Mới chỉ
ra mắt hơn 10 ngày nhưng tập thơ “Đi qua thương nhớ “ của tác giả trẻ Nguyễn
Phong Việt đã đạt đến con số 10.000 bản. Tập thơ không chỉ tạo nên một hiện tượng
mới của làng thơ Việt thu hút rất nhiều độc giả, mà nó còn khẳng định một lối đi
riêng trong phong cách thơ Phong Việt.
Tập thơ "Đi qua thương nhớ" của Phong Việt. |
“Có bao nhiêu
người đã đi qua thương nhớ mà quên được nhau?” Câu thơ đầy tính triết lý đó của
nhà thơ trẻ Nguyễn Phong Việt đã trở thành một biểu tượng mới của thơ ca giới
trẻ. Những vần thơ không quá êm đềm, cuốn theo vần điệu, nhưng trong những tiếng
thở bi quan về cuộc đời, tình yêu và vẫn tìm thấy sự lạc quan… Đó là những gì được
gửi gắm trong tập thơ “Đi qua thương nhớ”.
Độc giả Thu Trang, 23 tuổi, Hà Nội chia sẻ cảm xúc sau
khi đọc thơ của Phong Việt: “Tôi thấy thơ anh mang một nổi buồn trầm lắng mà
sâu sắc. Thế nhưng khi cảm nhận sâu hơn thì mọi thứ lại bình yên đến lạ. Thật cám
ơn anh rất nhiều, những vần thơ của anh đã giúp tôi tìm lại những ký ức mà tôi
tưởng đã bỏ quên mất.”
Sinh năm 1980 tại Phú Yên, tuy tốt nghiệp Đại học Ngoại
Ngữ - Tin học thành phố Hồ Chính Minh nhưng Phong Việt lại có duyên với thơ văn.
Anh đã từng là thành viên Hội bút vòm Me Xanh của báo Mực Tím và ba lần đoạt giải
thưởng Bút mới của báo Tuổi trẻ. Hiện tại Phong Việt đang là phóng viên mảng Văn
hoá - Nghệ Thuật báo Mực tím thuộc Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Phong Việt
giống như một hình ảnh tiểu biểu mới cho sức sống thơ giới trẻ hiện đại. Không
quá cầu kỳ trong hình thức thể hiện, bố cục và kết cấu, thơ của anh vừa là thơ
mà cũng chẳng là thơ. Nhiều bài giống như một tùy bút, tản văn ngắn mà ở đó có
những nốt thăng trầm nhấn nhá, những vần điệu nhịp nhàng.
Thơ Phong Việt giống
như một cuộc hành trình đầy thú vị với những trải nghiệm sâu sắc của cuộc đời,
mỗi một bài thơ giống như một chuyến đi, Phong Việt đưa người đọc đi rồi lại
đưa họ về, và rồi để người đọc tự đi trên con đường tâm trí của bản thân trước
những nỗi ám ảnh đầy triết lý. Chất tự sự trong nội dung ít, song ở hình thức lại
nhiều.
…
Chúng ta đã đi qua thương nhớ mà không hề phải vay
nên nợ nần chỉ đong bằng cảm giác
nên sợ cuộc đời về sau sẽ chẳng thể
nào ôm được ai đó trong tay thật chặt
nên lo lắng những giọt nước mắt sẽ
quên từng bỏng rát
dù đau đến xanh xao…
Có bao nhiêu người đã đi qua thương nhớ
mà quên được nhau?
Trích “Đi qua thương nhớ” của Phong Việt
Phong Việt có một cách ngẫm đời vô cùng thú vị. Một
cái nhìn vừa bi quan mà cũng vừa lạc quan, vừa tích cực lại cũng vừa tiêu cực. Nhiều
khi đọc thơ của anh, ta thấy những nỗi buồn, u ám. Nhưng ở đâu đó, trong cái buồn
và u ám đấy, vẫn thắp lên nhưng tia sáng của hi vọng, của những điều tốt đẹp của
cuộc sống. Không chỉ về tình yêu, Phong Việt có những góc nhìn khá đa dạng về
việc giới trẻ nhìn nhận cuộc đời, về cha mẹ, gia đình, về những trải nghiệm
trong thế gian… và lại có đôi khi, ở thơ của anh phảng phất đâu đó tâm sự của một
thiếu nữ đầy cảm xúc.
Nếu như Nguyễn Thế Hoàng Linh thích đưa những vấn đề
nhỏ nhặt hàng ngày, những câu chuyện trong cuộc sống vào lời thơ, Vi Thùy Linh
thích nói về những cảm xúc yêu đương mãnh liệt, cuồng si và đâu đó là đôi chút
nổi loạn, Hồng Thanh Quang ngập tràn trong sự lãnh mạn… thì Phong Việt lại chọn
cho mình một lối đi riêng ấn tượng. Thơ của Phong Việt được đánh giá cao ở cái
cảm thức. Anh thích hình tượng hóa tất cả mọi thứ. Từ những điều nhỏ nhoi, những
sự vật nhỏ bé, để nói lên cái tư tưởng mà mình muốn gửi gắm. Từ những chiếc lá
rụng, mà nói lên tâm trạng, tư tưởng của cả một đời người…
Độc giả Thanh Tùng, 27 tuổi, Hà Nội: “Tôi đã đọc thơ
Phong Việt từ khi còn trên báo Mực Tím đã có những ấn tượng rất sâu sắc. Thơ
Phong Việt đơn thuần là những rung động trong tâm hồn anh về con người và cuộc
sống. Bởi lẽ đó mà dù đọc đi đọc lại nhiều lần tôi vẫn không thấy chán. Suy ngẫm
về những bài học trong thơ Phong Việt giúp tôi có cái nhìn khác hơn về tình cảm
yêu thương và nhận ra những giá trị của thực tại”.
Song, Phong Việt vẫn cho thấy rằng, thơ của anh còn
kén người đọc, người nghe. Thơ của Phong Việt mang tính triết lý cao, đọc nhiều
lần mới thấm, mới nhớ. Vậy chăng đó âu cũng là một điều khó khăn để anh gửi gắm
những tư tưởng của mình tới cuộc đời. Dẫu sao, thơ của anh cũng đã “đi qua” độc
giả, và hẳn trong số chúng ta những ai đã suy ngẫm về “Đi qua thương nhớ” thì cũng
khó có thể quên được Phong Việt.
Vân Ly