Bốn người phụ nữ tự nhốt nhau trong căn nhà với bốn bức tường chật hẹp: Bà ngoại Tuyền, người mẹ Cầm, con gái cả Miêu và con gái út Hoài.
Bốn người phụ nữ chung tay để xây lên căn nhà ấy, cũng là chung tay để phá tan những bức tường chật hẹp ấy, mở ra một cuộc sống mới tinh khôi cho “thế giới đàn bà” kia: Đạo diễn Lê Khanh, tác giả kịch bản Lê Thu Hạnh, nhạc sĩ Giáng Son và biên đạo múa Kiều Lê.
Và từ đó, câu chuyện kịch “Sau lưng là cả bầu trời” đã đan dệt trong một tiếng rưỡi đồng hồ tối 8/12, mang tới cho người xem những cảm xúc thật sự sâu sắc, những triết lý cuộc sống thật sự thấm thía.
Đừng níu chân nhau trong bất hạnh
Trong căn nhà với cái cửa sổ to tướng nhưng không bao giờ được mở, với không khí như “nhà ma” ấy, có 4 số phận riêng mà chung, tưởng xa cách mà ràng buộc. Ràng buộc với nhau, chung với nhau nỗi đau trong cuộc đời, chung với nhau trong cảm giác không dám hạnh phúc và không dám để cho người khác hạnh phúc.
Ba người phụ nữ lớn trong nhà mang chung những bí mật của quá khứ và đó là bất hạnh của họ.
Miêu, chọn cách chống lại sự bất hạnh bằng cách sống bất cần, có chút ngang ngược. |
Bất hạnh khiến bà ngoại Tuyền, người thậm chí chưa được một ngày làm vợ, bị người yêu rũ bỏ ngay khi mang thai, trái tim đã chết trong cái đêm mưa ôm con gái Cầm chạy theo người bố để van xin mà không được chấp nhận; chọn cách trở thành một người cay nghiệt, lạnh lẽo, thậm chí là cục cằn, thô lỗ. Thú vui duy nhất là đan len và viết giấy nợ. Nhưng đâu vì thế mà nỗi đau mất đi, nhưng đâu vì thế mà có thể bảo vệ được con gái Cầm khỏi bất hạnh cuộc đời. Những trang nhật ký đau đớn mà con gái Cầm và cháu gái Hoài đọc được, đã “tố cáo” bà. Và sâu thẳm sau những cục cằn, không thể một lần nói yêu thương con, yêu thương cháu ấy chính là một khát khao được yêu thương, che chở.
Bất hạnh khiến người mẹ Cầm, đã dám vượt qua “lời nguyền” và vòng tay che chở tới nghẹt thở của mẹ để đi tìm hạnh phúc, nhưng cũng không may mắn hơn người mẹ của mình, cũng bị người đàn ông mình yêu- bố của hai đứa con gái, bỏ rơi; chọn cách trở thành một người vô cảm, tự co mình lại, ngày ngày đóng đinh thêm cho kín thêm cánh cửa mở ra với thế giới tươi đẹp, chỉ nghĩ đến mình, quên cả việc phải nghĩ đến những đứa con. Nhưng, cũng như với bà ngoại Tuyền, nỗi đau đâu có để chị yên. Chị chọn cách nói chuyện một mình, lẩm bẩm với mình. Và cũng như với người mẹ của mình, chị vẫn mong chờ được mở cánh cửa sổ kín bưng kia, để đến với hạnh phúc, để được yêu thương.
Sự ngột ngạt của không gian sân khấu trong suốt vở diễn. |
Hai sự kìm nén ấy mang tới bất hạnh cho Miêu, cô gái giàu cảm xúc, yếu đuối và cũng vô cùng khát khao được yêu thương, được hạnh phúc, nhưng chọn cách phá phách, tỏ ra mạnh mẽ, bất cần…. để che giấu nỗi đau của mình, che giấu những tình cảm thật của mình.
Bí mật mang đến bất hạnh của 3 người phụ nữ ấy, cô bé út Hoài không biết; nhưng không vì thế mà Hoài không bất hạnh. Ngoài sự bất hạnh vì bệnh tật, què quặt; cô bé thánh thiện và trong sáng, con chim yến biển của gia đình, người xứng đáng được hạnh phúc nhất trong gia đình; còn phải chịu sự bất hạnh do cuộc sống ngột ngạt mang lại, do cả 17 năm chưa từng được ai yêu thương, che chở, trò chuyện- người bạn thân duy nhất là con búp bê và lần hạnh phúc nhất là khi nói chuyện với bạn trai của chị, một họa sĩ, bị mắng nhưng lại “vui” vì cảm thấy được quan tâm. Đau đớn làm sao!
Cái ung nhọt bất hạnh ấy chỉ bùng nổ khi Hoài, với sự khơi gợi của chị gái Miêu về việc được yêu thương, với sự động viên của bạn trai của chị gái Miêu; quyết định đi tìm hạnh phúc cho mình, đi chinh phục thế giới tươi đẹp và rộng lớn ngoài kia. Và “giọt nước tràn ly” khiến Hoài mở toang cánh cửa sổ đời mình ấy, cũng là giọt nước tràn ly để 3 người phụ nữ còn lại phải vứt bỏ sự kìm nén, vứt bỏ sự cay nghiệt, vứt bỏ sự vô cảm; để tìm đến nhau, để quyết định từ nay sẽ hạnh phúc bên nhau.
Cái kết đẹp với hình ảnh 4 người phụ nữ trong những chiếc váy trắng tinh khôi trong sự bừng sáng của ánh đèn sân khấu, chính là lời nhắn nhủ của ê kíp làm chương trình: Đừng để quá khứ và nỗi đau níu chân mình. Bầu trời ngoài kia cao rộng, khoáng đạt và tự do biết bao nhiêu.
Những sáng tạo đầy hiện đại
Quá trình làm việc trong dự án hợp tác dàn dựng vở diễn “Ông lão đánh cá và con cá vàng” cùng đạo diễn trẻ người Đức Dominic Gunther, những ngày “bôn ba" đất Nhật qua những nhà hát từ truyền thống đến hiện đại; đã mang tới cho đạo diễn Lê Khanh những kinh nghiệm để xây dựng vở diễn lần này. Một vở diễn với những sáng tạo khiến “Sau lưng là cả bầu trời” sâu sắc, ấn tượng và giàu giá trị nghệ thuật hơn.
Không có quá nhiều chiêu trò, mảng miếng; không có những mâu thuẫn đẩy tới đỉnh điểm để khiến vở diễn quá hấp dẫn người xem; cái cuộc sống tẻ nhạt, chết lặng của 4 người phụ nữ trong thế giới phụ nữ của mình ấy, được kể nhẩn nha, ngột ngạt, bằng sân khấu chỉ có duy nhất những chiếc bục và những thanh sắt- biểu tượng cho căn nhà; bằng ánh đèn sân khấu chưa lúc nào hết vàng vọt; bằng những bộ trang phục dường như từ đầu chí cuối vẫn được giữ nguyên. Cần gì nhiều đâu những yếu tố ấy, dù nó là những yếu tố bổ trợ cho câu chuyện, để đạo diễn kể câu chuyện; bởi bản thân câu chuyện đã hay rồi.
Sự tối giản mang lại hiệu quả, phải thừa nhận như vậy, những chiếc bục và những thanh sắt lúc khép lại, lúc mở ra, đều được tính toán kỹ để thể hiện tâm lý, cảm xúc của nhân vật. Khi cô bé Hoài chưa thể thoát ra, những chiếc bục khép kín lại, giống như cái lồng nhốt cô trong ngột ngạt. Khi mâu thuẫn trong gia đình bùng nổ, khi mọi người cùng muốn trốn tránh quá khứ, trốn tránh vấn đề của mình- những chiếc bục được kéo ra, trở thành biểu tượng cho “bức tường” mà mỗi người phụ nữ dựng lên giữa nhau, dựng lên trong mình…
Đặc biệt, xuyên suốt câu chuyện có một “tấm gương” để những người phụ nữ soi vào, đó chính là màn hình led với những bức ảnh đen trắng của nhiếp ảnh gia Việt Thanh chụp, với những đoạn clip được quay kỳ công với diễn xuất không thể chê được của nghệ sĩ Bùi Như Lai (vai họa sĩ, người yêu của Miêu), cũng chính là trợ lý đạo diễn của vở diễn này. Màn hình led ấy được đạo diễn Lê Khanh chọn làm một “nhân vật” trong vở diễn; rất đắt giá, rất giàu biểu cảm và vô cùng đạt. Và vì thế “Sau lưng là cả bầu trời” không còn chỉ là kịch nữa, mà có yếu tố điện ảnh; nhiếp ảnh- đây cũng chính là một xu thế của kịch hiện đại thế giới, mà còn khá mới mẻ ở Việt Nam.
Không thể phủ nhận nỗ lực diễn xuất của 4 nhân vật nữ, nhưng có lẽ ấn tượng nhất ở vở diễn là diễn xuất của Bùi Như Lai. Không hề được xuất hiện thật trên sân khấu, không phải là một nhân vật chính của vở; nhưng sự xuất hiện của anh trong vở diễn thật sự rất đắt, những cảm xúc anh bộc lộ qua khuôn hình rất điện ảnh nhưng cũng không mất đi yếu tố kịch; để lại những cảm xúc rất sâu trong lòng người xem.
Với Lê Khanh và thêm với tác giả Lê Thu Hạnh, thì vở diễn vẫn luôn chắc tay như vậy; có thể, nó sẽ chưa hoàn toàn thuyết phục một số người xem, vì câu chuyện kịch có phần hơi đơn giản và việc giải quyết vấn đề có phần hơi dễ dàng; nhưng đôi khi, không cần quá sâu cũng là một cách. Một lát cắt cuộc đời của hiện tại, để nối về quá khứ, để vươn tới tương lai; những ngẫm suy ẩn chứa trong đó về thân phận người phụ nữ. Xem ra, thế cũng là đủ, để một vở diễn đứng vững trên sân khấu rồi!