Nét văn hóa và tính cộng đồng trong các ngày lễ, Tết của đồng bào Khmer Nam bộ

(Tin tức) - Theo ông SơnRyTa, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có trên một triệu người Khmer đang sinh sống hòa hợp với cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Riêng Vĩnh Long có trên 24.000 đồng bào Khmer đang sinh sống cùng cộng đồng các dân tộc Kinh - Hoa trong tỉnh, tập trung nhiều ở các huyện Tam Bình, Bình Minh, Trà Ôn, Vũng Liêm. Các ngày lễ, Tết của người Khmer Nam bộ mang đậm nét văn hóa truyền thống và tính cộng đồng cao.


Chùa Mu Ni Răng Say của đồng bào Khmer
tại TP Cần Thơ trong ngày Tết cổ truyền.



Đồng bào Khmer Nam bộ có rất nhiều các ngày lễ lớn trong năm như: Tết Chol Chnam Thmay (Tết đón năm mới - có ý nghĩa như Tết Nguyên đán), lễ Đolta (lễ cúng ông bà - có ý nghĩa như tết mùng 5 tháng 5), lễ Okombok (lễ cúng trăng có ý nghĩa Tết Trung thu). Trong các ngày lễ, Tết, đồng bào Khmer thường tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật truyền thống độc đáo mang đặc trưng của người Khmer Nam bộ như hát A Day, các trích đoạn kịch hát truyền thống Rê Băm, Dù Kê, Dì Kê..., các điệu múa dân gian múa trống Xà Dăm, múa Gáo, múa Rôm Vông, Rôm Khách....

Lễ hội dân gian mang tên Okombok thường được cử hành tại chùa và gia đình vào các ngày mười bốn và ngày rằm tháng 10 âm lịch để tạ ơn thần Mặt trăng đã cho mùa màng tươi tốt, sông ngòi nhiều tôm, cá, người người ấm no, hạnh phúc. Thời điểm này đồng bào Khmer ở các tỉnh ĐBSCL đang tưng bừng chuẩn bị cho lễ hội Okombok năm 2010. Ngoài cốm dẹp là món không thể thiếu, một số gia đình còn gói thêm bánh tét, bánh lá dừa, làm bánh bột chiên, nấu những món ăn đặc sản như bún mắm bò hóc, bún nước lèo… để đãi khách hoặc tặng khách lúc ra về. Một số tỉnh còn tổ chức đua ghe ngo - hoạt động thể hiện của sự đoàn kết, sức mạnh, sự dẻo dai của đồng bào trong việc chinh phục thiên nhiên.

Lễ Dolta tổ chức trong vòng 16 ngày, từ 16-30 tháng Bhaddapada (khoảng tháng 8 âm lịch), là lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer, còn được gọi là lễ cúng ông bà (Píthsên Đônta, lễ tụ hội phúc đức, có ý nghĩa giống với lễ Vu Lan của người Việt nên còn được gọi là lễ "Xá tội vong nhân”). Đây là lễ được tổ chức nhằm tưởng nhớ đến công ơn ông bà, cha mẹ và người thân, tạ ơn những người đã khuất và cầu phúc cho những người còn sống, tạo nên sự gắn bó giữa bạn bè, người thân và cả cộng đồng. Trong lễ Đolta, con cháu người Khmer còn chuẩn bị các thức ăn ngon, lễ vật để thờ cúng tổ tiên, dâng lên ông, bà cha mẹ còn sống để tỏ lòng hiếu kính. Lễ vật trong lễ Đolta thường là những món ăn bình dị, gần gũi hàng ngày sẵn có của mỗi gia đình như trái cây vườn nhà hoặc các sản phẩm đơn giản của quê hương.

Tết Chol Chnam Thmay của dân tộc Khmer thường diễn ra vào tháng 4 dương lịch là lễ đón năm mới, lễ quan trọng nhất trong năm, được tổ chức tại chùa và trong từng gia đình. Tết kéo dài trong 3 ngày. Trong đó, ngày thứ nhất gọi là ngày "sangkran" tức là ngày "rước quyển Đại lịch" (Maha sangkran) với ý nghĩa đón mừng năm mới mà nghi thức lễ gắn với thần thoại Thomabal và Kabil Maha Prum; ngày thứ hai là ngày "wonbot", mọi người sẽ đi chùa lễ Phật, mang thức ăn dâng cho các sư sãi; ngày thứ ba được gọi là ngày "Lơn sak" với các nghi thức chính là cầu siêu và tắm tượng Phật. Trong ngày thứ ba của lễ, trước tượng đức Phật, chư tăng đọc kinh sám hối và sau đó dùng một cành hoa nhúng vào nước có hương thơm để tắm tượng Phật bằng cách vẩy nước thơm vào tượng. Sau đó, mọi người tuần tự đến trước tượng để làm lễ đức Phật. Đến đây thì Phật tử dùng nước thơm để vẩy lên người các vị sư để tỏ lòng tôn kính và cũng từ đó mọi người cùng té nước vào nhau để chúc mừng và cầu xin sự may mắn bởi đối với người Khmer nước là biểu tượng của sự sung túc và may mắn. Đây là nghi thức kết thúc hội lễ Chol Chnam Thmay nhưng cũng là sự tiếp nối cuộc vui trong những ngày đầu năm mới.

Phạm Thị Bình

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN