Giai điệu tự hào kể câu chuyện 'Thư tình cuối mùa thu'

Chương trình "Giai điệu tự hào" tháng 11/2017 với chủ đề "Thơ tình cuối mùa thu" sẽ phát sóng lúc 20 giờ 10 phút ngày 25/11, trên kênh VTV1- Đài truyền hình Việt Nam.

Như chia sẻ của BTC chương trình, "Giai điệu tự hào" tháng 11 sẽ dành cho những khoảnh khắc cuối cùng của mùa thu, mùa của tình yêu với những câu chuyện tình đầy lãng mạn gắn với những ca khúc thu kinh điển.

Nữ ca sĩ Khánh Linh với "Gửi gió cho mây ngàn bay".

“Gửi gió cho mây ngàn bay” là một trong những tuyệt phẩm về mùa thu nằm trong chùm 11 tình khúc thu nổi tiếng của hai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn – Từ Linh ra đời cách đây đã 65 năm. Trong lời đề từ cho ca khúc này, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn viết: “Trên chiếc xe màu xanh lá cây đẹp, bên cạnh một người áo xanh đẹp, trong lòng chàng nhạc sĩ đa tình ngổn ngang những đám mây thu cao tít trên kia. Thế là âm thanh cứ ùa ra cứ như lá thu vàng từng cánh rơi từng cánh rơi xuống âm thầm trên đất xưa”.


Như nhiều ca khúc khác của người nghệ sĩ đa tình này, “Gửi gió cho mây ngàn bay” cũng gắn với một bóng hồng tài sắc vẹn toàn nức tiếng thời ấy, ca sĩ Mộc Lan. Ca khúc ra đời trên con đường thu đầy thơ mộng sau khi ông “bắt cóc” người phụ nữ trong mộng của mình trên đường ra Hải Phòng.


Là một người am hiểu guitar Hawaii, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã sử dụng nhạc cụ này để sáng tác cho hầu hết các bài hát của mình. “Gửi gió cho mây ngàn bay” là một ca khúc đậm chất jazz blue. Bản phối của “Gửi gió cho mây ngàn bay” trong "Giai điệu tự hào tháng 11" qua giọng hát Khánh Linh là một bản phối đầy đương đại, mới mẻ có thể khiến những người yêu mến ca khúc này từ xưa có phần hơi lạ lẫm. Nhưng dưới góc nhìn của những người trẻ đầy năng động như đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp thì phần thể hiện này phù hợp với cảm xúc và tư duy của thế hệ mới hôm nay.


Chương trình "Giai điệu tự hào tháng 11" cũng sẽ tái hiện trên sân khấu một Hà Nội của những năm 1970, 1980 với những cột đèn cổ lặng lẽ nép mình, những mái gác xép đặc trưng của kiến trúc Hà Nội thời xưa.

Ca sĩ Đông Hùng thể hiện ca khúc "Mối tình đầu".

Nhạc sĩ Thế Duy – tác giả ca khúc “Mối tình đầu” - thành viên Hội đồng bình luận chia sẻ “có những hôm trở về căn gác xép, cảm giác thấy cô đơn, vì vậy ca khúc “Mối tình đầu” ra đời trong một đêm mùa đông năm 1988”. Ngay sau đó, ca khúc lãng mạn này nhanh chóng trở thành một bản “hit” những năm đầu 1990, giữ một vai trò quan trọng trong làng nhạc trẻ Hà Nội.


Trên sân khấu của "Giai điệu tự hào tháng 11", lần đầu tiên, 30 năm sau khi ca khúc ra đời, nhạc sĩ Thế Duy có cuộc gặp gỡ bất ngờ với nhà thơ Nguyễn Phan Hách – tác giả bài thơ “Hoa sữa” – được cho là có chung cảm xúc thu và mối tình đầu. Họ sẽ cùng chia sẻ với nhau và với khán giả câu chuyện của cá nhân mình liên quan đến tác phẩm nổi tiếng này.


Một phiên bản acoustic của “Hà Nội mùa thu” sẽ đưa khán giả trở về Hà Nội những năm 1980, vẫn dài rộng trong gian khó nhưng vẻ đẹp thu say đắm lòng người không mất đi, với niềm tự hào ngầm vừa thanh lịch, lịch lãm, đôi khi xen lẫn một chút u hoài riêng có của Hà Nội.

Ca sĩ Thu Thủy với "Hà Nội mùa thu".

“Hà Nội mùa thu” vốn là một sáng tác mà nhạc sĩ Vũ Thanh viết tặng vợ là ca sĩ Phương Nhung khi ông đi công tác ở Campuchia trong nỗi nhớ vợ, nhớ con và nhớ mùa thu Hà Nội. Vượt ra ngoài những cảm xúc cá nhân, ca khúc không còn là một mùa thu tình yêu của riêng tác giả, mà còn là tình yêu gắn chặt với với những thăng trầm của Thủ đô.Dẫu qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, Hà Nội vẫn mãi “ngát xanh, xanh mùa thu”.


Nữ ca sĩ trẻ Thu Thủy – quán quân Sao Mai 2017 dòng nhạc nhẹ được tin tưởng giao thể hiện ca khúc này. Vẻ đẹp của Thu Thủy trong tà áo dài mang lại cảm giác hoài niệm về một Hà Nội xưa, nhưng với những trải nghiệm của mình, liệu nữ ca sĩ trẻ này có thể mang tới một “Hà Nội mùa thu” nhiều tầng nghĩa như kỳ vọng?


Nhà thơ Xuân Quỳnh có một vị trí khá đặc biệt trong thơ ca hiện đại. Những vần thơ của chị vừa giản dị, dễ hiểu mà mênh mông, sâu lắng. Đó là những cảm xúc của người phụ nữ mang trong mình tình yêu tha thiết với người mình yêu. Cuộc sống của chị có thể nghèo khó, vất vả nhưng chị luôn mong chờ sự tuyệt đối trong tình yêu. Tình yêu với chị, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải trọn vẹn.

Sự đồng điệu giữa cảm xúc của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh đang say đắm trong tình yêu và nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã mang đến một bản "Thơ tình cuối mùa thu" như chiếc lá vàng long lanh trên vòm cây của vườn thu mà ta có thể mở cả hai cánh cổng để chiêm ngưỡng: nhạc và thơ”.

Ca sĩ Thùy Chi với "Thơ tình cuối mùa thu".

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp – thành viên Hội đồng bình luận - vốn chỉ thích bài thơ gốc của nữ sĩ mà không thích bài hát cũng phải thốt lên: quá yêu bản phối này. Bản phối mới mẻ của nhạc sĩ Thanh Phương kết hợp với giọng hát ngọt ngào, trong trẻo của Thùy Chi đã tạo nên một “Thơ tình cuối mùa thu” cực kỳ lạ lẫm nhưng đầy nữ tính. “Thùy Chi mang tôi vào đúng thời điểm người con gái đang yêu, vào đúng thời điểm mây trắng bay qua và cho tôi thấy được đúng cảm xúc xốn xang đó”. – đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ.


Những kỷ niệm của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, người bạn thân của nữ thi sĩ với người bạn của mình sẽ tiết lộ với khán giả nhiều câu chuyện chưa biết về một con người, về một người phụ nữ luôn dành tình yêu trọn vẹn với tất cả những người quanh mình.


Bản phối mới trong "Giai điệu tự hào tháng 11" mang phong cách bolero nhưng mang hơi thở của thời đại. Và nữ ca sĩ Thùy Chi đã dồn vào phần biểu diễn những cảm xúc yêu của cá nhân mình để tạo nên một ca khúc không giống với bất kỳ phần thể hiện nào trước đó.


“Mùa thu không trở lại” kể về một mối tình thời trai trẻ của nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu mà trong lời đề từ cho bài hát, ông viết “gặp nàng vào mùa xuân. Mùa hạ tình nồng cháy, và mùa thu thì nàng ra đi”. Sau khi tiễn người yêu ra đi, trở về qua khu vườn Luxembourg ở Paris, thấy lá vàng rơi dưới chân, những giai điệu tự nhiên vang lên trong đầu người nghệ sĩ. Đó là vào năm 1960.

Quốc Thiên với "Mùa thu không trở lại".

Vì vậy “Mùa thu không trở lại” là cảm nhận rất riêng của một người con trải qua những mùa thu nơi xứ khác. Mà mùa thu ấy thu nhỏ lại trọn vẹn trong vóc dáng một người con gái. Điều đặc biệt ở ca khúc này cũng như chùm 12 ca khúc ông viết trên đất Pháp, đó là chúng vẫn giữ nguyên cái không gian tiền chiến của Việt Nam, rất hoài niệm mà không bị ảnh hưởng bởi những trào lưu nghệ thuật đang đình đám ở Phương Tây.


Trong "Giai điệu tự hào tháng 11", bản hòa âm của Quốc Thiên mang một chút dáng dấp cổ điển với âm hưởng của nhạc điện tử, sẽ mang ký ức của thời tiền chiến trở lại, tạo không gian để xưa và nay gặp nhau.


Thời gian gần đây, "Giai điệu tự hào" thường giới thiệu đến khán giả những ca khúc của các tác giả thuộc thế hệ thứ 4 với những ca khúc ra đời vào khoảng những năm 1990. Họ là những đại diện trẻ, là sự kế cận di sản sáng tác của thế hệ nhạc sĩ tiền bối.

Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, vì cái duyên đến với sản xuất âm nhạc nên anh không có nhiều thời gian dành cho sáng tác. Số lượng tác phẩm của anh không nhiều nhưng tác phẩm nào cũng tròn vẹn và tác phẩm nào cũng dành tặng người vợ của mình.


Bài hát “Mùa thu” là một món quà mà nhạc sĩ Lương Minh viết tặng người vợ mình, khi đó còn là mối tình đầu của anh bằng những cảm xúc trong trẻo.

Ca sĩ Mỹ Linh với "Mùa thu".

“Mùa thu” đầy cảm xúc của cố nhạc sĩ Lương Minh sẽ được thể hiện trên sân khấu của Giai điệu tự hào tháng 11 bởi giọng hát của diva Mỹ Linh, một người bạn thân của cố nhạc sĩ. Chị cũng là người đầu tiên thể hiện ca khúc này, ngay khi bản nhạc còn chưa ráo mực. Chị tâm sự rằng đó là một thời kỳ rực rỡ nhất của lứa Mỹ Linh. Khi đó ban nhạc Hoa Sữa vào Đà Nẵng tham dự cuộc thi các ban nhạc nhẹ toàn quốc trong đó có chọn thể hiện bài hát “Mùa thu” của nhạc sĩ Lương Minh. Và năm đó, Mỹ Linh được giải đặc biệt dành cho ca sĩ thể hiện dù khi đó chị không thể lên được nốt cao của bài hát này.


Nhạc sĩ Ngọc Châu cũng chia sẻ những kỷ niệm về người bạn của mình: “khi đó chúng tôi cứ có tác phẩm mới là lại tụ tập nhau lại và hát cho nhau nghe. Thật tình cờ, nhạc sĩ Vũ Quang Trung cũng sáng tác bài “Mùa thu” với câu hát đầu tiên và nốt nhạc đầu tiên giống với “Mùa thu” của Lương Minh”.


Nhạc sĩ Trương Quý Hải, thành viên Hội đồng bình luận, tác giả ca khúc này lúc đầu cảm thấy “sốc” trước ý tưởng và bản phối hoàn toàn mới của giám đốc âm nhạc Thanh Phương và Phúc Bồ. Nhưng khi nghe hết bài hát, anh không khỏi thán phục sự sáng tạo của 2 chàng trai trẻ nhóm PR Nation.

Ghép “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” với “Hà Nội của tôi” cùng phần đọc rap là một thể nghiệm đầy mới mẻ mà chắc chỉ những người trẻ đầy đam mê và sáng tạo mới dám làm. PB Nation mang vào phần thể hiện những hình ảnh trong ký ức của chính họ về Hà Nội, nói lên tiếng nói của thế hệ mình.

PB Nation với "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa".

Bất ngờ hơn cả là sự phá cách này của PB Nation nhận được sự ủng hộ của phần đông thành viên Hội đồng bình luận. Đa số đều “vote” đây là phần biểu diễn ấn tượng nhất chương trình "Giai điệu tự hào tháng 11", vượt qua nhiều tên tuổi quen thuộc khác.
PT/ Báo Tin tức
'Giai điệu tự hào tháng 10: Chín bậc tình yêu'
'Giai điệu tự hào tháng 10: Chín bậc tình yêu'

“Chín bậc tình yêu” – một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ An Thuyên – được chọn làm chủ đề cho câu chuyện âm nhạc của Giai điệu tự hào tháng 10 mà ở đó, có một hình ảnh xuyên suốt sẽ được khắc hoạ bằng những giai điệu đẹp đẽ, ngập tràn yêu thương. Đó là sự chia sẻ, ngưỡng mộ và cả lòng biết ơn của nhiều thế hệ nhạc sĩ Việt Nam đối với một nửa thế giới – những người đã để lại biết bao dấu ấn khó phai mờ trong lịch sử Việt Nam. "Chín bậc tình yêu" là hình ảnh ẩn dụ cho vòng đời của người phụ nữ với mọi niềm vui, nỗi buồn và cả những dấu mốc đáng nhớ trong đời.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN