Giải thưởng từ ký ức của mẹ

“Ngày bé, mẹ vẫn thường kể cho em nghe câu chuyện của những năm tháng khi đất nước vẫn còn chiến tranh, nhất là kỳ tích trong chiến dịch Hà Nội 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”. Những kỷ niệm ấy in đậm trong ký ức tuổi thơ của em và là động lực thúc đẩy em tham gia cuộc thi kỷ niệm 40 năm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” – Trần Hồng Hạnh (lớp kế toán K16, khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Đông Đô) tự hào kể về người mẹ của mình khi mở đầu câu chuyện kể về hành trình Hạnh tham gia và đoạt giải nhất cấp trường cuộc thi tìm hiểu kỷ niệm 40 năm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

 

Mẹ Hạnh nguyên là một sĩ quan quân đội, giờ đã nghỉ hưu. Bà được rèn luyện và học tập trong môi trường quân đội từ khi còn trẻ. Bởi vậy, từ thuở bé, Hạnh đã quen thuộc với những câu chuyện thời chiến tranh mẹ kể cho cô nghe. Đến khi biết và tham gia cuộc thi tìm hiểu 40 năm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, mẹ Hạnh đã động viên và giúp sức cho cô rất nhiều để đạt được thành tích cao nhất. Sinh ra trong thời bình, nên những gì về chiến tranh với Hạnh chỉ được biết qua sách, báo và qua những câu chuyện mẹ kể. Vì vậy, Hạnh gặp không ít khó khăn khi tìm hiểu sâu về chiến dịch này, viết bài làm sao không mang kiểu cách, mà phải gần gũi, sát thực với lịch sử, với những gì đã được học, được biết. Thông qua mẹ, Hạnh tìm hiểu và nắm bắt được đầy đủ sự kiện, diễn biến của cuộc chiến. Mặt khác, Hạnh còn tìm đọc thêm tài liệu, thông tin liên quan tại thư viện trường, trên các trang báo mạng... Càng đọc, Hạnh càng hiểu và càng tự hào về chiến thắng lịch sử 12 ngày đêm này đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.


Đoạt giải nhất cấp trường trong cuộc thi tìm hiểu kỷ niệm 40 năm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, nhưng cái mà Hạnh thấy mình thu được nhiều hơn cả là được học và tìm hiểu sâu hơn về lịch sử của đất nước, được thể hiện hiểu biết về lịch sử qua những bài thi của mình. 40 năm đã qua, với Hạnh, chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” mãi mãi là biểu tượng của ý chí kiên cường bất khuất của dân tộc, của trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Chiến thắng đó đã viết nên trang sử hào hùng của dân tộc trong thế kỷ 20, là niềm kiêu hãnh của nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh, là bài học quý giá về trí thông minh, lòng dũng cảm và tài nghệ quân sự của quân và nhân dân Việt Nam.

 

Không chỉ giỏi hiểu biết nhiều kiến thức về lịch sử Việt Nam, ở trường Đại học Đông Đô, Hạnh còn biết đến là một cô lớp trưởng học giỏi, say mê hoạt động tình nguyện. Hạnh kể: “Ngày bé, em rất ngưỡng mộ mỗi khi nhìn thấy trên ti vi hình ảnh các anh chị mang màu áo xanh tình nguyện đi tới khắp mọi miền đất nước. Em mong muốn tới một ngày nào đó sẽ được khoác trên mình chiếc áo màu xanh tình nguyện. Và rồi, khi bước chân vào giảng đường đại học, màu xanh tình nguyện ấy đã giúp em trưởng thành như ngày hôm nay”.

 

Hè năm thứ nhất 2011, Hạnh được chọn vào danh sách tham gia tình nguyện hè “phổ cập tin học” tại Bắc Giang. Đội của Hạnh gồm 20 người. Công việc chính của nhóm là hướng dẫn những kiến thức tin học cơ bản đến với các thầy cô, học sinh ở các vùng nông thôn. Ngoài ra, còn tham gia sinh hoạt hè, tổ chức trò chơi tập thể với các em học sinh, giao lưu với cán bộ đoàn xã. Đây là lần đầu tiên Hạnh được trải nghiệm, sống và sinh hoạt trong một tập thể đông người, ở lại vùng đất mới lạ, cùng với cuộc sống vất vả, gặp nhiều khó khăn… nên nhiều lúc cô thấy buồn và rất nhớ nhà. Nhưng rồi, chỉ vài ngày sau, Hạnh đã quên ngay cảm giác ấy, cô cũng chẳng còn thời gian mà ngồi nhớ nhà. Hạnh vui với những nụ cười của các em nhỏ, chia sẻ sự cố gắng vất vả của các thầy cô giáo vùng nông thôn, đồng hành với bạn bè trong đội cùng làm nên những việc làm ý nghĩa. Do chuyến đi trùng với dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ 27/7 nên Hạnh cùng cả nhóm tham gia chương trình “Tri ân các anh hùng liệt sỹ”, thăm hỏi tặng quà gia đình có công với cách mạng, tham gia các hoạt động tình nguyện sửa sang, dọn dẹp khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ… Hạnh dần cảm nhận thấy ý nghĩa và giá trị của cuộc sống, thấy đồng cảm và chia sẻ với những người nông dân chân lấm tay bùn nơi đây… 20 ngày tình nguyện tuy ngắn nhưng đã giúp Hạnh trưởng thành hơn rất nhiều. Cô biết chia sẻ và quan sát những người xung quanh. Những kỷ luật trong đội giúp cô tự có trách nhiệm với bản thân mình hơn.

 

Bước vào năm thứ hai, bên cạnh việc tiếp tục nỗ lực trong học tập, Hành còn dành thời gian tham gia tích cực nhiều hoạt động tại khoa và tại trường như: Lễ khai giảng mừng năm học mới - chào đón tân sinh viên, tham gia tổ chức các dịp lễ kỷ niệm, lễ Tri ân, liên hoan giao lưu văn nghệ giữa các khoa, các cuộc thi tài năng do trường tổ chức, tuyên truyền vận động các bạn sinh viên tham gia hiến máu tình nguyện... Hạnh tham gia cùng đội tình nguyện “Phổ cập tin học” của trường về tỉnh Hải Dương. Với những kinh nghiệm của năm trước, Hạnh hỗ trợ các bạn tình nguyện viên mới hòa nhập được với cuộc sống sinh hoạt của đội mình. Đội của cô đã để lại được rất nhiều ấn tượng tốt đẹp với các anh chị cán bộ Đoàn xã, các thầy cô và các em học sinh địa phương. Kết thúc đợt tình nguyện, Hạnh quay về với công việc học tập bận rộn của sinh viên năm thứ ba. Học hành vất vả, song nhiệt huyết hoạt động tình nguyện vẫn luôn cháy trong cô. Hạnh luôn cố gắng sắp xếp lịch sinh hoạt thật hợp lý để đảm bảo việc học tập cũng như tham gia hoạt động tình nguyện tại trường. Với những thành tích hoạt động tình nguyện, tham gia công tác đoàn tích cực, Hạnh đã vinh dự được trao giải thưởng “Sao Tháng Giêng”, giải nhì cuộc thi “Cán bộ Đoàn - Hội giỏi”…

 

Hạnh tâm sự: “Sau mỗi lần đi tình nguyện, em đã có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức hoạt động. Bên cạnh đó, em cũng nhận được rất nhiều niềm vui, tình cảm quý mến của các anh chị, các bạn dành cho em. Những niềm vui mà chỉ có sinh viên tình nguyện mới có và cảm nhận được”. Và cũng nhờ có những ngày tháng tình nguyện ấy đã giúp cho Hạnh trưởng thành, chững chạc, rắn rỏi như ngày hôm nay. Với kinh nghiệm đúc rút được, Hạnh cho rằng các bạn trẻ bên cạnh việc đảm bảo học tập tốt vẫn nên giành thời gian tham gia các hoạt động xã hội. Bởi thông qua các hoạt động xã hội này mang lại cho các bạn kỹ năng sống đa dạng, các khía cạnh, các góc nhìn mới về xã hội, để từ đó tạo dựng hành trang vững chắc bước vào đời.­­­­­­

 

Kim Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN