Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ trao Quyết định công nhận Hiệp Thiên Cung là di tích kiến trúc cấp quốc gia cho đại diện Ban quản lý di tích. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN |
Hiệp Thiên Cung còn được gọi là Chùa Ông Cái Răng, tọa lạc tại góc đường Hàm Nghi – Lê Thái Tổ, phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, được xây dựng cách đây khoảng 160 năm với diện tích trên 440 mét vuông. Chùa thờ ông Quan Thánh Đế Quân (tức Quan Công), Phúc Đức Chính Thần và Thiên Hậu Thánh Mẫu theo hệ phái Hoa tông.
Người dân địa phương tiến hành nghi thức cúng lễ trong chính điện Hiệp Thiên Cung. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN |
Lúc đầu, chùa chỉ là ngôi miếu nhỏ do một nhóm người Hoa di dân sang Cái Răng lập nghiệp xây dựng khoảng cuối thế kỷ XIX để thờ ông Quan Công, cầu cho bà con sản xuất được mùa, mua mau bán đắt, gia đạo bình an. Năm 1856, ngôi miếu được xây mới, mở rộng và đặt tên là “Miếu Quan Công”. Đến năm 1904, miếu một lần nữa được trùng tu, sơn sửa và đổi tên thành “Hiệp Thiên Cung” cho đến ngày nay.
Lối vào chính điện Hiệp Thiên Cung. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN |
Theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giá trị văn hóa của Hiệp Thiên Cung nằm ở kiến trúc độc đáo hình chữ “Quốc” với 4 dãy nhà khép kín vuông góc nhau, ở giữa là khoảng không gian trống được gọi là sân thiên tỉnh (giếng trời), gian chính thờ ông Quan Công, gian bên phải thờ thần Phúc Đức, gian bên trái thờ bà Thiên Hậu. Nóc chùa chạm khắc tinh xảo hình “Lưỡng Long Tranh Châu” (đôi rồng tranh ngọc); 2 dãy nhà dọc, nằm bên trái gọi là “đông lang”, nằm bên phải là “tây lang” được chia ra làm 6 phòng dùng làm nơi ở của người quản lý trông coi chùa và tiếp khách. Ngoài mặt tiền chùa, phía trên cổng chính treo hình “tượng thuyền Bát Nhã” (thuyền rồng không đáy). Đặc biệt, trong chùa còn lưu giữ 12 bức hoành phi (tranh chữ khắc gỗ) được chạm khắc rất tinh xảo, mang đậm nét văn hóa, nghệ thuật truyền thống của người Hoa.
Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Hiệp Thiên Cung. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN |
Bên cạnh đó, Hiệp Thiên Cung còn được xem như một trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Hàng năm, chùa tổ chức nhiều nghi thức cúng bái, nhưng lớn nhất là ngày “vía Ông” diễn ra suốt 3 ngày, bắt đầu từ ngày 12 đến 14 tháng 5 âm lịch với nhiều hoạt động tâm linh, vui chơi, giải trí, văn hóa thể thao thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài địa phương tham gia nhưng vẫn đảm bảo an ninh, trật tự, không xảy ra tệ nạn mê tín, dị đoan. Đặc biệt, chùa còn là địa điểm tổ chức nhiều hoạt động xã hội từ thiện như khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí, phát gạo cho người nghèo với sự tham gia của nhân dân địa phương nói chung và bà con người Hoa tại quận Cái Răng nói riêng, qua đó duy trì và phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau của dân tộc.
Tại buổi lễ, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, Hiệp Thiên Cung là di tích thứ 13 được xếp hạng cấp quốc gia của thành phố Cần Thơ và cũng là niềm tự hào của chính quyền và người dân thành phố. Thời gian tới, đề nghị các cấp lãnh đạo, các sở, ngành, các đơn vị địa phương cùng nhân dân toàn thành phố cùng chung sức tôn tạo, giữ gìn bản sắc văn hóa của di tích, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của cộng đồng, đưa Hiệp Thiên Cung trở thành một biểu tượng, một điểm đến nổi bật của du khách trong và ngoài nước khi đến Cần Thơ.