Du khách đổ về đền Trần Thái Bình dâng hương

Lễ khai mạc Lễ hội đền Trần - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua Triều Trần diễn ra vào tối 3/3 (tức ngày 13 tháng Giêng). Những ngày này du khách thập phương đã nườm nượp đổ về Khu di tích đền Trần tại Thái Bình để thắp nén tâm hương, chiêm bái, thành kính tưởng niệm và tri ân các vua Trần.

Du khách tham quan trên trục Thần Đạo - lối đi vào Khu Di tích đền Trần Thái Bình. Ảnh: Xuân Tiến-TTXVN


Trong 2 ngày vừa qua, theo ghi nhận của phóng viên tại Khu di tích đền Trần Thái Bình (thuộc xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) ngay từ sáng sớm, nhiều đoàn du khách thập phương đã đổ về đây. Đặc biệt, trong ngày 2/3, lượng du khách về đây đã tăng đột biến, các ngả đường chính dẫn về Khu di tích đền Trần Thái Bình nườm nượp những dòng xe máy, xe ô tô. Sau khi dâng hương, chiêm bái ở các điểm di tích như tòa Tiền Tế, Trung Tế, Hậu Cung, tòa Phương Đình, đền Mẫu… du khách tìm đến các điểm di tích khác như Sân lễ hội, Giếng Ngọc, Cổng Ngọ Môn, Cổng đền… để khấn nguyện những điều tốt đẹp. Trục Thần đạo nối Cổng Ngọ Môn với tòa Phương Đình, sân lễ hội và đền Vua luôn trong tình trạng nườm nượp người. Tại vị trí 3 mộ Vua (Chiêu Lăng, Dụ Lăng, Đức Lăng - nơi yên nghỉ vĩnh hằng của các vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông - Di sản văn hóa vật thể đặc biệt duy nhất của cả nước) cũng thu hút số lượng lớn du khách tìm đến thắp hương, khấn nguyện.

Anh Nguyễn Văn Hậu, quê ở Nghệ An, làm công nhân tại Hưng Yên, cho biết: Di tích đền Trần Thái Bình tôi đã nghe bạn bè giới thiệu nhiều, nay tranh thủ ngày nghỉ tôi mới có cơ hội đến đây. Được hòa mình vào không khí, cảnh sắc lễ hội, được tìm hiểu về các di tích đền Trần, cảm xúc của tôi rất vui, tự hào và trân trọng hơn những công lao, giá trị lịch sử mà cha ông đã để lại.

Theo ông Nguyễn Hồng Chuyên, Bí thư Huyện ủy Hưng Hà: Công tác chuẩn bị cho Lễ hội đền Trần năm 2015 đã được hoàn tất từ nhiều ngày trước. Nhằm loại bỏ những hoạt động không phù hợp với truyền thống, bản chất của lễ hội gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận, làm mất mỹ quan tại lễ hội , địa phương tiếp tục duy trì, thực hiện văn minh trong lễ hội đền Trần, quyết không để xảy ra tình trạng ăn xin, móc túi, chèo kéo du khách trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.

Ban quản lý Di tích đền Trần Thái Bình cho biết: Dù lượng du khách đổ về di tích trong những ngày qua ngày một lớn nhưng công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn cháy nổ, vệ sinh… trong phạm vi khu di tích vẫn được đảm bảo. Điều du khách dễ nhận thấy khi đến Di tích cấp quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua Triều Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà) năm nay là tại các ngã rẽ trên trục đường chính dẫn về điểm di tích đều có lực lượng hướng dẫn du khách.

Lễ hội đền Trần Thái Bình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng chứng nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 1/2014; Di tích cấp quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua Triều Trần được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định vào cuối tháng 12/2014. Hàng năm, cứ vào ngày 13 tháng Giêng, Lễ hội đền Trần Thái Bình sẽ được khai mạc.


Hải An - Xuân Tiến (TTXVN)
Đền Trần Thái Bình mở hội trên vùng đất của thủy tổ nhà Trần
Đền Trần Thái Bình mở hội trên vùng đất của thủy tổ nhà Trần

Với ba lần chiến thắng giặc Mông Nguyên và những chiến công còn vang vọng đến ngày nay như: Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết, Bạch Đằng, Vương triều Trần là một vương triều hiển hách nhất trong xã hội phong kiến Việt Nam trước đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN