Chương trình “Dòng sông kể chuyện” mùa 2 được kỳ vọng sẽ là một vở đại nhạc kịch ngoài trời lần đầu tiên được tổ chức trên sông Sài Gòn, kết hợp giữa yếu tố điện ảnh, âm nhạc và vũ kịch, cùng những công nghệ trình diễn hiện đại nhất hiện nay để tái hiện một câu chuyện về lịch sử đồ sộ của dân tộc.
Chương trình do nữ đạo diễn Lê Hải Yến làm Tổng đạo diễn, có sự tham gia của những tên tuổi như đạo diễn sân khấu Phạm Hoàng Nam, giám đốc âm nhạc Đức Trí, tổng biên đạo Tấn Lộc. Chương trình còn có sự tham gia của nhà thiết kế Việt Hùng thiết kế phục trang, nhà thơ Vi Thùy Linh viết lời bình.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Dòng sông kể chuyện” mùa 2 với chủ đề “Chuyến tàu huyền thoại”, nằm trong lễ khai mạc Lễ hội Sông nước TP Hồ Chí Minh lần 2 năm 2024, sẽ diễn ra lúc 20 giờ đến 21 giờ 30 phút ngày 31/5 ,tại Khu Nhà Rồng Khánh Hội - Cảng Sài Gòn.
Tổng đạo diễn Lê Hải Yến bày tỏ, sự quy tụ những tên tuổi hàng đầu Việt Nam trong chương trình là mong muốn của chị nhiều năm nay, để có thể thực hiện được các show diễn đẳng cấp, có chất lượng nghệ thuật cao, góp sức cùng TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung quảng bá hình ảnh đất nước, thu hút du lịch, phát triển công nghiệp văn hóa. Hiện cả ekip đã và đang dành toàn bộ thời gian, tâm sức để chuẩn bị sẵn sàng cho chương trình.
Tổng đạo diễn Lê Hải Yến tiết lộ, so với mùa đầu tiên, với yếu tố điện ảnh, đại vũ kịch đòi hỏi đạo cụ cực kỳ phức tạp và công phu, vì vậy chị cũng đã mời chuyên gia đạo cụ hàng đầu Việt Nam - nghệ nhân Văn Tòng, được biết đến là bậc thầy về sân khấu và đạo cụ ở TP Hồ Chí Minh cùng họa sĩ thiết kế sân khấu Quốc Nghị tham gia.
Đạo diễn Phạm Hoàng Nam nhận định, so với năm trước, chương trình năm nay khó hơn về thể loại: “Lê Hải Yến lựa chọn nhạc kịch - thể loại rất thách thức bởi nhạc kịch thường trình diễn trong nhà hát, âm thanh, hát, diễn và khán giả cần nghe - xem ở cự ly gần. Ở đây là sân khấu rộng ngoài trời, xa khán giả, phải làm thế nào để người xem vẫn thấy gần gũi, nghe, xem, cảm, hiểu được câu chuyện. Thủ pháp sân khấu kể cả ước lệ và công nghệ đều được sử dụng triệt để, tối đa để khán giả có thể nhận thấy cảm thấy từ mọi góc nhìn. Đặc biệt là những sân khấu và bối cảnh được thay đổi và di chuyển liên tục, lúc ở trên bờ, lúc ở dưới sông, lúc thì trên tàu để tạo nhiều sự bất ngờ cho khán giả.
Thứ hai, phần trình diễn vừa mang tính câu chuyện kể, cá nhân, tự sự, vừa có tính hoành tráng của lễ hội. Thứ ba, chương trình còn liên quan tới câu chuyện về lãnh tụ, phải làm sao giữ tính chính xác của tư liệu lịch sử, dễ cảm, lại vừa có tính khái quát ước lệ. Liều lượng thế nào, biểu hiện thế nào, để mọi người hiểu giống nhau, làm sao để người biết chuyện rồi, hay cả thế hệ trẻ cũng muốn xem, đó chính là thách thức lớn nhất”.
Nhạc sĩ Đức Trí gây bất ngờ khi nhận lời làm giám đốc âm nhạc cho chương trình. “Từ trước tới nay tôi thường làm các chương trình giải trí, đây là lần đầu tiên tôi tham gia một chương trình đặc biệt về lễ hội. Là một người dân của thành phố, thật lòng tôi thấy mình rất hân hạnh được tham gia chương trình này”, nhạc sĩ Đức Trí bày tỏ.
Anh chia sẻ thêm: “Chuyến tàu huyền thoại là vở đại nhạc kịch lịch sử, lấy âm nhạc và múa làm chủ đạo. Vì thế, chương trình được nhà tổ chức đầu tư lớn, quy tụ được rất nhiều anh chị em nghệ sĩ chung tay. Về âm nhạc, chúng tôi cố gắng làm một điều tưởng chừng như không thể là đem nhạc kịch từ sân khấu lớn ra ngoài trời. Để làm được điều đó, chúng tôi chuẩn bị về kỹ thuật tốt nhất. Công việc chuẩn bị của tôi kéo dài khoảng 2 tháng rưỡi, sáng tác, viết nhạc, dàn nhạc giao hưởng biểu diễn. Về nội dung, trong chương trình dùng một vài bài nhạc truyền thống, cách mạng, cũng như viết thêm một số bài mới theo phong cách nhạc kịch để dàn dựng vở diễn. Sẽ có nhiều nghệ sĩ cùng dàn hợp xướng hàng trăm người tham gia. m nhạc tự nói lên tất cả chứ không phải qua những lời tôi kể”.
Trong khi đó, Tổng biên đạo Tấn Lộc chia sẻ: “Chúng tôi quyết định sử dụng nhiều loại hình về biểu diễn trong múa như múa đương đại, jazz, hiphop, ballet… để thể hiện các nội dung, các chương trong chương trình. Ngoài ra, chương trình còn sử dụng ngôn ngữ xiếc, động tác thủ ngữ của người khiếm thính… Sẽ có những màn biểu diễn hấp dẫn và rất xúc động”.
Còn với NTK Nguyễn Việt Hùng, anh đảm nhận thiết kế toàn bộ các trang phục cho hàng nghìn diễn viên, nghệ sĩ để “bộ phim bom tấn” tại Cảng Sài Gòn cuốn hút khán giả từ từng chi tiết nhỏ trên phục trang.
NTK Nguyễn Việt Hùng chia sẻ: “Tôi từng tham gia nhiều chương trình quốc tế nhưng nói thật đây là chương trình hiếm mà đòi hỏi sự hoàn hảo tới từng chi tiết như vậy. Áp lực thời gian rất lớn, khi chúng tôi chỉ có mấy tuần để làm mấy ngàn bộ trang phục. Nếu sát ngày biểu diễn có thể phải thay đổi tiết mục nào đó thì cũng sẽ phải thay đổi hoặc chỉnh sửa trang phục theo… Tuy nhiên, áp lực cũng là động lực, tôi tự tin phần trang phục của tôi sẽ góp phần vào sự thành công của chương trình. Dòng sông kể chuyện mùa 2 – “Chuyến tàu huyền thoại” sẽ là show nghệ thuật mãn nhãn, xứng đáng được nhiều người chờ đợi mỗi mùa”.
Sự kết hợp của những đạo diễn, nhạc sĩ, biên đạo tài danh của từng mảng, sự kết hợp công nghệ như kỹ xảo điện ảnh, công nghệ trình chiếu 3D mapping, màn hình nước, sân khấu chuyển động trên nước, trình diễn Drone, bắn pháo hoa… hứa hẹn sẽ tạo nên show diễn hoành tráng, mãn nhãn, mang đẳng cấp quốc tế, đủ sức hút ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả, du khách đến tham dự khai mạc Lễ hội Sông nước TP Hồ Chí Minh năm 2024.