Vùng đất Tây Nguyên, nơi cư trú của các dân tộc thiểu số như M’nông, Ê Đê, Ba Na, Ja Rai… được biết đến với những giá trị lịch sử, văn hóa tinh thần vô cùng quý giá của không gian văn hóa cồng chiêng, của rượu cần, của đàn T’rưng… và đặc biệt là sử thi. Sử thi Tây Nguyên là sản phẩm đích thực của nền văn minh nương rẫy, đó là những câu chuyện kể dài, có vần, có điệu, thậm chí có vùng còn được diễn tả hoặc minh họa bằng động tác, hành động.
Nghệ nhân Đinh Jram, người dân tộc Ba Na, ở làng K’Giang, xã Kông Lơng Khơng, huyện K’Bang (tỉnh Gia Lai), là một trong số ít các nghệ nhân biết kể Hơ mon (Sử thi) qua lời hát và biết sử dụng được nhiều nhạc cụ dân tộc truyền thống của người Ba Na. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN |
Các trường ca, sử thi thường xoay quanh chiến công của những người anh hùng có công bảo vệ và giữ gìn sự yên vui của buôn làng, chống lại thế lực đen tối, chống lại sự khắt khe, vô lý trong luật tục lạc hậu của cộng đồng. Tuy nhiên, càng ngày, những nghệ nhân hát kể sử thi càng ít dần và đang có nguy cơ biến mất hoàn toàn trong đời sống của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.
Trường ca Đam San (Khan Dam San) của người Ê Đê tỉnh Đắk Lắk là một tác phẩm rất phổ biến trong cộng đồng người Ê Đê, kể về người anh hùng Đam San trong cuộc đấu tranh chống lại luật tục. Để trở thành tù trưởng, Đam San theo tục nối dây phải kết hôn với hai người vợ của ông mình là H’Nhi và H’Bhi và buộc phải từ bỏ người yêu là H’Bia Điêt Klưt. Không cam chịu ép mình theo luật tục, chàng đã lên trời khiếu kiện, nghĩ ra những thử thách để thoát khỏi cuộc hôn nhân theo nghĩa vụ này, kể cả việc muốn bắt nữ thần Mặt Trời về làm vợ (đi ngược lại tập quán mẫu hệ của người Ê Đê). Trong trường ca này, nhiều tập tục, sinh hoạt của xã hội Ê Đê cổ như tập quán ở, hôn nhân, lễ cưới, tập quán làm rẫy, săn bắt được tái hiện lại rất sinh động.
Trường ca Đam Di (Khan Dam Di) của người Ê Đê ở Đắk Lắk do các nhà nghiên cứu ông Y Yung, Y Đưp và Ngọc Anh sưu tầm là câu chuyện giàu chất trữ tình, thể hiện tình yêu trai gái bằng nhiều ngôn ngữ và hình ảnh đẹp, đồng thời phản ánh tập tục hôn nhân và xã hội Ê Đê xưa...
Ot N’trong “Cây nêu thần” của người M’nông ở Đắk Lắk do nhà nghiên cứu Điểu Kâu và Tấn Vịnh sưu tầm là câu chuyện miêu tả những sự liên quan đến các lễ hội có ăn trâu, là một tác phẩm sử thi phản chiếu nhiều nét văn hóa, lễ hội, phong tục của người M’nông...
Có thể nói, trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, qua quá trình nghiên cứu đã phát hiện sử thi của một số dân tộc như: Ê đê, Ba Na, Ja Rai, M’nông... Mỗi dân tộc lại có một một tên gọi khác nhau để gọi sử thi: Dân tộc Ê đê gọi là Khan, người Ba Na gọi là H'amon, người Ja Rai gọi là H'ri, người M’nông gọi là Ot N'trong...
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên Linh Nga Niê Kdam, sử thi Tây Nguyên là kho tàng đồ sộ, biên niên sử về quá trình hình thành, phát triển kinh tế xã hội và cuộc sống cộng đồng dân cư các tộc người trên dãy Trường Sơn. Trong các tác phẩm sử thi có sự hình thành trời đất, con người mang yếu tố thần thoại, cũng như quá trình hình thành và phát triển của lịch sử xã hội, phản ánh phong tục, tập quán của các tộc người ở Tây Nguyên, tạo nên một bức tranh toàn cảnh sinh động, là lời tự thuật của mỗi tộc người về chính mình, như: “Đam San”, “Khinh Du”, “H’Bia Jâo”, “Đam Di đi săn”... của người Ê Đê; “Gyông nghèo tám vợ”, “Dăm Noi”, “Xing Chion”, “Xing Chơ Nhiếp”... của người Ba Na; “Xinh Nhã”, “Dăm Phu”, “H’Bia Drang” của người Ja Rai; hệ thống những sử thi của người M’nông như: “Mùa rẫy bon Tiăng”, “Cây nêu thần”, “Kể dòng con cháu Mẹ Chep”...
Sử thi tồn tại dưới dạng truyền miệng và văn bản, nhưng phần lớn đều có nguồn gốc dân gian, có tác phẩm chỉ kể trong 1-2 đêm, nhưng cũng có tác phẩm phải kể kéo dài tới 4 - 5 ngày, đêm tùy theo trí tưởng tượng, trạng thái thăng hoa của người kể. Sử thi được truyền tải đến người nghe thông qua hình thức hát, kể, diễn xướng của nghệ nhân. Nghệ nhân kể, hát sử thi được coi là "báu vật sống" của dân tộc, họ là nghệ sỹ tổng hợp, là người sáng tạo tác phẩm, đạo diễn các tình huống, họ cũng là diễn viên tài năng, có thể diễn giọng nữ, giọng nam, giọng con quỷ, giọng thần tiên... đồng thời là người bình luận tính cách hay diễn biến câu chuyện...
Tuy nhiên hiện nay, do ảnh hưởng của văn hóa hiện đại, nên không còn nhiều người có nhu cầu nghe kể sử thi như trước đây. Các nghệ nhân biết hát, kể sử thi đã già yếu, nhiều người đã mất và mang theo “kho báu” về thế giới bên kia mà chưa kịp truyền dạy lại cho thế hệ sau. Bên cạnh đó, không gian nghe kể sử thi là các nhà dài của đồng bào Tây Nguyên cũng đang bị mai một, thậm chí ở nhiều buôn làng ngôi nhà dài đã bị “xóa sổ”.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên Linh Nga Niê Kdam, hát, kể sử thi Tây Nguyên không lâu nữa sẽ biến mất hoàn toàn trong đời sống cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, sự tồn tại của sử thi có chăng chỉ còn trên sách vở, trên đĩa CD. Nhưng những sản phẩm ấy lại được giữ trong các viện nghiên cứu, thư viện là những nơi mà đồng bào dân tộc không đặt chân đến, nhất là những người nông dân.
Theo bà Linh Nga Niê Kdam, để sử thi có thể sống mãi trong cộng đồng Tây Nguyên khi các nghệ nhân hát kể vắng bóng dần mà không có người kế tục, các nhà nghiên cứu, quản lý nên có chương trình đưa băng, đĩa ghi âm các nghệ nhân hát kể sử thi để trong các nhà dài của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Và khi tiếng hát kể sử thi vang lên hàng ngày trong nhà dài, nó sẽ từng bước ăn sâu vào tâm trí mọi người, và từ đó, sử thi mới có cơ hội tồn tại và sống lại trong đời sống của cộng đồng người dân tộc Tây Nguyên.
Phương Hà