“Bạn ngồi xuống đây nghe tui kể chút nè, về mấy thằng bạn cà tưng lớp nhứt trường tiểu học Bình Tây của tui. Cũng lâu lắm rồi á, hồi năm 1967 lận”…
Hóa ra, “Mùa tiểu học cuối cùng” là câu chuyện của những đứa trẻ “cà tưng”. Những sự tích “cà tưng” của “thằng Chương” có phép tàng hình, “thằng Ty” ngã cây,… tưởng vu vơ mà lại là cả trời thương nhớ, bởi những trò nghịch quậy tuổi học trò thời nào cũng có. Chính vì vậy, những mảnh ghép ký ức của tác giả, đã hòa vào dòng ký ức của rất rất nhiều thế hệ học trò.
Cố nhà văn Lê Văn Nghĩa được biết đến với danh xưng “anh Hai làng trào phúng”, với dấu ấn “Hai Cù nèo” nổi tiếng ở ấn bản tạp chí Tuổi trẻ cười. Nét hài hước trào phúng, dí dỏm mà đầy trí tuệ của nhà báo - nhà văn đã đi vào những tác phẩm cuối cuộc đời, tạo nên hàng loạt các đầu sách viết về thời hoa niên, nhẹ nhàng và trong veo: "Mùa hè năm Petrus", "Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy", "Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ", "Mùa tiểu học cuối cùng"...
Điều đặc biệt, nét hóm hỉnh, dí dỏm và cách suy nghĩ “rất Sài Gòn” của tác giả sinh năm 1953 tại chính mảnh đất Sài Gòn - Chợ Lớn đã khiến “Mùa tiểu học cuối cùng” cũng như những cuốn sách kể trên, mang một nét duyên thầm.
Cuốn truyện dài vừa như tập lưu bút tuổi thơ vừa như bản khảo cứu địa chí, khiến người đọc đã một lần cầm lên, là sẽ đọc một mạch dài, để rồi kết thúc trong tiếc nhớ bâng khuâng.