Hàn Mặc Tử vẫn là 'hiện tượng' thi ca

Trong 2 ngày 20 và 21/9, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thi sĩ Hàn Mặc Tử (22/9/1912 – 22/9/2012). Tối 20/9 diễn ra Đêm thơ Hàn Mặc Tử, dâng hương viếng mộ Hàn Mặc Tử và Hội thảo Quốc gia 100 năm sinh Nhà thơ Hàn Mặc Tử ngày 21/9.

 

* Vài nét về Hàn Mặc Tử với đất Quy Nhơn

 

Chân dung thi sĩ Hàn Mặc Tử. Ảnh: internet.

 

Thi sĩ Hàn Mặc Tử, tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22/9/1912 tại làng Lệ Mỹ, thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), nhưng gần trọn cuộc đời mình gắn với đất Quy Nhơn, ông là một trong những nhà thơ khởi xướng phong trào Thơ Mới (1932 – 1945); người khai sinh “trường thơ loạn”, “thơ điên”… Gần cả cuộc đời phải chống chọi với bạo bệnh, cũng là gần trọn cuộc đời, Thi sĩ luôn đấu tranh cho khát vọng được sống, được yêu đến quằn quại, đau đớn. Tuy nhiên, cũng nhờ những đau khổ trong cuộc đời mà Thi sĩ họ Hàn đã để lại cho đời rất nhiều kiệt tác thơ.

 

Thi sĩ họ Hàn mất khi mới 28 tuổi (1940), hiện mộ ông được an táng trên Đồi Thi nhân (thành phố Quy Nhơn), bên dưới là sóng biển rì rào với Bãi Trứng, bãi tắm Hoàng Hậu cùng khung cảnh biển cả mênh mông. Những buổi tối, ánh trăng huyền ảo nhô lên mặt biển, đứng chơi vơi giữa biển và trên đỉnh núi. Nơi ấy, thi sĩ có thể níu cả trăng để mà… rao bán…

 

Cạnh đó, con đường đèo thấp thoải thoải bọc lấy Đồi Thi nhân, mọi người gọi là dốc Mộng Cầm; nhưng có người cãi, và gọi đó là dốc Mai Đình. Cả hai đều là tên của những người mà Hàn Mặc Tử đã yêu. Mộng Cầm đã được Hàn yêu đến điên cuồng, nhưng khi biết Hàn bị mắc bệnh hủi, Cầm đã đi lấy chồng và không còn liên lạc với người xưa. Thay vào đó, Mai Đình đến với Hàn sau khi thi sĩ đã mắc bạo bệnh và giữ mối tình tuyệt vọng ấy rời xa Hàn không lâu trước khi Hàn về với Đức mẹ Maria.

 

Người Bình Định nay luôn tự hào về quê hương mình là “đất võ, trời văn”. Cũng chẳng ngoa ngôn nếu biết vùng đất này đã từng nuôi dưỡng biết bao anh tài, hào kiệt cả văn lẫn võ, trong đó có Hàn Mặc Tử. Mọi người bảo rằng chính Quy Nhơn đã nuôi dưỡng và phát tiết nguồn thơ của Hàn, trái lại Hàn đã làm sang trọng, chói ngời vùng đất anh linh này.

 

* Sau 100 năm sinh, 72 năm mất – Hàn Mặc Tử vẫn là một “hiện tượng thơ”

 

Tại Hội thảo 100 năm sinh Nhà thơ Hàn Mặc Tử, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói: Hàn Mặc Tử sinh ra cách đây tròn 100 năm và đã mất đi cách đây 72 năm, và đây không phải là lần đầu chúng ta bàn về thi sĩ tài hoa bạc mệnh này, nhưng tất cả cứ như mới, vẫn như lần đầu tiên văn đàn nghiên cứu, đánh giá về “hiện tượng thơ” lỗi lạc này.

 

Sinh thời, nhà thơ Chế Lan Viên từng viết “Mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, còn lại chút gì trên đời này đáng kể, đó chính là Hàn Mặc Tử” …

 

Đến như Xuân Diệu, sau nhiều thập kỷ của phong trào Thơ Mới, thơ của ông ngày càng kén người yêu. Hay như Bích Khê, Quách Tấn, Thâm Tâm… ít nhiều thơ đều có hiện tượng xao nhãng với lớp trẻ ngày nay. Nhưng với Hàn, tuyệt nhiên có điều lạ là càng về sau, người mộ điệu thơ ông càng nhiều, càng đằm thắm mà không phân biệt giới tính, lứa tuổi, tầng lớp.

 

Nhà thơ Thanh Thảo vừa phát hiện ra một chi tiết rất hay rằng, theo lịch âm, Hàn sinh vào ngày 12 tháng 8 năm Nhâm Tý. “Vậy là Hàn Mặc Tử, tác giả bài thơ Giữa mùa trăng – đã sinh ra giữa mùa trăng, lại là mùa trăng Trung thu, thời điểm sáng nhất, đẹp nhất trong năm. Từ nhiều năm, tôi để ý, không phải đêm trăng rằm, mà trăng mười hai mới là vầng trăng huyền ảo nhất. Có lẽ vì nó chưa tới độ viên mãn, nó khao khát, nó đắm đuối” – nhà thơ Thanh Thảo nói.

 

Còn nhà lý luận phê bình Phan Cự Đệ đã từng đánh giá về Hàn Mặc Tử “Trong khoảng trên dưới một chục năm hoạt động trong thi đàn, Hàn Mặc Tử đã từ cổ điển, lãng mạn, tiến nhanh sang tượng trưng, siêu thực góp một phần quan trọng vào quá trình hiện đại hóa thi ca Việt Nam ”. Điều đáng kể nhất là ở loại hình nào, phạm trù nào, Hàn Mặc Tử cũng là trụ cột.

 

Khi Thơ Mới vừa ra đời, hẳn có nhiều sự “tranh chấp” trên thi đàn. Có những thi sĩ lớn, trong đó có cả thi sĩ bất tử Tản Đà đã nổi giận mà la lớn rằng đó không có gì mới cả. Thế nhưng đến khi Gái Quê của Hàn Mặc Tử ra đời (1936) thì giới trẻ ngày ấy như tìm được con đường rộng thênh thang để thoát khỏi “cái rọ Đường Thi” (lời của Trần Thanh Mại). Hãy nghe tứ thơ của Hàn:

 

“… Tiếng ca ngắt – Cành lá rung rinh
Một nường con gái trông xinh xinh
Ống quần vo xắn lên đầu gối
Da thịt, trời ơi! Trắng rợn mình…”
(Nụ cười, tập Gái quê)

 

Hay như:

 

“…Vô tình để gió hôn lên má,
Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm…
Em sợ lang quân em biết được,
Nghi ngờ cho cái tiết trinh em…”
(Bẽn lẽn, tập Gái quê)

 

Hàn Mặc Tử là người tiêu biểu cho giới thanh niên trí thức lúc bấy giờ sống hết mình, cháy hết mình với những gì mình yêu. Với Hàn Mặc Tử đó là thơ, là trăng, là một người con gái cụ thể theo từng giai đoạn. Hàn Mặc Tử đã dâng hiến đời sống chân thành, thảm khốc, ngắn ngủi của mình cho thi ca, đã để “hồn trào ra đầu ngọn bút, mỗi lời thơ đều dính não cân ta”. Ông đã làm thơ bằng cuộc sống thực, đau đớn, bi thương, bệnh hoạn, khốn cùng. Mỗi lời thơ, mỗi câu từ của Hàn đều là máu, là xương thịt được xắt ra.

 

Nói như nhà thơ Thanh Thảo, nếu những bậc rong chơi, hời hợt trong thi ca vẫn gọi cái hành trình làm thơ của mình là “một cuộc chơi” thì với Hàn Mặc Tử, “cuộc chơi” ấy là cuộc chơi vãi máu, mửa máu: “Ta nằm trong vùng trăng đêm ấy/Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra” (Say trăng).

 

Rồi cho đến “Thơ điên”, nếu nói điên là một bệnh lý thì cái theo suốt cuộc đời Hàn Mặc Tử làm ra thơ Hàn Mặc Tử đã “điên toàn triệt”, điên từ đầu chí cuối. Còn nếu người ta gọi những dòng thơ bất thường viết ra trong trạng thái không bình thường của Hàn là những dòng thơ của sự tỉnh ngộ, thì Hàn Mặc Tử “tỉnh toàn triệt”. Thơ Hàn Mặc Tử tỉnh táo đến tận cùng mà ai cũng biết, đi tới tận cùng tỉnh táo người ta sẽ gặp điên loạn” (Thanh Thảo).

 

Còn nhiều điều lạ lùng trong thơ của Hàn Mặc Tử không thể nào nói hết. Gần đây, nhiều người phát hiện ra nhiều bài thơ của Hàn đọc xuôi, đọc ngược vẫn là thơ; bỏ bớt từ trước, từ sau rồi đọc xuôi, đọc ngược thì vẫn cứ là bài thơ với đầy đủ ý tứ. Rồi có cả những nhà ngôn ngữ đã đưa ra những lý luận ngôn ngữ khác biệt trong thơ Hàn… Hay nói như nhà nghiên cứu Lý Hoài Thu, “dãy tín hiệu nhấp nháy liên hồi trong Gái Quê và một phần của Đau thương hiện lên với một gam màu nóng, cảm giác mạnh và dường như chỉ xoáy vào hai điểm nhấn nhạy cảm và gợi tình nhất của của phái đẹp như những nhãn tự trong thơ”. Tôi như chợt thấy thơ Hàn Mặc Tử vẽ ra như tranh của Vicent van Gogh. Những người có cuộc đời đớn đau và điên loạn cũng có những suy nghĩ từa tựa nhau.

 

 

Ly Kha

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN