi lòng của Thái hậu Dương Vân Nga theo bước bà lên những bậc thang của cung điện. Mỗi bước đi đều là những giằng xé nội tâm, cho thấy nỗi lòng ngổn ngang của bà trước thân phận mình và vận mệnh đất nước để có một quyết định mang tính đại nghiệp lúc bấy giờ. Và bà đã quyết định trao trọng trách cứu nước, cứu dân cho tướng Lê Hoàn, “không tiếc tấm thân vàng” đón nhận về mình những chỉ trích, hoài nghi.
Tổng đạo diễn, tác giả kịch bản Lê Hải Yến cho biết chị đã mạnh dạn “minh oan” cho Thái hậu Dương Vân Nga trên sân khấu “Vàng son một thuở cố đô”. Câu chuyện mà Lê Hải Yến kể như muốn soi tỏ hơn một đoạn “mây mù” của lịch sử, trả lại cái nhìn đúng đắn về Thái hậu. Chương trình cũng làm rõ hình ảnh Thái hậu Dương Vân Nga trao long cổn cho tướng Lê Hoàn là trao một sứ mệnh, một trọng trách của non sông đất nước. Sau này thắng giặc ngoại xâm, Vua Lê Hoàn trở về mới lên ngôi, thực sự chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Lê. Có thể nói, đây là màn diễn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người xem, khán giả không ngớt xuýt xoa khen ngợi tà áo trải dài hàng trăm bậc sân khấu được mapping hình ảnh phượng và vân mây không chỉ cực kỳ đẹp mắt, mà còn giúp mỗi người nhìn thấu hơn một câu chuyện lịch sử còn nhiều uẩn khúc.
Tổng đạo diễn Lê Hải Yến tiết lộ, để viết nên tiết mục này, ngoài đọc sách sử, tham khảo ý kiến chuyện gia, chị đã có nhiều chuyến công tác đến với những nơi thờ tự Thái hậu để tìm hiểu. Và, chị cũng từng đặt mình vào vai người phụ nữ đặc biệt đó để hiểu những uẩn khúc, những nỗi niềm của bà.
“Quyết định của Thái hậu Dương Vân Nga là sự hi sinh cùng nỗi đau đớn trong lòng mà bà phải chịu đựng. Người phụ nữ đó có nghị lực và bản lĩnh phi thường để có thể đưa ra những quyết định liên quan tới vận mệnh của giang sơn. Nếu không có mạch nối như vậy thì chúng ta không giữ được bờ cõi, lại tiếp tục bị xâm lược. Tôi mong qua đó khán giả hiểu được hoàn cảnh đó và tri ân bà” - Tổng đạo diễn Lê Hải Yến bày tỏ.
Trong một thời lượng ngắn chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, chương trình nghệ thuật “Vàng son một thuở cố đô” khai mạc Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024, đã giúp người xem hình dung một cách rõ ràng, mạch lạc và vô cùng sống động về các triều đại đã qua của đất nước, vai trò, sứ mệnh của từng kinh thành Hoa Lư, Huế và Thăng Long.
Chương trình không chỉ mãn nhãn với từng phân cảnh, từng chi tiết, mà còn khiến người xem đi từ hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, niềm tự hào trước lịch sử dựng nước, giữ nước của cha ông ngày càng dâng cao mãnh liệt trong trái tim khi theo dõi câu chuyện trên sân khấu.
Gây ấn tượng mạnh là cảnh thủy chiến, khải hoàn, cảnh dời đô của vua Lý Thái Tổ với thủy trình từ sông Hoàng Long - sông Đáy - sông Châu - sông Hồng - sông Tô Lịch đến Thăng Long, được tái hiện vô cùng sống động trên sân khấu. Khán giả cũng mãn nhãn khi được chứng kiến không gian Điện Kính Thiên và sân rồng nơi diễn ra kỳ thi quan trọng của triều đình nhà Lê xưa - kỳ thi Đình được tổ chức 3 năm một lần để chọn ra Trạng Nguyên hiền tài của quốc gia. Hay là cảnh chốn phồn hoa ở phủ quan văn, tái hiện sự hưng thịnh về đời sống vật chất và tinh thần của chốn đô thành Thăng Long xưa. Hoạt cảnh tái hiện buổi Yến tiệc trong Đại nội kinh thành Huế cũng vô cùng sinh động như hiện ra từ những trang sách.
Trong suốt “bộ phim dã sử cổ trang” ấy, khán giả cũng được “thăng trầm” cảm xúc cùng những lát cắt lịch sử. Bên cạnh những hình ảnh, câu chuyện về các triều đại, những kinh thành nguy nga, tráng lệ, những hào hùng, rực rỡ khán giả cũng có những phút lắng đọng khi chứng kiến những bi hùng của thời đại. Đó là câu chuyện vị võ tướng nhận lệnh Hoàng thượng đem bảo kiếm ra biên cương chiến đấu với quân thù. Người vợ hiền hát “Tống biệt khúc” và “Dạ cổ hoài lang” bịn rịn từ biệt chồng. Sau đó là hình ảnh người chồng trong chiếc đèn kéo quân trúng tên mà gục ngã, người vợ chờ chồng hóa tượng đá trên đỉnh núi. Những hình ảnh ấy giúp người xem cảm nhận đủ đầy hơn về những hy sinh của anh hùng hào kiệt ở bất kỳ thời đại nào cũng luôn sẵn sàng để lại tình riêng, dâng mình cho non sông, giữ lấy bình yên cho dân, cho nước. Và, câu chuyện lịch sử này còn gây xúc động mạnh với hình ảnh người vợ và người chồng ấy đã được gặp nhau trong tâm thức với tình yêu bền chặt, thuỷ chung, hoá bất diệt.
Trong niềm tự hào về lịch sử, về những giá trị bất diệt của cha ông đã để lại, khán giả như vỡ òa xúc động, yêu hơn Ninh Bình của xưa và nay, nơi hội tụ của vẻ đẹp văn hóa, di sản. Trong chương cuối cùng, chương trình khắc họa một hình ảnh Ninh Bình nơi sở hữu Quần thể danh thắng Tràng An - di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên do UNESCO công nhận, nơi sở hữu những trầm tích lịch sử, nơi mở đầu thời kỳ văn hiến trong những năm tháng huy hoàng & vàng son đầu tiên của lịch sử độc lập dân tộc… ngày hôm nay là nơi hội tụ những di sản văn hoá, âm nhạc dân tộc, không chỉ góp phần quảng bá văn hóa, lịch sử, nét đẹp của Việt Nam mà còn thúc đẩy du lịch, thương mại, phát triển kinh tế - xã hội. Ðó là tài nguyên vô giá mà các thế hệ cha ông trao truyền cho các thế hệ sau gìn giữ, bảo tồn và phát huy.
Chương này cũng khẳng định, với vai trò của một đô thị di sản thiên niên kỷ, khởi đầu cho dòng chảy di sản của dân tộc, Ninh Bình sẽ trở thành nơi hội tụ, điểm đến của các di sản, để lan tỏa những giá trị thiêng liêng và nguồn tài nguyên văn hoá, góp phần làm nên hồn cốt, bản sắc của Việt Nam hội nhập cùng thế giới.
Sân khấu chuyển động cơ học làm nên thành công của “Vàng son một thuở cố đô”
Để khán giả có được trọn vẹn cảm xúc khi xem “bộ phim dã sử cổ trang” “Vàng son một thuở cố đô”, đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác trong suốt chương trình với câu chuyện liền mạch, chuyển động không ngừng như chứng kiến dòng lịch sử cuồn cuộn chảy qua các triều đại, từ xưa đến nay… là ý tưởng, sáng tạo, sự công phu, tỉ mỉ nhiều tháng trời của ekip thực hiện.
Lần đầu tiên ở một sự kiện nghệ thuật lễ hội, khán giả được thấy toàn bộ bối cảnh, không gian sân khấu không ngừng chuyển động từ đầu tới cuối, nhịp nhàng, sống động, đẹp mắt. Nhờ đó, những đại cảnh, những màn dựng đô, xây thành, tập trận đầy hào hùng, khí thế… đã đẩy cảm xúc của người xem trào dâng, đầy ngỡ ngàng và cảm phục. Với đội ngũ thiết kế sân khấu hàng đầu Việt Nam, Khai mạc Festival Ninh Bình lần thứ III-2024 được diễn ra trên một sân khấu chuyển động hoàn toàn bằng cơ học. Đây có thể coi là sân khấu chuyển động cơ học đặc biệt nhất từ trước tới giờ tại Việt Nam, với 21 chiếc máy chiếu 3D mapping, những màn trình chiếu gây ấn tượng lớn về mặt thị giác… Ê-kíp có sự kết hợp bàn nâng, bàn xoay, ray trượt, ray âm, có những hệ nâng cao tới 30m, chiều ngang 60m, như thang máy lớn của một tòa nhà 8 tầng… Tổng đạo diễn Lê Hải Yến đã “làm khó” ekip khi đòi hỏi sự biến đổi của ba kinh thành được thể hiện ngay trên sân khấu. Và nhờ sự nghiên cứu tỉ mỉ, sáng tạo của ekip đã đem đến những màn biến đổi ấn tượng, ngoạn mục ngay trên sân khấu, thể hiện được sự đặc sắc, nét riêng của từng kinh thành.
Âm nhạc trong chương trình góp phần đưa khán giả đi qua nhiều cung bậc cảm xúc, khi thì sục sôi khí thế xây thành, tập trận, lúc rộn ràng không khí học tập thi cử, lúc lắng đọng, day dứt, và có lúc quá khứ - hiện tại được kết nối, âm nhạc dân gian kết hợp đương đại vừa thấm đẫm tinh thần dân tộc vừa mang hơi thở thời đại mới mẻ và cuốn hút.
Khán giả cũng vô cùng ấn tượng với trang phục đặc biệt những nhân vật chính xuất hiện trong “bộ phim dã sử cổ trang” “Vàng son một thuở cố đô”. Mỗi bộ trang phục được chăm chút tỉ mỉ, là những thiết kế vô cùng lộng lẫy, sang trọng, ứng với mỗi thời kỳ lịch sử, mỗi khung cảnh, câu chuyện… giúp khán giả hiểu thêm về trang phục, nền văn hóa mỗi thời kỳ lịch sử Việt Nam.
Tất cả mọi thứ được ê kíp chuẩn bị chỉn chu, tinh tế từng chi tiết nhỏ, với mục tiêu lớn là để tôn vinh những con người, những nhân vật, những câu chuyện lịch sử, những anh hùng hào kiệt trong lịch sử Ninh Bình, Việt Nam. Đêm khai mạc Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024 giúp khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ nhìn nhận lịch sử một cách chân thực nhất, sống động nhất, để có thể cảm nhận bằng trái tim thay vì những thông tin, số liệu ghi trong sách vở. Bằng nghệ thuật, bằng sự tôn kính và biết ơn các bậc tiền nhân, chương trình đã thực sự khơi dậy tình yêu lịch sử trong lớp lớp thế hệ khán giả. Đây cũng là mong muốn lớn nhất của BTC chương trình với khát vọng khơi dậy, nhân lên, và lan tỏa tình yêu lịch sử đến với công chúng, đặc biệt với thế hệ trẻ. Vậy thì, một chương trình nghệ thuật đẹp mắt, lắng đọng, xúc động như “Vàng son một thuở cố đô” là con đường ngắn nhất, nhanh nhất để chạm đến mục đích đó.
Sau chương trình, tác giả kịch bản kiêm Tổng đạo diễn chương trình Lê Hải Yến chia sẻ: “Để có thể hiện thực hóa những ý tưởng, những bài toán khó của tôi, ekip đã phải dành rất nhiều công sức và tâm huyết. Đơn cử, việc tôi muốn biến một kinh đô thành 3 kinh đô là một trong những điều “không tưởng” mà trước đây chưa bao giờ có, chưa ai từng làm.
Khán giả xem thấy sân khấu đẹp lung linh, những chuyển động thật êm đềm, uyển chuyển nhưng phía sau là một hệ điều khiển vô cùng lớn và phức tạp. Để có đêm diễn hoàn hảo nhất có thể, tôi đòi hỏi tất cả đều công phu, chỉn chu đến từng chi tiết từ trang phục, đạo cụ, diễn xuất, biên đạo, âm nhạc…, khiến cho cả ê-kíp phải căng mình, chạy hết công suất hàng tháng trời.
Trên sân khấu, bên cạnh những diễn viên chuyên nghiệp còn có rất nhiều những diễn viên quần chúng, có những bạn là đồng chí bộ đội, công an, học sinh, những em nhỏ, thậm chí có những người chưa bao giờ lên sân khấu chưa bao giờ biết nghe nhạc, tiết tấu… Chúng tôi phải tập luyện, hướng dẫn các bạn từng chút một, từng chi tiết nhỏ để từng cảnh, từng hình đều đẹp mắt và cảm xúc”.
Tổng đạo diễn Lê Hải Yến cũng tiết lộ, để viết được kịch bản chương trình chị đã mất nhiều tháng nghiên cứu lịch sử: “Tôi muốn truyền cảm hứng, khơi dậy tình yêu lịch sử và niềm tự hào dân tộc với khán giả đại chúng, đặc biệt là khán giả trẻ. Xem chương trình, khán giả thấy ngạc nhiên, bất ngờ, thấy xúc động tự hào, thêm yêu quê hương đất nước, thì chương trình của chúng tôi đã thành công”.
Một số hình ảnh trong chương trình: