Khai mạc Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh

Sáng 23/2 (tức 14 tháng Giêng), UBND huyện Ba Vì, Hà Nội, tổ chức khai mạc Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh Xuân Giáp Thìn và khai trương Du lịch huyện Ba Vì năm 2024 tại Di tích Lịch sử - văn hóa Quốc gia đền Hạ, thuộc xã Minh Quang.

Chú thích ảnh
Nghi lễ rước nước tại Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh. Ảnh: TTXVN phát

Tản Viên Sơn Thánh là hiện thân của một vị thần núi, cai quản không gian thiêng của ngọn núi Tản, phía Tây kinh thành Thăng Long. Ngài còn là hiện thân của nhân vật anh hùng chiến đấu chống lại thế lực ngoại bang, liên minh các bộ tộc, bảo vệ địa bàn cư trú của cư dân. Bên cạnh đó, Tản Viên Sơn Thánh còn là nhân vật anh hùng sáng tạo văn hóa, tạo ra lửa, khơi nguồn nước cứu nạn dân chúng, dạy dân các nghề nghiệp khác nhau và được tôn thờ như một vị tổ sư bách nghệ.

Tại Lễ hội, người dân và du khách thập phương được tham gia nghi thức dâng hương tưởng nhớ công ơn Đức Thánh Tản, cầu cho mưa thuận, gió hòa, nhân cường, vật thịnh, dân sinh ấm no, hạnh phúc. Trong Lễ khai mạc, du khách được thưởng thức màn trình diễn trống hội, hát múa Trường ca sử Việt và sử thi tái hiện truyền thuyết Sơn Tinh cầu hôn con gái Vua Hùng, giúp dân chế ngự thiên tai.

Ở phần hội có các giải thi đấu thể dục, thể thao, văn hóa văn nghệ và các trò chơi dân gian truyền thống.

Chú thích ảnh
Tưng bừng lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh Xuân Giáp Thìn. Ảnh: TTXVN phát

Trước đó, vào đêm 12 và rạng sáng 13 tháng Giêng, người dân đã tổ chức Lễ rước nước từ sông Đà về đền Hạ, dâng hương tại các di tích: Đền Thượng, đền Bác Hồ, đỉnh Mẫu (xã Ba Vì), đền Trung, chùa Tản Viên (xã Minh Quang) và tế thỉnh Đức Thánh tại đền Hạ.

Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết, đây là năm thứ 16 huyện Ba Vì khôi phục và tổ chức Lễ hội Tản Viên Sơn tại cụm di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ với mong muốn, những giá trị văn hóa của Lễ hội, những phong tục, tập quán của Ba Vì được bảo tồn và lan tỏa mạnh mẽ.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 397 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 120 di tích thờ Đức Thánh Tản và 134 di tích đã được xếp hạng các cấp tiêu biểu như: Di tích Quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng, di tích đình Thụy Phiêu, di tích đình Chu Quyến... Trong chiến lược phát triển của địa phương, huyện Ba Vì xác định, di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc. Đây cũng là nguồn lực để làm phong phú các sản phẩm du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Trong ngày khai mạc Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh, UBND huyện Ba Vì tổ chức khai trương Du lịch Ba Vì 2024 nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch của huyện như: Du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch nông nghiệp, nông thôn và cộng đồng.

Theo ông Đỗ Mạnh Hưng, huyện Ba Vì đang phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội xây dựng thí điểm sản phẩm du lịch cộng đồng tại làng Hợp Sơn, xã Ba Vì và sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn, kết hợp một số tour tuyến giữa Trang trại đồng quê, các khu du lịch trọng điểm với các làng nghề, các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Từ mùng 1 Tết đến hết Rằm tháng Giêng, dự kiến huyện sẽ đón trên 100.000 lượt khách. Riêng cụm di tích thờ Đức Thánh Tản Viên trên núi Ba Vì đón khoảng 90.000 lượt khách.

Đinh Thuận (TTXVN)
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh 2023: Bảo tồn, lan tỏa các giá trị văn hóa
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh 2023: Bảo tồn, lan tỏa các giá trị văn hóa

Sáng 4/2 (ngày 14 tháng Giêng năm Quý Mão), Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh năm 2023 tưởng nhớ, tri ân công đức của Đức Thánh Tản Viên Sơn - vị thần đứng đầu Tứ bất tử trong thần điện Việt, đã khai hội tại đền Hạ (xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội), dưới chân núi Tổ Ba Vì.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN