Lâu nay, khi tìm mua sách ở Hà Nội, người ta thường đến một vài con phố bán sách như Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Hoàng Quốc Việt… Tuy nhiên, những cửa hàng ở đây đều hình thành tự phát, nên giá cả thất thường, chất lượng sách không được kiểm soát.
Để duy trì nét văn hóa đọc vốn đã thành truyền thống của cả dân tộc, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người đọc, ý tưởng về một phố sách có sự quản lý, quy hoạch cụ thể đang được bạn đọc Thủ đô ủng hộ.
Xây dựng “điểm đến” cho người yêu sách
Là thành phố văn hóa, Thủ đô của cả nước, nhưng Hà Nội lại chưa có đường sách được quy hoạch, quản lý thống nhất, mà chỉ có triển lãm, hội chợ sách đã được các nhà phát hành, nhà xuất bản tổ chức riêng lẻ hoặc phối hợp tổ chức. Đó là nhận xét của những người trong giới cũng như đông đảo độc giả Thủ đô. Chị Trần Thị Liên (phố Tôn Đức Thắng) cho biết, cuối tuần chị và con trai thường đến cửa hàng sách Kim Đồng trên phố Quang Trung. Con trai chị Liên rất háo hức, muốn đọc ngay ở đó nhưng cửa hàng sách lại không có không gian dành cho nhu cầu thiết yếu này của các cháu, cũng như không có không gian cho phụ huynh hướng dẫn cách chọn, đọc sách cho con.
Phố sách Đinh Lễ hình thành tự phát nên còn nhiều “hạt sạn”. Ảnh: Lê Phú |
Còn ông Nguyễn Văn Học (Hà Nội) thì bày tỏ: Hà Nội là trung tâm văn hóa, là “kho tri thức” của cả nước, hiện Hà Nội có những “phố” sách như Đinh Lễ, Tràng Tiền, tuy nhiên, các phố này còn lộn xộn và chật chội, chủ yếu là mua bán sách chứ chưa có không gian dành cho đọc sách. Hà Nội cần phải có một phố sách thật sự, được quản lý chặt chẽ, khoa học, là nơi giao lưu văn hóa, nơi người đọc có cơ hội lựa chọn, trao đổi những cuốn sách hay. Từ đó cũng khơi dậy tinh thần đọc, văn hóa đọc của các tầng lớp nhân dân.
Về vấn đề này, Giáo sư Sử học Lê Văn Lan khẳng định: “Truyền thống đọc sách của ông cha ta đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó không chỉ là nét đẹp tâm hồn của mỗi người, mà còn là nét đẹp văn hóa của cả cộng đồng. Việc có một đường sách ở Thủ đô ngàn năm văn hiến sẽ mang một ý nghĩa vô cùng to lớn. Đường sách được hình thành không chỉ góp phần tôn vinh nét đẹp văn hóa đọc của người Hà Nội mà còn phát huy nét hào hoa, thanh lịch của người Tràng An”.
Tạo dựng văn hóa đọc
Có nhiều ý kiến cho rằng văn hóa đọc hiện nay đang xuống cấp, nhưng thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Độc giả ngày nay đọc với tốc độ có thể nói là chóng mặt. “Dù ở trạm chờ xe buýt, trong bệnh viện, nhà ga hay bất cứ một nơi nào khác chỉ cần có Internet là chúng ta đều có thể đọc”- đó là chia sẻ của Nguyễn Anh Nguyên, sinh viên trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.
Còn Phạm Thị Mai, một nhân viên văn phòng cho biết: “Sau giờ ăn trưa mình đều tranh thủ lướt các trang báo online để đọc tin tức cũng như các cách làm đẹp và chăm sóc gia đình”. Đọc nhiều nhưng Mai lại không đọc sách vì không biết nên chọn sách gì, bởi thực sự ra hiệu sách giờ đây quá nhiều sách, nội dung thì “không biết đường nào mà lần”. Thậm chí, có nhiều sách tên rất hấp dẫn, nhưng khi đọc thì nội dung chẳng có gì; đấy là chưa kể đề tựa và nội dung của sách kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”… Điều này có thể được lý giải rằng khi nền kinh tế đang gặp khó khăn, các nhà xuất bản, đơn vị ấn hành phải bươn trải để tồn tại nên đã xảy ra một số điều đáng tiếc như sách làm ẩu, sai sót nhiều…
Vì vậy, một trong những lý do khiến bạn đọc thờ ơ với sách chính là vấn đề chất lượng, việc lựa chọn sách trong “rừng sách” hiện nay. Muốn vậy, rất cần những sự định hướng, và việc xây dựng đường sách Hà Nội, nơi sẽ quy tụ được những thương hiệu uy tín, có được các sản phẩm chất lượng… sẽ là “động lực” để những người yêu sách muốn tìm đến với sách hơn. Đặc biệt, khi Ngày sách Việt Nam (21/4) lần đầu tiên sẽ được tổ chức với quy mô quốc gia, thì việc có một phố sách được qui hoạch theo hướng văn minh, lịch sự, trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa đọc truyền thống của người Việt Nam sẽ là một hành động thiết thực để góp phần xây dựng văn hóa đọc.
Một đường sách sẽ in sâu vào trong tâm hồn của người Hà Nội như nét văn hóa truyền thống của dân tộc như phố ẩm thực Tống Duy Tân, phố tình yêu Nguyễn Du với hương hoa sữa nồng nàn mỗi độ thu về… Tại sao lại không thể!
Thu Hiền