Nâng cao văn hóa khi đi lễ hội

Ngày 4/4, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã gặp gỡ báo chí để trao đổi những vấn đề nổi cộm của ngành những tháng đầu năm. Văn hóa đi lễ của người dân hiện nay là một trong những vấn đề được tập trung bàn tới.


 

Người người chen chân vào lễ chùa Hương ngày khai hội.

 

Đánh giá về việc phát ấn đền Trần (Nam Định), ông Lương Hồng Quang, Viện phó Viện nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam, cho biết: Đây là năm thứ hai BTC tổ chức phát ấn theo quy định mới; có những việc thực hiện tốt nhưng cũng có việc chưa tốt. Chủ trương phát ấn vào sáng hôm 15 tháng Giêng là hợp với lòng dân, nhưng quá trình thực hiện cần tiếp tục hoàn thiện. Đơn cử như việc mở rộng địa điểm chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn của người dân, năng lực tổ chức của ban quản lý cần cải tiến. Quan trọng hơn, công tác quản lý lễ hội hiện nay còn phụ thuộc nhiều vào ý thức của người đi hành hương, đi lễ. Có thực tế, người đi lễ không hiểu các nghi lễ và thường làm theo tâm lý đám đông. Chính vì vậy, BTC các lễ hội cần có những góp ý với người hành hương. Trong đó có giải pháp liên kết với Giáo hội Phật giáo Việt Nam giáo dục về các giá trị của di sản và đi lễ như thế nào cho đúng. Việc làm này cần có quá trình.


Bà Tuyết Mai, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH,TT&DL), cho biết: Xây dựng nếp sống văn hóa lễ hội rất cần nâng cao nhận thức của người đi lễ. Để làm được điều này, cần sự vào cuộc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đơn vị hữu quan. Vừa qua, Cục Văn hóa cơ sở và Giáo hội Phật giáo đã tổ chức đánh giá tại các cơ sở. Từ báo cáo các địa phương, sẽ có tổng kết rút kinh nghiệm ở cấp toàn quốc. Qua kiểm tra 60 di tích, chùa chiền, có một thực tế, nơi nào có sự tham gia tích cực của sư trụ trì thì nơi đó có hiệu ứng khá tốt như không cúng tiến thức ăn chín, việc bỏ tiền lẻ cũng giảm bớt. Do đó, để giáo dục văn hóa đi lễ, hành hương cần có sự tham gia của các nhà sư. Từ đó đời sống văn hóa lễ hội sẽ có chuyển biến tích cực.


Ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL, cho biết: Trong những tháng đầu năm, Thanh tra Bộ đã kiểm tra hơn 80 lượt lễ hội, nhìn chung công tác tổ chức lễ hội đã quy củ hơn, công tác tuyên truyền tích cực, an ninh trật tự đảm bảo. Tuy nhiên, những bất cập trong quản lý về lễ hội vẫn còn. Như việc chuyên chở, tích trữ vàng mã, hiện nay chưa có quy định cấm. Vì vậy hiện lực lượng thanh tra văn hóa chỉ xử phạt được hành vi đốt vàng mã, nhưng khi kiểm tra không có hiện tượng này (?). Hay việc trong cùng một lễ hội lại có nhiều đơn vị quản lý như Bộ VH,TT&DL quản lý nhà nước về di tích văn hóa, công tác tổ chức do địa phương quản lý, an ninh trật tự lại do công an. Chính vì vậy, trong những tháng đầu năm nay, mới chỉ xử phạt được 2 triệu đồng tại chùa Hương về hàng quán không đúng quy định.


Theo ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL, báo chí có vai trò quan trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân đi lễ. Bên cạnh nỗ lực của Bộ, địa phương và các đơn vị hữu quan trong công tác tổ chức, báo chí cần mở rộng tuyên truyền để người dân hiểu về các nghi lễ trong lễ hội và từ đó có ứng xử hợp lý.


Bài và ảnh: Xuân Minh

Lễ hội biến tướng, chính quyền thờ ơ
Lễ hội biến tướng, chính quyền thờ ơ

Mỗi độ xuân về, các lễ hội được tổ chức khắp nơi cầu cho một năm mới an lành, mưa thuận gió hòa, làm ăn suôn sẻ. Tuy nhiên, nhiều đền, chùa đang bị biến thành nơi sát phạt đỏ đen, nhiều lễ hội đang bị biến tướng trong khi chính quyền thờ ơ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN